Hiện trạng rác thải sinh hoạt và công tác toàn dân trong bảo vệ môi trường

07/10/2022 10:42:37 SA
Share Bai :

Rác sinh hoạt đang trở thành nỗi lo môi trường của các thành phố lớn. Ảnh: Internet

Môi trường là vấn đề được thế giới quan tâm hàng đầu. Một môi trường sống xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, tiện ích… là niềm mong ước của toàn thể nhân loại. Thế nhưng, đáng tiếc vẫn có nhiều người còn thờ ơ, thậm chí vô trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo vệ để có một môi trường sống trong lành.

Môi trường sống của chúng ta ngày càng bị ô nhiễm, không chỉ bởi lượng nguồn tài nguyên đang ngày càng bị khai thác quá mức, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy ra môi trường mà còn bởi ý thức của con người chưa tốt trong việc bảo vệ môi trường.

Hiện nay, tình trạng xả thải rác bừa bãi xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có các thành phố lớn. Đây thật sự là bài toán nan giải. Vấn đề này đặt ra có lẽ không mới, bởi từ nhiều năm nay, nó đã được đưa ra mổ xẻ, bàn luận, tìm giải pháp, song trên thực tế, dường như chưa được cải thiện là bao. Ý thức của cộng đồng chính là vấn đề cần phải nói tới.

Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày không đúng quy định, như rác thải không được thu gom, phân loại và xử lý phù hợp, cùng với việc thu gom rác thải vào nơi quy định còn chưa được thực hiện tốt, vẫn còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi và hình thành nhiều điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tình trạng đáng báo động hơn là các khu trạng trại, khu chăn nuôi, các khu công nghiệp xả trực tiếp nguồn nước thải, các chất tẩy rửa và rác thải nông, công nghiệp không qua xử lý đổ ra ao, hồ, kênh, mương, sông tạo ra những dòng chảy màu đen với những mùi khó chịu, độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, gây ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Việc sử dụng tràn lan hóa chất bảo vệ thực vật, như lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu được người dân sử dụng không theo quy định, không có sự quản lý chặt chẽ, điều này không chỉ tạo những những nông sản không bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh gây hại cho sức khỏe người sử dụng mà còn làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước ngầm và nước mặt chính những nơi sản xuất nông nghiệp này. Nguồn nước sạch bị ô nhiễm, thiếu nước sạch sẽ gây ra những hậu quả nặng nề mà chúng ta không ngờ tới, như bệnh, dịch và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Khói thải từ các khu công nghiệp, nhà máy, lò gạch, khói bụi đường làm ô nhiễm không khí, khi không khí bị ô nhiễm, con người sẽ hít phải những thứ độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch, bệnh về mắt, về da.

Ô nhiễm môi trường để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Chúng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh hiểm nghèo, thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán…), và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, sự cân bằng của hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, suy giảm, cạn kiệt nguồn tài nguyên….

Từ thực tế hết sức đáng báo động nêu trên, mỗi người dân, mỗi địa phương, mỗi cấp, mỗi ngành thiết nghĩ cần có một chương trình hành động chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn để bảo vệ môi trường sống của người dân, trước hết là bảo vệ nguồn nước, xử lý rác thải. Đặc biệt là đối với các loại rác thải nhựa, cần có thông điệp mạnh mẽ với Chính phủ về việc không được nhập rác thải vào Việt Nam, nên xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường thì cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người dân và của toàn cộng đồng, tích cực trong Phong trào bảo vệ môi trường đang được đông đảo người dân ở các khu dân cư trong tỉnh tích cực tham gia thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để hoạt động này được duy trì thường xuyên thì vẫn còn nhiều việc phải làm bởi lượng rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư luôn chiếm phần không nhỏ, do đó cần phải có biện pháp hữu hiệu để hạn chế và tiến tới khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra.

Công tác toàn dân được xem như là giải pháp tối ưu trong xử lý rác thải sinh hoạt của người dân. Ảnh: Internet

 Để phát huy hiệu quả trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ tự quản bảo vệ môi trường tại khu dân cư; xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả trong cộng đồng; tuyên truyền và làm tốt việc phân loại rác thải từ nguồn, coi đây là việc làm thường xuyên, một hành động văn minh của mỗi người, mỗi nhà và cả cộng đồng.

Mỗi mô hình, mỗi phong trào sẽ không thể mang lại hiệu quả thiết thực nếu chỉ tập trung làm trong một thời gian. Thực tế nhiều nơi đã cho thấy, có lúc phong trào bảo vệ môi trường trong nhân dân phát triển rất mạnh, nhưng sau đó lại trầm lắng. Nguyên nhân là do thiếu sự chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, thiếu sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội trong khu dân cư, thiếu sự động viên với những nơi làm tốt hay phê bình, nhắc nhở kịp thời với những tập thể, cá nhân làm chưa tốt. Nhiều nơi thiếu tổ chức đứng ra chủ trì hoạt động, chưa có người đứng đầu thực sự tâm huyết để “thắp lửa” và “giữ lửa” cho phong trào.

Để phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường duy trì thường xuyên, hiệu quả cần phải nâng cao ý thức của người dân, đồng thời phải phát huy vai trò liên kết, phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội tại khu dân cư, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là thước đo hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức chính trị - xã hội tại các khu dân cư. Phải phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ môi trường sống, vứt rác đúng nơi quy định, nói không với xả rác bừa bãi ra môi trường xung quanh, đặc biệt là những nơi công cộng, như công viên, bệnh viện, trường học, nơi công sở, khu du lịch, lễ hội,... Giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường ngay tại nơi mình sinh sống và học tập. Giữ gìn vệ sinh chung, quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, những cống rãnh chảy phải có nắp đậy, không xả nước thải, chất thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra những ao, hồ không có rãnh thoát. Mỗi gia đình cần có một thùng đựng rác có nắp đậy riêng và thu gom rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định.

Trồng nhiều cây xanh vì đây là nguồn cung cấp oxy cho bầu khí không khí và nó cũng là nguồn hấp thụ khí cacbon, giảm sói mòn đất và hệ sinh thái. Nên trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà để được hưởng những không khí trong lành do cây tạo ra, giữ gìn và lên án những hành động phá rừng, đốt rừng bừa bãi.

Hạn chế sử dụng túi nilon vì nó là vật khó phân hủy trong môi trường bình thường, nó có thể tồn tại hàng trăm năm. Nếu sử dụng nhiều túi nilon mà không xử lý đúng sẽ gây lên hậu quả năng nề sau này. Để giảm thiểu túi nilon và các túi đựng bằng nhựa chúng ta nên hạn chế tối đa hoặc thay thế bằng các túi bằng giấy hay các loại túi dễ phân hủy.

Tận dụng năng lượng mặt trời để sử dụng, đây là nguồn năng lượng sạch, nguồn năng lượng tự nhiên vô hạn và cho hiệu suất sử dụng cao và bền lâu. Nên lắp đặt các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên đến mức cạn kiệt như hiện này.

Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường giúp làm giảm ô nhiễm. Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường là phương pháp bảo vệ môi trường một cách nhanh chóng, hiệu quả và hữu ích. Bảo vệ được môi trường sống là bảo vệ sức khỏe con người và phát triển kinh tế của đất nước./.

Thanh Vân

  • Tags: