Chính sách an sinh xã hội trong điều kiện phát triền kinh thế thị trưởng ở Việt Nam
Từ khi con người sinh sống thành cộng đồng thì các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng được hình thành và phát triển ngày càng đa dạng và phức tạp. Trong quá trình phát triển các mối quan hệ xã hội này làm nảy sinh các vấn đề xã hội cần được quan tâm giải quyết. Có những vấn đề phát sinh và phát triển theo từng chế độ chính trị xã hội, nhưng cũng có các vấn đề tồn tại ở các chế độ chính trị xã hội khác nhau. Có những vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, nhưng cũng có những vấn đề xã hội có tính riêng biệt của mỗi quốc gia. Mỗi chế độ xã hội đều phải giải quyết các vấn đề xã hội của chế độ trước xã hội trước để lại, đồng thời phải đối phó với những vấn đề mới phát sinh.
Để giải quyết những vấn đề xã hội, một trong những nhiệm vụ quan trọng của một quốc gia là phải xây dựng và thực thi các chính sách xã hội.
Chính sách xã hội là vấn đề rất rộng lớn, do vậy có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Theo nhà xã hội học Xô Viết V. Z. Rogovin: “Chính sách xã hội là một lĩnh vực tri thức xã hội học, nghiên cứu hệ thống về các quá trình xã hội quyết định hoạt động sống của con người trong xã hội, xét theo khả năng tác động quản lý đến các quá trình đó. Có đầy đủ cơ sở để coi chính sách xã hội như là sự hòa quyện của khoa học và thực tiễn, như là sự phân tích phức hợp, dự báo về các quan hệ, các quá trình xã hội và sự vận dụng thực tiễn những tri thức thu thập được nhằm mục đích quản lý các quá trình và các quan hệ ấy”(1).
Theo giáo sư Bùi Đình Thanh, để hiểu được chính sách xã hội phải trả lời được 4 câu hỏi: Ai đặt ra chính sách xã hội? Đặt ra chính sách xã hội để cho ai? Nội dung, mục đích là gì? Từ đó ông đưa ra khái niệm về chính sách xã hội như sau: “Chính sách xã hội là cụ thể hóa và thể chế hóa bằng pháp luật những đường lối, chủ trương, những biện pháp giải quyết những vấn đề xã hội dựa trên những tư tưởng, quan điểm của những chủ thể lãnh đạo, phù hợp với bản chất của chế độ xã hội chính trị, phản ánh lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng xã hội nói chung và từng nhóm xã hội nói riêng, nhằm mục đích cao nhất là thỏa mãn những nhu cầu ngày càng tăng về đời sống, vật chất, văn hóa tinh thần của người dân”(2).
Chính sách xã hội luôn gắn với một chế độ chính trị - xã hội nhất định. Do đó, có thể hiểu chính sách xã hội như sau: Chính sách xã hội là sự thể chế hóa và cụ thể hóa những đường lối, chủ trương giải quyết các vấn đề xã hội, dựa trên những tư tưởng, quan điểm của những chủ thể lãnh đạo, phù hợp với bản chất của chế độ xã hội chính trị, phản ánh lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng xã hội nói chung và từng nhóm xã hội nói riêng, nhằm tác động trực tiếp vào con người và điểu chỉnh các mối quan hệ lợi ích giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, hướng tới mục tiêu cao nhất là thỏa mãn những nhu cầu ngày càng cao về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) Đảng ta coi chính sách xã hội là chính sách bao trùm lên mọi mặt cuộc sống của con người, điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hóa, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc.
Với cách tiếp cận như vậy có thể thấy chính sách xã hội thực chất là một hệ thống các chính sách. Mỗi chính sách xã hội có đối tượng, phạm vi, nội dung điều chỉnh nhất định và huwóng tới một mục tiêu nhất định. Chính sách xã hội phổ biến là loại chính sách có tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của các tầng lớp dân cư, đến toàn thể cộng đồng.
2. Chính sách an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam
Chính sách ASXH là loại chính sách xã hội phổ biến nhất. Về mặt cấu trúc, chính sách ASXH bao gồm các bộ phận hợp thành là BHXH cho người lao động; trợ giúp và ưu đãi xã hội đối với các thành viên trong xã hội khi họ gặp phải rủi ro; chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội; chính sách giám nghèo và hỗ trợ việc làm. Trong các bộ phận này của chính sách ASXH, BHXH là một bộ phận quan trọng và cơ bản nhất của hệ thống chính sách này. Chính sách BHXH được coi là trụ cột lớn nhất của hệ thống ASXH, bởi lẽ BHXH có đối tượng rất lớn là tất cả người lao động. Tính cơ bản, tính ổn định của BHXH trong hệ thống ASXH thể hiện thông qua vấn đề tài chính để thực thi chính sách của hệ thống này. Nguồn tài chính của BHXH được hình thành và sử dụng thông qua quỹ BHXH. Quỹ BHXH càng phát triển góp phần rất quan trọng vào việc ổn định đời sống của người lao động, tạo ra sự vững mạnh của chính sách ASXH quốc gia. Cùng với các bộ phận khác, BHXH tạo ra “lưới an toàn xã hội” đối với mọi tầng lớp dân cư.
Như chúng ta đã biết, chính sách ASXH không chỉ được thực hiện trong nền kinh tế thị trường mà còn được thực hiện trong nhiều nền kinh tế khác. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường với những đặc trưng vốn có của nó, một mặt tạo cơ hội cho con người phát huy năng lực của mình; mặt khác làm cho con người có nguy cơ gặp phải nhiều rủi ro. Nói cách khác, kinh tế thị trường làm cho con người luôn có những bất an về mặt xã hội. Từ giác độ khác, kinh tế thị trường tuân theo những quy luật cơ bản, trong đó có quy luật giá trị và quy luật cung - cầu. Chỉ khi nền kinh tế thị trường phát triển, các quan hệ trong sản xuất kinh doanh, quan hệ lao động mới được thể hiện rõ. Trong nền kinh tế thị trường, người lao động làm việc trên cơ sở hợp đồng lao động, họ được trả công lao động trên nguyên tắc giá cả của thị trường và mối quan hệ lao động là mối quan hệ thỏa thuận. Việc cam kết bảo đảm cho người lao động về tiền lương khi làm việc và bảo đảm chi trả cho những rủi ro được thực hiện trên cơ sở hợp đồng lao động.
BHXH trong nền kinh tế thị trường tồn tại, hoạt động và phát triển dựa trên mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ giữa người sử dụng lao động và người lao động thông qua bên thứ ba - tổ chức sự nghiệp BHXH. Về mặt tài chính, mối quan hệ này thể hiện ở sự đóng góp có tính chất bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động để hình thành và phát triển quỹ BHXH. Quỹ BHXH được dùng để chi trả cho các đối tượng thụ hưởng BHXH và cho các chi phí quản lý của bộ máy BHXH. Mối quan hệ này là mối quan hệ đặc trưng của BHXH và chỉ tồn tại được trong cơ chế thị trường.
Song song với BHXH, trong hệ thống ASXH còn có các bộ phận khác do các quỹ công cộng hoặc cộng đồng đảm nhận như trợ giúp xã hội, trợ cấp gia đình hoặc các dịch vụ khác được cung cấp bởi ngân sách Nhà nước và của cộng đồng. Mặc dù những quỹ này có tính xã hội, nhưng chúng chỉ có thể phát huy được trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Chỉ kinh tế thị trường mới có thể đa dạng được các nguồn lực, phát huy được các tiềm năng của con người để thực hiện các công việc có tính xã hội này.
Kinh tế thị trường đang trong quá trình hình thành ở Việt Nam, nhưng những nội dung của chính sách ASXH đã được thực hiện từ khá lâu. Do đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội, những biểu hiện của chính sách ASXH đã xuất hiện ở nước ta từ nghìn năm nay. Những câu thành ngữ như “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”…, đã thể hiện tính cộng đồng dân tộc và nó đã góp phần điều chỉnh các hành vi trong xã hội về các hoạt động mang nội dung ASXH và dần được các nhà nước phong kiến Việt Nam chấp nhận, hình thành các chính sách về ASXH.
Trong xã hội Việt Nam cận đại và đương đại, những nội dung của ASXH cũng đã được thực hiện, đó là BHXH đối với công nhân, viên chức nhà nước (trước năm 1995); cứu trợ xã hội đối với những người nghèo, người không may bị rủi ro trong cuộc sống; ưu đãi xã hội đối với những người có công với đất nước… Đặc trưng cơ bản của chính sách ASXH ở Việt Nam trong thời kỳ trước đổi mới đều do Nhà nước thực hiện. Cơ chế thực hiện chính sách ASXH này chưa thu hút được sự tham gia của người dân và của cả xã hội, không cho phép người dân phát huy các nguồn lực của mình cho các hoạt động ASXH. Trong cơ chế quản lý này, các nguồn lực xã hội được phân phối theo kiểu bình quân chủ nghĩa; người thụ hưởng ỉ lại, trông chờ vào Nhà nước, không tự vươn lên thoát khỏi hoàn cảnh. Chỉ khi đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, các hoạt động ASXH mới có sự thay đổi cơ bản. Cũng như các nước có nền kinh tế thị trường khác, kinh tế thị trường đã làm cho đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam năng động và đa dạng hơn. Kinh tế thị trường tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế. Người lao động có cơ hội và có điều kiện phát huy khả năng của mình trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, trong nền kinh tế thị trường, nhất là trong giai đoạn đầu phát triển, người lao động dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của nó: phá sản, thất nghiệp, phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội… luôn là những nguy cơ tiềm ẩn. Những thách thức này đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng hệ thống các chính sách ASXH, nhất là các chính sách về BHXH, cứu trợ, ưu đãi xã hội.
Nổi bật nhất trong các bộ phận ASXH của Việt Nam hiện đại đó là BHXH. BHXH là trụ cột cơ bản nhất, có ý nghĩa quyết định nhất đối với hệ thống ASXH ở nước ta hiện nay. Nếu như trước đây, đối tượng BHXH chỉ bó hẹp trong phạm vi công nhân, viên chức Nhà nước và lực lượng vũ trang thì chỉ đến khi phát triển kinh tế thị trường chúng ta mới có điều kiện mở rộng BHXH cho người lao động trong các thành phần kinh tế này. Nếu như trước đây, tài chính BHXH chủ yếu là do ngân sách Nhà nước đảm nhận thì đến nay đã được chia sẻ bởi người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động và người sử dụng lao động qua việc đóng BHXH để hình thành quỹ BHXH đã thể hiện được nghĩa vụ cũng như quyền lợi của mình. Người lao động trong các thành phần kinh tế có quyền được thụ hưởng BHXH khi có nhu cầu trên cơ sở đóng góp của mình cho quỹ BHXH. Quỹ BHXH không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, được Nhà nước bảo hộ nên đã chủ động về nguồn chi BHXH và đáp ứng ngày càng tốt hơn cho người thụ hưởng, hạn chế được tính bình quân trong các trợ cấp BHXH. Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước về BHXH không những bị giảm đi như nhiều người hiểu, mà trái lại càng tăng lên. Chỉ có điều, nếu như trước đây Nhà nước vừa ra chính sách vừa thực hiện chính sách BHXH, thì nay chỉ thực hiện các chức năng quản lý: xây dựng chính sách, thanh tra việc thực hiện chính sách BHXH. Việc tách các chức năng quản lý Nhà nước và chức năng hoạt động sự nghiệp BHXH trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã làm cho các hoạt động BHXH hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn cho người lao động.
Bộ phận quan trọng khác trong hệ thống ASXH ở Việt Nam đó là các hoạt động cứu trợ xã hội. Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên lũ lụt, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi và năm nào cũng làm cho nhiều người dân lâm vào tình cảnh túng thiếu. Mặt khác, nghèo đói, hậu quả của chiến tranh và những tác động của các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy và các tệ nạn xã hội khác đã hình thành một nhóm dân cư cần được trợ giúp xã hội. Nếu như việc trợ giúp này trước đây chủ yếu do Nhà nước thực hiện với những “định mức” cả về tiền và hiện vật mang tính bình quân thì trong kinh tế thị trường các hoạt động này đã được xã hội hóa, thu hút được nhiều lực lượng tham gia hơn trước. Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý và các điều kiện để phát huy các nguồn lực này nhằm hỗ trợ cho những người bị thiệt thòi có cơ hội vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Những nội dung cơ bản thể hiện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và ASXH ở Việt Nam là:
- Kinh tế thị trường làm cho các hoạt động kinh tế - xã hội năng động hơn, người dân được phát huy khả năng của mình; đồng thời kinh tế thị trường tạo ra những “rủi ro xã hội” và luôn tiềm ẩn những “rủi ro xã hội” mới làm tăng nhu cầu về ASXH.
- Kinh tế thị trường làm cho đời sống các tầng lớp dân cư thay đổi, mức sống của các tầng lớp nhân dân được nâng lên nhưng sự phân hóa giàu nghèo cũng tăng lên.
- Nhà nước giữ vai trò hoạch định chính sách, tạo ra cơ chế phát huy tối đa tiềm năng và năng lực của mỗi cá nhân và toàn xã hội trong các hoạt động ASXH. Đồng thời, Nhà nước có điều kiện thực hiện chức năng định hướng và kiểm tra, kiểm soát các hoạt động ASXH.
- Kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra tiền đề, cơ sở vững chắc cho việc thực hiện chính sách ASXH.
- Từng người dân, từng cộng đồng có điều kiện và cơ hội phát huy khả năng của mình trong cuộc sống, có điều kiện hơn để tham gia vào hệ thống ASXH, đồng thời có điều kiện về vật chất để tham gia vào các hoạt động ASXH, đóng góp cho các hoạt động trợ giúp xã hội.
- Người thụ hưởng chính sách ASXH được đảm bảo hơn, họ có ý thức hơn đối với bản thân và đối với các đối tượng trợ giúp xã hội, tích cực vươn lên để hòa nhập với cộng đồng.
Khác với nhiều nước có nền kinh tế thị trường, ASXH ở Việt Nam được thực hiện trong điều kiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Hơn nữa, ASXH ở Việt Nam còn được thực hiện trong một môi trường văn hóa truyền thống. Chính sách ASXH kết hợp hài hòa những tinh hoa của nhân loại và truyền thống văn hóa của dân tộc. Điều này đã đem lại cho ASXH ở nước ta một bản sắc riêng mà không phải nước nào cũng có được. Tuy nhiên, sự kết hợp này không phải ở đâu và lúc nào cũng thật sự hiệu quả. Vẫn còn những hoạt động của cộng đồng về ASXH có xu hướng hành chính hóa, nhà nước hóa, nhất là trong các lĩnh vực cứu trợ, trợ giúp xã hội hoặc các hoạt động nhân đạo từ thiện. Ngược lại, có những hoạt động thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước thì lại đang bị xã hội hóa một cách thái quá nên dễ bị lạm dụng.\
PGS.TS. Bùi Huy Khiên - Học viện Hành chính Quốc gia
-----------------------------
(1). V. Z. Rogovin, Chính sách xã hội trong XHCN phát triển, Matxcơva, 1980.
(2). Bùi Đình Thanh, Chính sách xã hội: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Hà Nội, 1993.
Tin nóng
- Nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)
23/04/2025 10:30:30 CH
- NÂNG CAO BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ, GIỮ VỮNG LẬP TRƯỜNG TƯ TƯỞNG CHO SINH VIÊN HỌC VIỆN AN NINH NHÂN DÂN KHI SỬ DỤNG INTERNET
08/04/2025 10:57:04 SA
- Hội thảo Khoa học: Hành cung Vũ Lâm thời Trần - Vai trò lịch sử, định hướng bảo tồn và đánh thức tiềm năng
06/03/2025 12:16:46 CH
- Góp ý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của báo chí
18/02/2025 5:10:02 CH
- Luật Báo chí (sửa đổi) - Cần nhìn nhận đúng vai trò của báo chí khoa học
18/02/2025 5:06:17 CH