Vai trò và trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường

09/10/2022 9:42:54 SA
Share Bai :

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm, không chỉ bởi lượng nguồn tài nguyên đang bị khai thác ngày càng quá mức, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy ra môi trường mà còn bởi ý thức của con người chưa tốt trong việc bảo vệ môi trường. Rác thải sẽ trở thành tài nguyên khi được phân loại, xử lý đúng cách. Ngược lại, rác sẽ gây ô nhiễm môi trường không chỉ cho hiện tại mà cả sau này nếu không được phân loại, xử lý đúng cách. Rác sẽ là nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành tái chế, đây là một hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn.

Chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn tồn đọng

Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày không đúng quy định, như rác thải không được thu gom, phân loại và xử lý phù hợp, cùng với việc thu gom rác thải vào nơi quy định còn chưa được thực hiện tốt, vẫn còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi và hình thành nhiều điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tình trạng đáng báo động hơn là các khu trạng trại, khu chăn nuôi, các khu công nghiệp xả trực tiếp nguồn nước thải, các chất tẩy rửa và rác thải nông, công nghiệp không qua xử lý đổ ra ao, hồ, kênh, mương, sông tạo ra những dòng chảy màu đen với những mùi khó chịu, độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, gây ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, cảnh quan đô thị, nông thôn ở nhiều địa phương trên cả nước. Hiện nay vẫn còn lượng CTR (chất thải rắn) sinh hoạt ở đô thị và nông thôn chưa được thu gom, xử lý theo quy định và bị thải bỏ ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, tại các đô thị, nhiều trạm trung chuyển, một số điểm tập kết còn có hiện tượng tồn đọng CTR sinh hoạt kéo dài, gây mùi khó chịu, khiến người dân bức xúc do môi trường sống bị ô nhiễm. Nhiều địa phương tại khu vực nông thôn còn thiếu thiết bị thu gom và phương tiện vận chuyển CTR sinh hoạt chuyên dụng. Nhiều xã, đặc biệt các xã miền núi, thiếu các quy hoạch các bãi rác tập trung, không quy định chỗ tập trung rác, thiếu người và phương tiện chuyên chở rác.

Do đó, các bãi rác tự phát đã hình thành ở một số địa phương, làm cho tình trạng CTR sinh hoạt nông thôn trở thành vấn đề nan giải khó quản lý. Chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn (quy định trước đây chưa mang tính bắt buộc). Một số địa phương đã triển khai thí điểm chương trình phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên việc phân loại đem lại hiệu quả chưa cao, mang tính riêng lẻ, không đồng bộ, chưa được nhân rộng.

Cũng theo thống kê của Bộ TN&MT, hiện nay, chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến (khoảng 70% khối lượng CTR sinh hoạt được thu gom được xử lý bằng phương pháp chôn lấp) nhưng chỉ có khoảng 20% trong số các bãi chôn lấp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Việc đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng dự án sử dụng công nghệ hiện đại, hạn chế chôn lấp chưa đáp ứng yêu cầu.

Phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận CTR sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm dụng diện tích đất lớn, gây ô nhiễm môi trường do mùi hôi, khí thải, nước rỉ rác, nhiều trường hợp gây ra sự cố phải xử lý phức tạp và tốn kém.  

Hoạt động tái chế CTR sinh hoạt còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi khu vực phi chính thức ở các làng nghề, gây ô nhiễm môi trường. Còn thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền về BVMT ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, thiết bị, máy móc cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có nhiều cải thiện. Nguyên nhân là do sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa đang gây sức ép rất lớn đến môi trường nước và sử dụng tài nguyên nước. Hầu hết các đô thị đều tập trung ven các sông lớn, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, quá tải dẫn đến ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước các dòng sông chảy qua, đặc biệt là sông chảy qua TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và các vùng lân cận.  

Việc sử dụng tràn lan hóa chất bảo vệ thực vật, như lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu được người dân sử dụng không theo quy định, không có sự quản lý chặt chẽ, điều này không chỉ tạo những những nông sản không bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh gây hại cho sức khỏe người sử dụng mà còn làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước ngầm và nước mặt chính những nơi sản xuất nông nghiệp này. Nguồn nước sạch bị ô nhiễm, thiếu nước sạch sẽ gây ra những hậu quả nặng nề mà chúng ta không ngờ tới, như bệnh, dịch và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Đề cao công tác tuyên truyền nhằm bảo vệ môi trường

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT cần tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT 2020. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng đối với sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện môi trường.  

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã nghiên cứu đổi mới phương thức tuyên truyền, tổ chức các sự kiện về môi trường đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả; sử dụng việc tuyên truyền thông qua phương tiện truyền thông, qua đó đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân. Tiếp tục triển khai tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật dưới nhiều hình thức trực tuyến và trực tiếp cho đối tượng là cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trên địa bàn.  

Hiện nay, Bộ TN&MT đang triển khai Đề án tuyền truyền, phổ biến pháp luật về BVMT, trong đó, tập trung phổ biến Luật BVMT, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Các Bộ ngành cũng đã thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục BVMT vào các môn học; tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến pháp luật và công tác BVMT trên phạm vi cả nước.

Các mô hình, phong trào BVMT trong cộng đồng dân cư đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình, phong trào BVMT hiệu quả như: Các mô hình thu gom rác thải, mô hình BVMT trong xây dựng nông thôn mới; mô hình kết hợp xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; mô hình xử lý chất thải làng nghề; nhiều làng nghề áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường. Nhiều mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững được hình thành, phát triển trên cả nước.  

Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đơn giản hoá về điều kiện và cách thức thực hiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết cho công tác quản lý môi trường. Lồng ghép việc thẩm định các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực BVMT. 

Người dân cần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường

Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ môi trường sống, vứt rác đúng nơi quy định, nói không với xả rác bừa bãi ra môi trường xung quanh, đặc biệt là những nơi công cộng, như công viên, bệnh viện, trường học, nơi công sở, khu du lịch, lễ hội,... Giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường ngay tại nơi mình sinh sống và học tập. Giữ gìn vệ sinh chung, quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, những cống rãnh chảy phải có nắp đậy, không xả nước thải, chất thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra những ao, hồ không có rãnh thoát. Mỗi gia đình cần có một thùng đựng rác có nắp đậy riêng và thu gom rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định.

Trồng nhiều cây xanh vì đây là nguồn cung cấp oxy cho bầu khí không khí và nó cũng là nguồn hấp thụ khí cacbon, giảm sói mòn đất và hệ sinh thái. Nên trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà để được hưởng những không khí trong lành do cây tạo ra, giữ gìn và lên án những hành động phá rừng, đốt rừng bừa bãi.

Hạn chế sử dụng túi nilon vì nó là vật khó phân hủy trong môi trường bình thường, nó có thể tồn tại hàng trăm năm. Nếu sử dụng nhiều túi nilon mà không xử lý đúng sẽ gây lên hậu quả năng nề sau này. Để giảm thiểu túi nilon và các túi đựng bằng nhựa chúng ta nên hạn chế tối đa hoặc thay thế bằng các túi bằng giấy hay các loại túi dễ phân hủy.

Tận dụng năng lượng mặt trời để sử dụng, đây là nguồn năng lượng sạch, nguồn năng lượng tự nhiên vô hạn và cho hiệu suất sử dụng cao và bền lâu. Nên lắp đặt các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên đến mức cạn kiệt như hiện này.

Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường giúp làm giảm ô nhiễm. Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường là phương pháp bảo vệ môi trường một cách nhanh chóng, hiệu quả và hữu ích. Bảo vệ được môi trường sống là bảo vệ sức khỏe con người và phát triển kinh tế của đất nước.

Nguyễn Huyến

  • Tags: