Tp. Hồ Chí Minh: Điểm xanh Thành phố "Nét đẹp cổ kính trên 100 năm Đình Khánh Hội"

13/01/2023 3:09:52 CH
Share Bai :

Mặc dù trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, di tích đình Khánh Hội (Quận 4) vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo.

Đình Khánh Hội tọa lạc ở số 71-73 đường Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, đã được Hội đồng Xét duyệt Công nhận Di tích Lịch sử – văn hóa và Danh lam thắng cảnh Thành phố Hồ Chí Minh xét đề nghị ủy ban nhân dân Thành phố xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố.

Cho đến nay chưa có nguồn tư liệu thành văn nào nói rõ đình Khánh Hội được thành lập khi nào. Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh ghi năm 1836 thôn Khánh Hội thuộc tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Tại đình hiện còn tờ sắc vua Tự Đức ban cho thần Thành hoàng bản cảnh thôn Khánh Hội ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1/1853). Từ những căn cứ này, có thể xác định đình Khánh Hội được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1836 đến 1852.

Kiến trúc tổng thể của đình gồm tòa nhà chính điện và miếu Ngũ hành nằm ở bên trái chính điện, mái của hai tòa nhà lợp ngói âm dương. Chính điện có hai tầng mái, gờ mái xuôi thẳng có gắn tượng gốm men hình rồng, sân đình tương đối rộng chạy dài từ phía trước miếu Ngũ hành đến nhà Tiền văng. Ở khu vực sân có bình phong Sơn quân, thờ Thần nông, án thờ Diêu Trì phật mẫu, bên phải chính điện là nhà Tiền vàng có án thờ Tiên sư.

Đình có mặt tiền kiểu tam quan, trên khuôn cửa giữa có hàng chữ quốc ngữ “Đình Khánh Hội, thành lập năm 1852, tái lập năm 1937”. Chính điện là tòa nhà được xây dựng kiểu tứ trụ, hai tầng mái giống như hai tầng mái của tòa nhà chính điện đình Vĩnh Hội ở phường 5. Ớ chính điện còn có các bức hoành phi chạm chìm tinh tế chữ Hán “Thần linh thiên cổ” (Thần linh ngàn đời) làm năm 1900, “Khánh Hội thần ân đức chính” làm năm 1900.

Miếu Ngũ Hành là tòa nhà vừa phải nằm ở hông trái chính điện được xây tường gạch, đòn tay, rui mè gỗ, mái lợp ngói âm dương. Miếu thờ Ngũ Hành nương nương tức Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hiện tại đình còn lưu giữ một số cổ vật gắn với di tích như sắc phong thần, lư hương, án thờ, hoành phi, bài vị bằng các chất liệu giấy bản, đồng, gõ.

Hàng năm, Đình Khánh Hội tổ chức lễ Kỳ Yên vào ngày 15, 16 và 17 tháng 2 âm lịch với nghi thức lễ truyền thống. Đây là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân giàu nước mạnh. Đồng thời cũng là một ngày hội tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Nam Bộ từ bao đời nay.

Tạp chí Môi trường và Xã hội đồng hành cùng UBND Tp. HCM, thành phố Thủ Đức, UBND các quận huyện cùng thực hiện chương trình "Điểm xanh Thành Phố", với mục tiêu ghi nhận những điểm xanh, những thành quả, khó khăn, thử thách trong chương trình xây dựng "Điểm Xanh Thành Phố". Song song đó ghi nhận những sự tích cực của chính quyền để biến các khu vực ô nhiễm thành nơi vui chơi, giải trí của người dân trong và ngoài địa bàn.

Nhân Quý- Trung Hiếu

  • Tags: