Ô NHIỄM RÁC THẢI NHỰA DÙNG MỘT LẦN - HIỂM HỌA LỚN CỦA NHÂN LOẠI

28/11/2021 8:36:08 CH
Share Bai :

Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa. Sự bùng nổ khí đốt tự nhiên đã làm cho các nguyên liệu nhựa thực sự rẻ. Ước tính 50 tỉ đô la sẽ được đầu tư vào các cơ sở sản xuất nhựa mới và sẽ tăng sản lượng khoảng 50% trong 10 năm tới và tăng gấp 3 lượng xuất khẩu nhựa vào năm 2030. Ngành công nghiệp sản xuất nhựa giải thích rằng sự gia tăng sản xuất này được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhu cầu đối với nhựa dùng một lần, như nước giải khát và bao bì và thị trường này đặc biệt nở rộ tại các nước đang phát triển. Điều này có nghĩa là phần lớn nhựa sản xuất đều có kế hoạch xuất khẩu sang các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), nơi các dịch vụ quản lý chất thải có thể không được trang bị phù hợp để xử lý.

Rác thải nhựa gây tác hại nghiêm trọng đến nhiều loài sinh vật, đặc biệt là các loài sinh vật biển

Rác thải nhựa gây tác hại nghiêm trọng đến nhiều loài sinh vật, đặc biệt là các loài sinh vật biển

Tất nhiên, việc nhựa sử dụng một lần được sản xuất hàng loạt và ưa chuộng khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải nhựa liên tục thải ra khi chưa kịp mất đi. Có thể nói, rác thải nhựa đang giết chết đa dạng sinh học trên trái đất. Ước tính sự sống của 700 loài động vật biển đang trên bờ tuyệt chủng bị ảnh hưởng do rác thải nhựa gây ra. Tình trạng ngày càng tệ hơn khi ô nhiễm nhựa đã gây nguy hại tới không chỉ động vật biển sinh sống gần bờ mà cả những sinh vật sinh sống sâu dưới đáy đại dương. Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Quốc gia Ai-len (NUIG), gần 73% cá sinh sống dưới vùng đáy biển phía Tây Bắc Đại Tây Dương đều đã nuốt phải hạt vi nhựa từ rác thải. Ảnh hưởng của rác thải từ nhựa dùng một lần gây ra mối nguy hại khắp nơi, điều này gióng lên hồi chuông báo động để con người suy nghĩ nghiêm túc hơn về cách sử dụng và xử lý tình trạng ô nhiễm nhựa.

Báo cáo của Liên Hợp quốc cho thấy, mỗi năm trên toàn thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ chai nhựa, hơn 500 tỷ túi ni-lông. Lượng rác thải nhựa đủ để phủ kín gấp bốn lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường. Theo một số nghiên cứu, trung bình để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni-lông phải mất hàng trăm năm. Chất thải nhựa ni-lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người; rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển. Đáng lo ngại, ô nhiễm nhựa gây thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái như rác thải nhựa bóp nghẹt dòng chảy của các dòng sông, gây phá hủy, hoặc suy giảm đa dạng sinh học. Nhiều loại sinh vật bị chết do vướng vào lưới đánh cá bị mất, hoặc bị bỏ lại trên các đại dương, cũng như ăn nhầm nhựa do nhầm lẫn với thức ăn. Các hạt vi nhựa có lẫn trong nước biển có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có sẵn trong nước biển và trầm tích biển. Các hạt này theo chuỗi thức ăn sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý cho các loài sinh vật bậc cao hơn, bao gồm cả con người. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa. Việt Nam đang đứng thứ 17 trong số 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới. Vì vậy, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (tuần thứ ba tháng 9 hằng năm), được Liên Hợp quốc tập trung vào vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa bằng việc khuyến khích tất cả các quốc gia và địa phương cùng nhau hành động chống ô nhiễm rác thải nhựa. Hưởng ứng Chiến dịch, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề là “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, trong đó tập trung chống ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đây là nội dung thiết thực, cấp bách trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa, đồng thời kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và đồng bào cả nước cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đó là đến hết năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Về bản chất, nhựa là một loại vật liệu có thể tái sử dụng nhiều lần, được sinh ra với mục đích thay thế cho các nguyên vật liệu khó khai thác và đắt đỏ khác. Tuy nhiên, vì sự tiện dụng và giá thành thấp của nhựa, khiến nó đã trở nên bị lạm dụng, nhựa sử dụng một lần trở thành núi rác khổng lồ và gây ô nhiễm cho môi trường khi không được thu thập, tái chế - vì chi phí tái chế thậm chí mắc hơn nhựa nguyên sinh để đảm bảo được chất lượng của nó.

Việc làm vô cùng cấp thiết hiện nay là giúp nhựa đã qua sử dụng được đưa vào quy trình tái chế. Đây là một giải pháp bền vững cho môi trường vì nhựa sau khi hết giá trị sử dụng lại được tiếp tục sản xuất thành sản phẩm nhựa chất lượng cao như ban đầu, đáp ứng đầy đủ yêu cầu để sử dụng bình thường như nhựa mới. Hiện nay, thế giới đang có xu hướng sử dụng nhựa tái sinh - còn gọi là nhựa sau tiêu dùng. Nhựa tái sinh được làm từ các loại nhựa cũ được thu thập và phân loại là đủ tiêu chuẩn để tái chế. Nhựa sau khi thu hồi được cắt nhỏ, làm sạch, tan chảy thành viên và được sử dụng lại trong những lần sản xuất trong tương lai.

Để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra, hiện thực hóa chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào cùng các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay hành động, triển khai thực hiện các hoạt động như: Không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại các cơ quan, đơn vị; phát động phong trào thu gom, phân loại các sản phẩm dùng từ nhựa, bao bì, túi ni-lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.

Hình ảnh đáng báo động về rác thải nhựa ở đảo Maldives

Hình ảnh đáng báo động về rác thải nhựa ở đảo Maldives

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni-lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Các doanh nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, từng bước giảm đến mức thấp nhất, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy; tổ chức sản xuất các sản phẩm thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường bảo đảm chất lượng, kỹ thuật và quy định của pháp luật.

Minh Thanh