Túi nilon – Hiểm họa khôn lường của con người

22/07/2020 11:31:25 CH
Share Bai :

MT&XH - Một điều không thể phủ nhận rằng túi nilon là một phát minh lớn và tiện ích nhất trong cuộc sống sinh hoạt của người dân trên thế giới. Và chính thói quen sử dụng túi nilon phổ biếnđang âm thầm gây ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Cho đến ngày hôm nay, nilon đã làm thay đổi cả thế giới nhờ ưu điểm bền chắc, tiện dụng, chịu được các hiện tượng thời tiết, hay kháng lại các ảnh hưởng của tự nhiên như nấm mốc, côn trùng và giá thành thấp. Loại vật liệu này nhanh chóng “phủ sóng” trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, dịch vụ và đời sống xã hội.  Túi nilon được làm từ vật liệu rất khó phân hủy, là loại bao bì bằng nhựa mỏng, nhẹ và rất dẻo dai có tính chống thấm nước, chống ẩm và khả năng chịu lực cao.

Nhưng tác hại của nó thì không thể lường trước được đặc biệt như: Tác hại lớn đến môi trường nó làm tăng hiệu ứng nhà kính, gây cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật, dẫn đến tình trạng xói mòn và sạt lở đất, làm tắc nghẽn đường ống, gây ngập úng ở các đô thị vào mùa mưa, gây bùng phát các bệnh dịch nguy hiểm… Khi những bao bì nilon này bị lẫn vào đất, nó làm cho cây cỏ không thể phát triển, dẫn đến việc xói mòn đất ở các vùng núi, tác hại đối với các loài sinh, động vật biển túi nilon tồn tại trong môi trường khiến rất nhiều động vật tưởng nhầm là thức ăn khi bị động vật ăn phải sẽ tích tụ trong dạ dày mà không thể tiêu hóa được, gây ra cái chết cho rất nhiều sinh vật biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển. Và nilon cực kì nguy hại đến sức khỏe của con người túi nilon khi đốt sẽ tạo ra hai khí cực độc là dioxin và furan gây dị tật bẩm sinh ở trẻ, ngộ độc, suy giảm miễn dịch, ung thư… cho con người. Nếu dùng bao bì nilon đựng thực phẩm khi còn nóng còn xuất hiện tình trạng các kim loại nặng trong túi như chì và cadimi sẽ bị ngấm vào thức ăn gây suy gan, ung thư não và ung thư phổi….

Ngày nay túi nilon được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi, nhưng với nhu cầu và cách sử dụng tràn lan của con người đã và đang ảnh hưởng xấu đến môi trường. Mỗi ngày, người dân xả thải ra hàng trăm triệu hằng trăm túi, bao bì nilon và chỉ một phần ít trong số này được thu gom, tái chế còn phần lớn thì vứt đi, gây lãng phí về mặt kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Theo thống kê tổ chức FAO, Việt Nam là một trong 5 nước hàng đầu về xả nhiều rác thải nhựa ra biển, với tổng số 13 triệu tấn/năm. Với rác thải sinh hoạt, mỗi ngày Việt Nam thải ra 120.000 tấn. Tốc độ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 12%.

Theo các chuyên gia ước tính, cứ 1km vuông đại dương lại có khoảng 17.692 mẩu rác (túi nilon).

Hơn 40 năm qua lượng túi nilon thải ra tính riêng dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương đã gia tăng tới 100 lần. Nếu con người xóa sổ loại chất thải này, đại dương sẽ được trả lại sự trong sạch và tươi đẹp.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, mỗi năm thế giới sản xuất ra hơn 400 triệu tấn nhựa và tiêu thụ khoảng 1.000 – 5.000 tỷ túi nilon. Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, mỗi năm chúng ta sử dụng hơn 30 tỷ túi nilon, trung bình một hộ gia đình sẽ sử dụng từ 5 – 7 bao bì ni lông/ngày. Đa phần các túi ni lông đều được sử dụng duy nhất một lần rồi thải ra ngoài môi trường tạo thành rác thải. Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày có đến 80 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường, trong đó lượng rác thải túi ni lông chiếm 7 – 8% (tức là khoảng 5,6 – 6.4 tấn). Theo các chuyên gia sinh vật học, túi nilon là thủ phạm gây ra cái chết của rùa vì chúng không phân biệt được đâu là túi rác, đâu là con mồi thật sự.

Nhận thức được tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề này như ban hành lệnh cấm sản xuất túi nilon khó phân huỷ, đánh thuế nặng đối với sản xuất túi nilon… Kenya: Năm 2017, Kenya đã chính thức quy việc sản xuất túi bóng là bất hợp pháp. Bất cứ cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị phạt 4 năm tù và 38.000 USD. Ấn Độ cấm sản xuất, buôn bán và sử dụng túi nilon từ tháng 8/2003.San Francisco: Là thành phố đầu tiên ở Mỹ ban hành lệnh cấm sử dụng túi nilon ở trong các cửa hàng, thay vào đó là sử dụng túi sinh học được làm từ tinh bột ngô…

Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Bởi vậy Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Chúng ta đã áp dụng chính sách kinh tế để giảm thiểu việc sử dụng túi nilon khó phân hủy. Đó là, đưa ra Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với các cơ sở túi nilon khó phân hủy. Tại Hà Nội, để xây dựng và hoàn thiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiến nghị Nhà nước và thành phố có chính sách ưu đãi cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy.

Để đẩy lùi việc sử dụng túi nilon tràn lan như hiện nay, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức mọi người trong việc hạn chế sử dụng túi nilon bằng cách tái sử dụng nhiều lần túi nilon, khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh… 

Trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon không phân hủy có trách nhiệm của tất cả mọi người trong cộng đồng. Nhà nước thì đã có các chính sách về thuế, các chính sách để làm sao mà khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng túi nilon phân hủy. Nhiều doanh nghiệp cũng đã có nhiều cố gắng trong vấn đề này. Tuy nhiên, chỉ riêng những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân riêng lẻ chưa đủ sức mạnh để giảm thiểu tác hại do túi nilon khó phân hủy gây ra. Điều quan trọng nhất là thái độ và hành động của cả cộng đồng đối với việc này.

Còn đối với những người sử dụng, mỗi khi mua sắm nên mang theo giỏ, làn đựng thức ăn và những vật dụng khác thay thế túi nilon và hãy sẵn sàng chịu một phí nhỏ để thêm vào việc mua túi nilon có thể phân hủy.

Sự tàn phá của túi nilon ngày càng lớn, nó ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi chúng ta, chính vì vậy, mỗi người hãy có ý thức cùng chung tau, giữ gìn và hạn chế tối thiểu nhất việc sử dựng tú nilon không phân hủy, đảm bảo cho một môi trường sống tốt đẹp hơn.

Thu Phương

  • Tags: