Tp. Hồ chí Minh: Linh hoạt phát triển kinh tế cùng đẩy lùi dịch bệnh

13/07/2021 11:43:47 CH
Share Bai :

Kinh tế - Xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu có dấu hiệu hồi phục do việc tiêm chủng vắc xin hiệu quả và các quốc gia đối phó tốt hơn với dịch Covid – 19.Vấn đề tiếp cận kịp thời và phổ cập tiêm chủng vắc xin được xem là một công vụ quan trọng để kiểm soát đại dịch nhằm đưa nền kinh tế phục hồi toàn diện.

Phát triển tích cực trong cuộc chiến Covid

Trong 6 tháng đầu năm 2021, nước ta nhờ những thuận lợi từ kết quả của việc phòng, chống dịch Covid-19 nên đã đạt được mức tăng trưởng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, hoạt động xuất nhập khẩu giữ vững nhịp điệu tăng trưởng, không bị đứt gãy, giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt.

Những điều trên đã tạo động lực thúc đẩy Chính quyền và nhân dân nổ lực vừa khôi phục mức tăng trưởng kinh tế ở các ngành, các lĩnh vực; giải quyết tình trạng thiếu việc làm; bảo đảm an sinh xã hội, vừa ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19 xâm nhập từ bên ngoài ngay từ những tháng đầu năm 2021.

Vì vậy, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bànTP.HCM có nhiều dấu hiệu tích cực dù phải chịu tác động mạnh của dịch Covid-19.

Thông tin trên vừa được Cục Thống kê TP.HCM công bố, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng  5,46% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức ước tính tăng trưởng 1,02% của 6 tháng năm 2020. Trong mức tăng trưởng chung 5,46% của kinh tế Thành phố, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 0,48%; khu vực công nghiệp và xây  dựng tăng 3,58%, đóng góp 0,84 điểm phần trăm; khu vực thương mại dịch vụ tăng 5,86%, đóng góp 3,66 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm  tăng 7,08%, đóng góp 0,97 điểm phần trăm.

Ngành công nghiệp đã đóng góp nhiều trong sự phát triển kinh tế của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2021

Về công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đóng góp 0,80 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, có mức tăng  4,16% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 2,04% của 6 tháng năm 2020, chứng tỏ ngành công nghiệp có dấu hiệu hồi phục. Ngành xây dựng, đóng góp 0,04 điểm phần trăm, có mức tăng trưởng 0,98% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 1,17% của 6 tháng năm 2020. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 các dự án thi công bị gián đoạn, nguồn cung sản phẩm nhà ở hạn chế, giá vật liệu xây dựng tăng.

Lĩnh vực thương mại dịch vụ trong 6 tháng đầu năm có mức tăng 5,86% (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,67%). Ba ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn trong khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng khá gồm: thương nghiệp tăng 6,01% so với cùng kỳ; vận tải kho bãi tăng 5,73%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,22%.

Giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu chiếm 58,1% trong GRDP và 91,3% trong khu vực dịch vụ. Trong đó, 4 ngành dịch vụ có tỷ trọng cao so với GRDP là thương nghiệp (chiếm 16,8%), vận tải kho bãi (chiếm 9,6%), tài chính ngân hàng (chiếm 8,2%), hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (chiếm 5,5%) - đây là bốn ngành trọng yếu chiếm 63,1% trong nội bộ khu vực dịch vụ.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 0,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,2%; khu vực thương mại dịch vụ chiếm 63,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,6%. Cơ cấu tương ứng của 6 tháng 2020 là: 0,7%; 23,2%; 62,6% và 13,5%.

Ngoài ra, theo Cục Thông kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn Thành phố có hơn 18.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 311.000 tỷ đồng, về số lượng chỉ tăng 3,8% nhưng về vốn đăng ký tăng đến hơn 39%. Tuy nhiên, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhìn chung giảm. 6 tháng thu hút được 262 dự án mới với tổng vốn đăng ký, đạt hơn 264 triệu đô la Mỹ. Tổng cộng vốn đăng ký cấp phép mới, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần chỉ đạt hơn 1,4 tỷ đô la Mỹ, giảm gần 30% so với cùng kỳ.

Linh hoạt phát triển kinh tế trong mùa dịch

Tại cuộc họp trực tuyến với TP. HCM và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao các tỉnh trong tâm dịch lần này, nhất là TP. HCM, các lực lượng tuyến đầu, sự vào cuộc tích cực của Bộ Y tế với nhiều nỗ lực, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm trong phòng chống dịch.

Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19, nhất là tại TP. HCM vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đang tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, cần sớm có giải pháp, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn để kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình.

Trong cuộc chiến Covid-19, TP.HCM cần phải linh hoạt trong việc phòng chống dịch và phát triển kinh tế

Trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã trực tiếp làm việc và có nhiều văn bản kết luận, chỉ đạo. Theo đó, tư tưởng chỉ đạo hành động cần được tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm là: càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất và chia sẻ trách nhiệm.

Công tác phòng chống dịch COVID-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy, vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện; trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến của nhau để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thủ tướng Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phối hợp cùng với Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch ở TP. HCM. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, phối hợp, hướng dẫn công tác chuyên môn hằng ngày với lãnh đạo các địa phương trong vùng.

Bám sát và căn cứ tình hình cụ thể, chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn của Trung ương, TP. HCM và 7 địa phương chủ động, linh hoạt điều chỉnh cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả trong phòng chống dịch; bảo đảm huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống dịch, nhất là tại cơ sở. Cần kịp thời rút kinh nghiệm, nhất là bài học kinh nghiệm thực tiễn để làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, với các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống dịch, để trên cơ sở đó giữ vững và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Theo các kịch bản dự án tăng trưởng kinh tế của TP.HCM sau đại dịch Covid-19 của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đưa ra cho rằng: Việt Nam sẽ có vacxin phòng Covid-19 trong năm 2021 và triển khai năm 2021 đến quý 1/2022. Đồng thời, các quốc gia trên thế giới cần kiểm soát được dịch, nền kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định, thúc đẩy hoạt động đầu tư, thương mại của nền kinh tế cả nước. Với bối cảnh như trên, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2021 của TP.HCM sẽ đạt 5,74% So với cùng kỳ; tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2021 của TP.HCM sẽ đạt 6,37% so với cùng kỳ.

Trung Phong

  • Tags: