Thừa Thiên Huế: Khởi sắc từ du lịch tàu biển

12/03/2024 8:29:02 SA
Share Bai :

Theo lãnh đạo sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, để phát triển du lịch biển đảo bền vững cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch, đồng thời phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, công tác marketing, quảng bá và xúc tiến du lịch…

Đầu năm 2024 Thừa Thiên Huế đón tàu biển chở 2.700 khách du lịch cập cảng Chân Mây

Thời gian gần đây, du lịch tàu biển, du thuyền không chỉ thu hút khách quốc tế mà du khách trong nước đang có xu hướng lựa chọn loại hình này để du lịch. Đặc biệt, từ đầu năm 2024, thị trường tàu biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi sắc, đưa hàng nghìn du khách quốc tế cập cảng Chân Mây.

Mới đây, ngày 07/1/2024, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp Công ty cổ phần Cảng Chân Mây và Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist tổ chức chương trình đón chuyến tàu du lịch và những du khách đầu tiên đến tỉnh Thừa Thiên Huế bằng đường hàng hải năm 2024.

Theo đó, chuyến tàu du lịch CELEBRITY SOLSTICE mang theo 2.700 khách du lịch đến từ Anh, Pháp, Mỹ…cập cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên -Huế). Trong đó, có hơn 1.400 khách đã rời cảng, tham quan các danh lam thắng cảnh, các địa điểm du lịch và thưởng thức ẩm thực ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Những tín hiệu khởi sắc cho du lịch tàu biển năm 2024

Chuyến tàu du lịch CELEBRITY SOLSTICE mang theo 2.700 khách du lịch đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Canada… cập cảng vào lúc 8 giờ và rời cảng vào lúc 20 giờ cùng ngày. Theo Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist, công ty đã khai thác được hơn 1.000 khách mua tour du lịch, sẽ rời cảng và tham quan các địa điểm du lịch và thưởng thức ẩm thực ở Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, Quảng Nam trong 1 ngày.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để phát triển du lịch tàu biển, thời gian qua, cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bến cảng, tỉnh tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp các đối tượng khách này. Hiện nay, tỉnh giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng ngành du lịch xây dựng chính sách kích cầu, hỗ trợ, đồng thời lồng ghép một số các sản phẩm du lịch truyền thống để tập trung phục vụ cho nhóm khách này.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng xây dựng cơ chế phối hợp các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam hình thành các tour du lịch để có thể chia sẻ các sản phẩm du lịch địa phương phục vụ du khách đến Huế cũng như khu vực miền trung bằng tàu biển.

Theo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Thừa Thiên Huế, chương trình đón khách trên tàu biển là một trong những hoạt động nhằm chào mừng năm mới và khởi động chuỗi các sự kiện, hoạt động du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Đồng thời, tạo ấn tượng cho du khách về một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện và mến khách; tiếp tục tăng cường truyền thông quảng bá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch Thừa Thiên Huế nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch tàu biển.

Thông tin từ Công ty cổ phần cảng Chân Mây và các công ty lữ hành khai thác khách tàu biển cho biết, sau thời gian dịch bệnh, các hãng tàu du lịch biển quốc tế đã bắt đầu phục hồi mạnh mẽ trở lại với việc nhiều công ty du lịch đăng ký đưa khách cập cảng Chân Mây.

Trước đó, vào giữa tháng 11/2023, tàu CELEBRITY SOLSTICE với hơn 3.000 du khách quốc tế đã cập cảng Chân Mây. Hành khách trên chuyến tàu có chuyến tham quan tại các tỉnh, thành phố khu vực miền trung, như: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Công ty cổ phần Cảng Chân Mây cho biết, trong năm 2023, cảng Chân Mây đã có 25 chuyến tàu du lịch cập cảng đưa khoảng hơn 50.000 khách du lịch quốc tế và thành viên thủy thủ tàu đến với tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện nay, số lượng các đại lý đăng ký tàu du lịch sẽ cập cảng Chân Mây vào năm 2024 đã có 32 lượt tàu với gần 60.000 hành khách và hơn 22.000 thuyền viên. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi trở lại của ngành du lịch Thừa Thiên Huế.

Cảng Chân Mây sở hữu 2 cầu bến với tổng chiều dài 770m, độ sâu trước bến từ 9,4m đến 12,5m, có khả năng tiếp nhận các loại tàu hàng, tàu container… có trọng tải lên đến 50.000DWT và tàu khách du lịch đến 225.000GRT. Là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, được Hiệp hội Du lịch châu Á lựa chọn là một trong 46 cảng biển ở khu vực Đông Nam Á để xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền, tàu du lịch lớn. Đồng thời cũng là nơi hội đủ điều kiện và tiềm năng để phát triển trở thành cảng đón được các cỡ tàu du lịch mới nhất và lớn nhất thế giới.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, năm 2023, địa phương đã đón 3,2 triệu lượt khách (tăng 56% so năm 2022), trong đó đáng chú ý là lượng khách quốc tế tăng mạnh với 1,2 triệu lượt (tăng 361% so năm 2022, khách quốc tế chiếm tỷ lệ 36,8% cao hơn dự kiến ban đầu là khoảng 25-30%). Doanh thu từ du lịch ước đạt 6.606 tỷ đồng, đạt mục tiêu năm 2023 đề ra. Top 10 thị trường khách đến Huế trong năm 2023 là Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Mỹ, Malaysia, Pháp, Anh, Australia, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc.

Năm 2024, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70%, tổng thu từ du lịch khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng.

Đậu Bình

  • Tags: