Đắk Nông: Cuộc sống của người dân chao đảo, sạt lở đất nghiêm trọng do khai thác cát kiểu “tận diệt” trên sông Krông Nô

14/06/2023 5:25:07 CH
Share Bai :

Đất nông nghiệp nằm dọc sông Krông Nô thuộc xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đang dần biến mất so với bản đồ địa chính. Kèm theo đó là những hệ lụy liên quan đến môi trường và hệ sinh thái hai bên bờ sông đang bị “bức tử” đến mức đáng báo động.

Quá trình khai thác cát xả nước thải trực tiếp xuống sông

Sạt lở đất “nuốt chửng” dần đất nông nghiệp

Người dân bất lực nhìn cảnh làng quê yên bình xưa kia nay đang bị tàn phá nghiêm trọng khi đất biến thành sông, cuộc sống sinh hoạt mưu sinh bị đảo lộn trên khúc sông này do tình trạng khai thác cát của Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Phước Lộc.

Tại những khu vực khai thác, các tàu hút cát của công ty luôn nổ máy rầm vang, tàu ngày càng tiến vào gần bờ sông khu vực sạt lở để hút cát. Theo phản ánh của người dân, phóng viên đi dọc bờ sông ghi nhận thấy có hai tàu gần khu vực đất rẫy của người dân, các tàu này dùng vòi rồng sục xuống lòng sông để hút cát khiến khu vực bờ sông, đất canh tác của người dân bị hổng chân, khiến cho nền đất yếu dẫn đến sụp đất, cây trồng trôi xuống sông, “góp phần” làm mất kế sinh nhai của người dân. Đáng ngại hơn người dân ớn lạnh mỗi khi đi trên bờ sông vì sợ có thể bị rơi xuống sông mất mạng bất cứ lúc nào!.

Lổm chổm nhiều đoạn dài dọc bờ sông đã bị sạt lở, “nuốt chửng” khu vực đất sản xuất nông nghiệp, theo như tìm hiểu của phóng viên thì tình trạng sạt lở diễn ra ở đây không mới mà đã xảy ra được một thời gian dài, hiện nay đang ngày càng trở nên trầm trọng. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra một cách rầm rộ, bất chấp hậu quả thì những mối nguy tiềm ẩn là vô cùng lớn, nhiều khu vực tiếp tục có thể sẽ bị “ngoạm” sâu vào đất của người dân.

Đất nông nghiệp của người dân bị nuốt chửng và nổi bọt đen

Hoạt động hút – sục cát diễn ra ồ ạt

Theo ghi nhận của phóng viên, Công ty Phước Lộc đã lập bến, bãi, nhà điều hành ngay bên bờ sông. Công ty sử dụng nguồn nước để phục vụ trong quá trình khai thác cát lên tàu, bến bãi lại xả thải nước bùn đen trực tiếp ra sông không có hệ thống bảo vệ môi trường bể lắng, diện tích bãi tập kết được mở rộng khá nhiều nhưng đơn vị chưa chuyển đổi mục sử dụng đất.

Tại thời điểm chúng tôi có mặt, có hai tàu của doanh nghiệp này đang hút cát dọc theo bờ sông Krông Nô đoạn qua xã Quảng Phú. Các tàu không công khai thông tin của doanh nghiệp hai bên thành tàu và theo quan sát của người dân cho biết, tình trạng hoạt động các tàu tại đây có dấu hiệu cố tình đến những khu vực thường xuyên bị sạt lở để hút cát. Hơn nữa, cả hai vòi rồng của công ty được bố trí ngay trên đầu bon tàu để sục vào gần bờ rồi hút, sau khoảng 30 - 40 phút khuấy động cả một khúc sông, các tàu này đã hút đầy cát và quay đầu chạy về khu vực bến để bơm chuyển cát lên bãi.

Chúng tôi tiếp tục quan sát và theo dọc bờ sông Krông Nô đoạn thuộc xã Quảng Phú khoảng 2km, chứng kiến hàng loạt điểm sạt lở. Nhiều diện tích cây trồng của người dân bị cuốn trôi xuống lòng sông.

Tàu hút cát không công khai thông tin đơn vị, có dấu hiệu vi phạm khoảng cách theo quy định pháp luật

Ngày 13/06/2023, PV đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, ông Đỗ Thanh Hùng cho biết, phản ánh của người dân về tình trạng sạt lở bờ sông là đúng và trách nhiệm của xã đã báo cáo cho UBND huyện và UBND tỉnh rất nhiều lần. Nguyên nhân sạt lở một phần do nhà máy thủy điện tích nước nên tình trạng này ngày một nghiêm trọng hơn, tiếp đó trên địa bàn còn nhiều đơn vị khai thác cát cũng xảy ra tình trạng sạt lở tương tự, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đều cảm thấy xót xa. 

Chiếu theo lăng kính luật sư

Cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, tài nguyên nước; các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến công tác quản lý cát, sỏi lòng sông; kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát, sỏi lòng sông phải có phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Căn cứ vào thực trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng tại sông Krông Nô, thì theo Điều 13, Nghị định 23 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông thì sẽ phải cấm hoạt động khai thác tại các điểm sạt lở cũng như có nguy cơ sạt lở. Vậy nên, nếu các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời xử lý, đưa ra các phương án khắc phục và cải tạo lại môi trường, hệ sinh thái nơi đây, chắc chắn hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở vấn đề sạt lở đất, người dân mất đất mà còn nhiều hệ lụy, tác động, thiệt hại nặng nề khác xảy ra.

Điều 13,Nghị định 23 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông

Đồng thời, mong các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ với nhau để quản lý, cấp phép và quy hoạch các điểm khai thác cát vào nề nếp, quy củ, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động khai thác khoáng sản cũng như bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đảm bảo cuộc sống của người dân địa phương.

                                                                                                Minh Khang