Phòng Cảnh sát Giao thông công an Hà Nội: Đội Số 11 tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm An toàn Giao thông trên đại lộ Thăng Long.

28/11/2024 5:27:17 CH
Share Bai :

Tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) là tuyến cao tốc dài hơn 30km, điểm đầu tại nút giao Trung Hòa (Cầu Giấy), điểm cuối ở vị trí nút giao Hòa Lạc (Thạch Thất) đi qua quận Nam Từ Liêm, các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Đây là tuyến đường cấm xe máy, xe đạp và người đi bộ. Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt xe máy đi vào.

Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù lực lượng chức năng đã đặt cọc tiêu, biển báo và bố trí cán bộ, chiến sĩ đứng theo hàng, lớp để hướng dẫn và cảnh báo, ra tín hiệu từ xa để các phương tiện xe máy không đi vào làn cao tốc trên Đại lộ Thăng Long. Nhưng nhiều chủ phương tiện, như xe máy và xe gắn máy vẫn cố tình vi phạm, không những thế còn cố tình lạng lách, đánh võng hoặc tông thẳng vào tổ công tác để bỏ chạy. Các trường hợp vi phạm, khi cố tình đi vào đường cao tốc Đại lộ Thăng Long thường tập trung trong khung giờ cao điểm buổi sáng. Nhiều trường hợp thừa nhận do vội đi làm mà di chuyển vào tuyến đường cấm. Nguy hiểm hơn nhiều người còn điều khiển xe môtô xe máy đi ngược chiều, hoặc bất ngờ quay đầu xe bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng đang kiểm tra và làm nhiệm vụ phía trước.


Cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT Số 11 ra quân tuyên truyền và xử lý vi phạm trên Cao tốc Đại lộ Thăng Long.

Trung tá Bùi Xuân Phương, đội phó đội cảnh sát giao thông số 11 – Công an thành phố Hà Nội cho biết: Do hạ tầng giao thông còn hạn chế, một số đoạn đường đang cải tạo sửa chữa, số lượng xe máy ngày càng tăng, cộng với ý thức kém của một số bộ phận người dân, làm cho tình trạng người điều khiển xe máy cố tình không chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông vào Đại lộ Thăng Long ngày càng gia tăng, gây rất nhiều nguy hiểm và gây mất an toàn giao thông.


Trung tá Bùi Xuân Phương

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của người tham gia giao thông. Đội cảnh sát giao thông số 11 đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan Báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp luật TTATGT trên các phương tiện thông tin và trang mạng xã hội của các địa phương nơi tuyến đường đi qua. Với tinh thần vì sức khỏe, sinh mạng của người dân khi tham gia giao thông.


Cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền và hướng dẫn người điều khiển phương tiện.

Song song với công tác tuyên truyền Đội Cảnh sát giao thông số 11 cũng đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Đội quản lý các tuyến đường hướng vào trung tâm Thành phố, nên lưu lượng người và xe tham gia giao thông rất lớn, nhiều người vi phạm theo tâm lý đám đông, nhưng rất khó xử lý, đặc biệt vào giờ cao điểm do ưu tiên cao nhất lúc này là bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Ngoài làm nhiệm vụ tại các chốt trực, đội còn đẩy mạnh tuần tra kiểm soát để xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm. Đây là biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Tính từ đầu năm và đến ngày 19-9-2024 trên địa bàn quản lý, đội đã xử lý 653 trường hợp người điều khiển xe máy với các lỗi: Đi xe máy trên đường cao tốc, đi vào đường cấm, đi vào đường ngược chiều. 


Cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.

Trung tá Bùi Xuân Phương chia sẻ thêm: “Với quân số cán bộ, chiến sĩ hiện còn mỏng trong khi phải đảm bảo trách nhiệm tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm tại đoạn đầu đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 21A và toàn tuyến Đại lộ Thăng Long. Do vậy, mỗi khi vắng bóng lực lượng tuần tra, các vi phạm như bán hàng rong, vi phạm lỗi dừng đỗ trên cao tốc có dấu hiệu tái diễn... Để đảm bảo an toàn giao thông, Phòng cảnh sát giao thông chỉ đạo đội cảnh sát giao thông số 11 lập chốt tại điểm cuối Đại lộThăng Long, đặt hàng cọc tiêu và biển thông báo chốt kiểm tra từ xa. Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng vi phạm gây mất an toàn giao thông trên, gốc rễ vẫn là nhận thức của người dân, từ nhận thức biến thành ý thức chấp hành để dù có lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) hay không thì các phương tiện vẫn đi đúng phần đường, làn đường đã quy định”.

Luật giao thông đường bộ đã quy định:

Căn cứ điểm b khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định mức phạt lỗi xe máy đi vào cao tốc:

7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b. Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 8 Điều này;

Căn cứ điểm i khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định mức phạt lỗi xe máy đi vào đường cấm:

3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

i) Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;


Cán bộ, chiến sĩ đưa phương tiện và người điều khiển phương tiện vào vị trí an toàn để tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý.

Mỗi tai nạn không chỉ gây tổn thất về người mà còn tạo ra những đau đớn và mất mát đối với gia đình. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, việc tuân thủ luật lệ và tăng cường ý thức an toàn là cần thiết. An toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là nền tảng của một xã hội văn minh và an toàn. Vấn đề an toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của từng người dân. Bằng cách tôn trọng luật lệ và chấp hành đúng các quy tắc an toàn, chúng ta đồng lòng xây dựng một môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ tốt nhất cho cuộc sống của chúng ta. Sự hiểu biết và chấp hành đúng đắn về an toàn giao thông là sứ mệnh của mỗi người dân. 

Hãy thực hiện ngay từ những hành động nhỏ, như sang đường đúng quy định, để góp phần xây dựng một xã hội an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống và giữ gìn mọi sinh mạng. “Phía trước tay lái là cuộc sống”. Hãy nhớ câu nói này và hành động mỗi ngày vì an toàn giao thông, vì chính bản thân mình và vì cộng đồng xung quanh. “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi gia đình!”

Trí Đức-Nam Thắng.

  • Tags: