Những sai phạm của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cần được xử lý công khai?

15/03/2020 7:57:53 CH
Share Bai :

>>>Bài 1: Liệu pháp điều trị hay bóc lột sức lao động của bệnh nhân?

>>>Bài 2: Tai nạn điều trị hay sự thiếu trách nhiệm của y tá, bác sĩ?

Như đã phản ánh trong các loạt bài trước về những dấu hiệu bất thường của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong việc khám và điều trị, Phóng viên Luật sư Việt Nam Online đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội. Ông Nguyễn Cao Cương - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế đã đề nghị bệnh viện tiến hành họp khoa, họp lãnh đạo xem xét sự việc xảy ra theo phản ánh của báo chí. Bệnh viện không thể yêu cầu người bệnh làm việc này, việc kia”.

bvtt-5b0b74d09ad36

Ông Nguyễn Cao Cương - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội và ông Ngô Hùng Lâm - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần (từ trái qua phải).

Trong buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội, khi phóng viên đề cập đến việc bệnh viện sử dụng bệnh nhân vào việc thu gom rác thải thì ông Ngô Hùng Lâm - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội một mực khẳng định không có việc bệnh viện sử dụng bệnh nhân để thu gom rác: “Đôi khi bệnh nhân làm quen rồi hay xin giúp thì có thể có nhưng bọn mình vẫn cấm, cho đến bây giờ bọn mình vẫn cấm. Riêng về vấn đề thu gom rác là không cho làm, tôi khẳng định luôn chuyện đấy”, ông Lâm nói. Thế nhưng những hình ảnh mà phóng viên ghi nhận được trong quá trình tìm hiểu thông tin lại hoàn toàn khác với những gì mà vị giám đốc bệnh viện này khẳng định.

Bên cạnh đó, sự bất nhất của ông Ngô Hùng Lâm - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội đã khiến cho phóng viên hoàn toàn bất ngờ. Bởi trong buổi trao đổi thông tin với phóng viên tại bệnh viện, ban lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong đó có ông Lâm đã xác nhận việc bệnh nhân lao động (thu gom rác) là một trong những hoạt động nằm trong liệu pháp điều trị: “Đây là liệu pháp phục hồi chức năng để bệnh nhân khi hồi phục trở về với cộng đồng không quên các công việc hàng ngày. Bởi vậy, bên cạnh liệu pháp dùng thuốc, tâm lý, máy móc… thì việc cho bệnh nhân lao động sẽ giúp bệnh nhân phục hồi tốt hơn”.

tt2-5b0b74d0b2d7b

Bệnh nhân T. N. L bị đánh tràn dịch phổi, gãy xương sườn.

Có thể thấy sự việc đã bị vị Giám đốc của bệnh viện Tâm thần phủ nhận khi làm việc với lãnh đạo của Sở Y tế Hà Nội. Trước đó, trong quá trình có mặt tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để tìm hiểu thông tin, qua trò chuyện, một số người nhà chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện tiết lộ: “Việc sử dụng bệnh nhân làm lao công trong bệnh viện diễn ra thường xuyên, hàng ngày. Bệnh nhân đang thu gom rác đã vào viện điều trị được khoảng 6 tháng và không có người nhà chăm sóc…”.

Liên quan đến vụ việc, ngày 06/3/2018 một bệnh nhân đã được kết luận bị tràn dịch phổi, gãy 3 xương sườn, tinh thần, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Nhắc đến sự việc này, ông Nguyễn Cao Cương - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội ban đầu tỏ ra bất ngờ (không biết sự việc xảy ra), tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về nguyên nhân vì sao bệnh viện chưa báo cáo Sở Y tế về vấn đề trên thì sau đó ông Cương lại nói: “Bệnh viện cũng đã báo cáo với Sở Y tế rồi, anh đã làm việc với bệnh viện rồi nhưng mà cứ để trao đổi cụ thể”. Thực tế, sự việc đã được báo cáo xử lý đến đâu? Câu hỏi này xin được gửi đến Sở Y tế Hà Nội.

tt3-5b0b74d0f31a1

Bệnh nhân thu gom rác tại bệnh viện.

Liên quan về vấn đề này, Ngô Hùng Lâm cho rằng: “Bệnh nhân trong trạng thái kích động khi phát hiện bệnh viện đã xử lý theo đung quy trình không có làm gì sai cả”.

“Bọn mình (bệnh viện – PV) cũng phải rà soát để xem sai sót ở khâu nào để rút kinh nghiệm cũng như là xử lý đối với cán bộ phụ trách công việc”, ông Lâm nói.

Trong buổi làm việc, ông Lâm cho biết bệnh viện đã họp và xử lý. Thế nhưng khi phóng viên đề nghị được tiếp cận những văn bản, quyết định xử lý sai phạm đối với sự việc đã xảy để thông tin tới bạn đọc được khách quan. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phóng viên vẫn chưa thể tiếp cận những văn bản xử lý cụ thể, công khai.

Trước những câu trả lời mâu thuẫn của vị Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong hai buổi làm việc, phải chăng quyền lợi của bệnh nhân khi tham gia khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đang bị xâm hại, bưng bít, thoái thác trách nhiệm? Dư luận đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan có thẩm quyền về những bất thường xảy ra trong quá trình điều trị của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cần được công khai.

Vương Hưởng – Phạm Sỹ

25 nguyên tắc bảo vệ người mắc bệnh tâm thần và cải thiện việc chăm sóc sức khỏe  tâm thần năm 1991 đã được Đại Hội đồng thông qua trong Nghị quyết 46/119 ngày 17/121991, cụ thể:

Mục 3 nguyên tắc 1: Tất cả những người mắc bệnh tâm thần, hay những người bị đối xử như người mắc bệnh tâm thần có quyền được bảo vệ chống lại các hình thức bóc lột về kinh tế, tình dục và các hình thức bóc lột khác, lạm dụng thể chất hay các hình thức lạm dụng hay sỉ nhục khác;

Mục 2, nguyên tắc 8:Mọi bệnh nhân phải được bảo vệ chống lại tác hại, bao gồm thuốc không rõ xuất xứ, hay sự lạm dụng mà các bệnh nhân, nhân viên hay những người khác gây ra, hay các hành động khác gây ức chế thần kinh hoặc khó chịu về thể chất;

Mục 3 và mục 4, nguyên tắc thứ 13: Trong mọi trường hợp bệnh nhân sẽ không phải lao động bắt buộc. trong giới hạn phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân và các yêu cầu quản trị thể chế , bệnh nhân có thể chọn loại công việc mà họ muốn làm. Không được phép bóc lột sức lao động của bệnh nhân trong cơ sở sức khỏe tâm thần. Mỗi bệnh nhân như vậy có quyền nhận cùng mức thù lao như người không bị bênh theo pháp luật hoặc tập quán trong nước. Mỗi bệnh nhân, trong bất kỳ trường hợp nào, có quyền nhận thì lao công bằng được trả cho cơ sở sức khỏe tâm thần vì công việc bệnh nhân đó làm.

Theo Lsvn.vn

 

  • Tags: