Bến Lức (Long An): Chuyển đổi đô thị thông minh, xanh, sạch gắn với phát triển bền vững

31/08/2023 4:11:19 CH
Share Bai :

Huyện Bến Lức là 1 trong 5 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An, là cầu nối giữa TP. HCM và các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trong những năm gần dây, huyện đã có nhiều thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội đồng thời hướng đến nâng cao chất lượng đô thị để phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Phát huy truyền thống anh hùng, sau gần 3 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và NQĐH Đảng bộ huyện, trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bến Lức đã phấn đấu, nỗ lực thực hiện khá tốt các nhiệm vụ đề ra, từng bước phát triển ổn định, đời sống nhân dân được nâng lên. Những kết quả đạt được của huyện là khá toàn diện, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát triển thành vùng kinh tế động lực của tỉnh

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Bến Lức trở thành đô thị, vệ tinh của cửa ngõ TP.HCM và vùng ĐBSCL, phấn đấu đến năm 2030 đạt đô thị loại III trực thuộc tỉnh, giai đoạn dài hạn đến năm 2045 phấn đấu xây dựng đô thị Bến Lức theo chỉ tiêu đô thị loại II.

Để đạt được mục tiêu trên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út cho biết, huyện ủy Bến Lức đã tập trung lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trên 3 trụ cột: “Công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị là trọng tâm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền tảng; xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao”, đạt nhiều kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, phù hợp quá trình đô thị hóa và tiềm năng, lợi thế của huyện.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bến Lức nhiệm kỳ 2020 -2025, kết quả ước đến cuối năm 2023 có: 4 chỉ tiêu đạt, còn 10 chỉ tiêu chưa đạt. Dự kiến, đến năm 2025 có 8/14 chỉ tiêu đạt (1.Thu ngân sách; 2. Tỷ lệ chi đầu tư phát triển bình quân; 3. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; 4. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; 5. Số bác sĩ/vạn dân; 6. Giảm tỷ suất sinh thô; 7. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải; 8. Kết nạp đảng viên mới); có 5/14 chỉ tiêu vượt (1. Trường công lập đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới; 2.Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi; 3.Tỷ lệ lao động qua đào tạo; 4. Giảm hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới so với đầu nhiệm kỳ; 5. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch); có 1/14 chỉ tiêu Không đạt (Tốc độ tăng giá trị sản xuất).

Ông Lê Thành Út - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức cho biết, nhờ sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nên huyện đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trên lĩnh vực kinh tế, tiếp tục duy trì giá trị sản xuất ở mức tăng trưởng khá. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy, kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 3 năm là 9,2% (NQĐH là 13,7%/năm). Về cơ cấu, công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, nông nghiệp tương ứng là 90,14% - 8,78% - 1,09%.

Lĩnh vực nông nghiệp được tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đến nay, huyện Bến Lức có 11/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân các xã đạt 18,29 tiêu chí, tăng 1,52 tiêu chí so với năm 2020.

Về công nghiệp - xây dựng, giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 127.007 tỉ đồng, chiếm khoảng 38,12% so với toàn tỉnh, bằng 1,31 lần so với năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm là 9,37% (NQĐH là 13,8%). Các ngành như công nghiệp chế biến, giày da, thức ăn gia súc, may mặc, chế biến gỗ, sản xuất thiết bị điện,... đóng vai trò chủ lực.

Nhờ đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cấp, mở rộng khu, cụm công nghiệp (K,CCN), song song với thực hiện nhiều chính sách thông thoáng trong cải thiện môi trường đầu tư, huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy các K,CCN đạt 89%, tăng 12,34% so với cuối năm 2020. Huyện đang xúc tiến đầu tư mới 2 KCN theo chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 650ha.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện tiếp nhận 431 DN và chi nhánh trong nước với vốn đầu tư 5.531 tỉ đồng, 11 DN và chi nhánh đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 11 triệu USD. Toàn huyện hiện có 2.621 DN và chi nhánh trong nước đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 31.606,1 tỉ đồng, 126 DN và chi nhánh đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 1,337 tỉ USD.

Thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, chú trọng các ngành, lĩnh vực cho giá trị gia tăng cao như siêu thị, ngân hàng, cửa hàng tiện ích, kho bãi,... phục vụ nhu cầu sản suất, kinh doanh của người dân. Các loại hình dịch vụ hỗ trợ gắn với phát triển dân cư đô thị được quan tâm phát triển. Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt kết quả tích cực.

Công tác điều hành thu ngân sách ngày càng chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Tổng thu ngân sách 3 năm qua là 13.813 tỉ đồng (bằng 101,31% tổng thu cả nhiệm kỳ trước, bình quân tăng 5,9%/năm), trong đó, thu ngân sách huyện 3 năm là 2.588 tỉ đồng (bằng 79,7% tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020), tốc độ tăng thu bình quân đạt 9,42%/năm.

Bến Lức tăng tốc thành đô thị hiện đại của tỉnh Long An

Với định hướng sẽ phát triển thành khu đô thị vệ tinh, huyện Bến Lức đang đứng trước cơ hội lớn khi được đánh giá là nơi lý tưởng để phát triển đô thị công nghiệp. khu công nghiệp công nghệ cao, hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh hiện đại, cơ cấu kinh tế chuyển mạnh sang hướng công nghiệp - dịch vụ. Vì vậy, dự báo đến năm 2025, dân số Bến Lức sẽ vào khoảng 160.000 người (chưa tính lao động nhập cư) và đến năm 2040 đạt khoảng 350.000 người.

Hiện nay, hệ thống giao thông ở đây ngày càng phát triển. Ngoài tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, QL1A, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành nối ra sân bay Long Thành thúc đẩy thêm sự phát triển của Bến Lức.

Không chỉ có vị trí chiến lược sát TP.HCM và cửa ngõ giao thông của các tỉnh miền Tây, Bến Lức - Long An còn sẵn lợi thế bền vững về phát triển hạ tầng, kinh tế công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Thị trấn Bến Lức đang là trung tâm với các KCN lớn như: KCN Nhựt Chánh, KCN Thuận Đạo, KCN Phúc Long, KCN Vĩnh Lộc 2…

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58km, nối tỉnh Long An, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, trong đó bao gồm kết nối một phần tuyến vành đai 3 và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Khi hoàn thành sẽ gia nhập vào tuyến cao tốc Bắc – Nam, giúp kết nối hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, tạo đà phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo ông Phạm Văn Mười – Giám đốc Công ty TNHH MTV XD TM DV XNK Mười Ngọc Thành chia sẻ “Nhờ vào việc lãnh đạo địa phương đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng khu công nghiệp và thực hiện nhiều chính sách thông thoáng trong cải thiện môi trường đầu tư nên doanh nghiệp tỉnh nhà có cơ hội đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất, có nhiều tiềm năng phát triển một số lĩnh vực mới và hơn hết là tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản bảo đảm theo Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư trung hạn. Khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân các công trình theo danh mục hàng năm đều đạt kế hoạch, đến nay, không còn nợ đọng. Các công trình trọng điểm của NQĐH XII Đảng bộ huyện đạt và vượt tiến độ đề ra.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng được tập trung quyết liệt bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Long An”. Tiến độ triển khai bồi thường, GPMB các dự án đạt kết quả tích cực.

Các công trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện như đường Vành đai 3 TP.HCM, Đường tỉnh 830E, Dự án GPMB tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư Đường tỉnh 830E và phát triển đô thị tại xã Thanh Phú được phối hợp thực hiện GPMB đạt khả quan. Trong đó, đường Vành đai 3 TP.HCM và Đường tỉnh 830E được tỉnh tổ chức khởi công đúng kế hoạch.

Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, theo ông Lê Thành Út cho biết, công tác vận động phải phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, vận động theo nguyên tắc “Dễ làm trước, khó làm sau”; theo phương châm: ‘‘Đến từng ngõ - Gõ từng nhà - Rà từng đối tượng”; “Đối tượng nào, phương pháp ấy”, “Mưa dầm thấm sâu”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” cần được đẩy mạnh. Đối với đường Vành đai 3 TP.HCM và ĐT.830E, huyện đều xây dựng mô hình dân vận khéo về “Tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận chủ trương bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư”. Mô hình có thành lập Tổ điều hành, có quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Với vị trí thuận lợi, tiềm năng đất đai và lao động dồi dào, giao thông thuận tiện cả đường bộ, đường thủy, là những yếu tố để huyện Bến Lức phát triển nhanh theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Với lợi thế này, Bến Lức luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

“Phía trước những kết quả huyện đã đạt được là cơ hội, thách thức cũng còn nhiều; tuy nhiên, những thành tích và bài học kinh nghiệm có được từ chặng đường 40 năm qua sẽ là nền tảng, là động lực quan trọng giúp Bến Lức tự tin vươn tới chinh phục những đỉnh cao vinh quang, những thành công mới và giá trị mới. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện Bến Lức, nhất định sẽ vượt qua khó khăn, tạo bước đột phá, xây dựng địa phương ngày càng phát triển với những nét độc đáo, hấp dẫn riêng. Có được tự tin và khát vọng, nhất định sẽ đưa huyện Bến Lức phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, từng bước hiện đại hóa. Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “mỗi người dân Bến Lức đều được hưởng thành quả tăng trưởng” ông Lê Thành Út nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, Huyện ủy đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trên lĩnh vực kinh tế, huyện tập trung hoàn chỉnh phê duyệt các quy hoạch tỉnh giao huyện làm chủ đầu tư làm cơ sở đấu thầu các dự án; hoàn chỉnh chương trình Phát triển và Quản lý đô thị sau khi phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Bến Lức tỷ lệ 1/10.000. Đồng thời, huyện triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn huyện và các quy hoạch khác; huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, hoàn thiện và nâng cao chất lượng đô thị loại III.

Hoàng Ngọc - Hữu Huyền - Kim Dung

  • Tags: