NHỮNG MẶT TRÁI CỦA SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI LỊCH SỬ NHÂN LOẠI

18/11/2021 11:18:08 SA
Share Bai :

Trong một thời kỳ dài, các nhà nghiên cứu lịch sử, kinh tế, chính trị và hầu hết mọi người đều cho rằng việc tiếp nhận nền sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) là bước ngoặt có tính quyết định để có cuộc sống tốt đẹp hơn của con người, giúp nhân loại bước qua thời kỳ dã man, mông muội để đi vào thời kỳ văn minh.

Nông nghiệp phải chăng đang là nguyên nhân cho nghèo đói ở châu Phi?. Ảnh Internet

Với sản xuất nông nghiệp, lượng lương thực thực phẩm được tăng lên nhanh chóng và loài người có được lượng lương thực dự trữ ngày càng dồi dào. Nếu như so với các giai đoạn trước trong hầu hết lịch sử của nhân loại, khi mà loài người đều phải trải qua một lối sống nguyên thủy nhất, được gọi là "săn bắt - hái lượm", con người săn đuổi những con thú hoang dã và thu lượm những thức ăn là các loại lá, quả, hạt của các loài cây mọc hoang dại. Lối sống này làm cho con người phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Do không có thức ăn được nuôi trồng và có rất ít để dự trữ, nên hầu như không thể có sự nghỉ ngơi, mà con người luôn phải bắt đầu một ngày mới bằng việc tìm kiếm các nguồn thức ăn hoang dại và tránh không để bị chết đói. Việc con người có thể thoát ra khỏi cảnh sống "bữa đói, bữa no" này chỉ được khởi động sau giai đoạn cuối của thời kỳ Băng hà, khi con người ở những phần khác nhau của thế giới theo những cách thức hoàng toàn độc lập bắt đầu tiến hành thuần hóa động vật và thực vật. Cuộc cách mạng trong nông nghiệp dần dần mở rộng cho tới tận ngày nay khi nói đã gần như mang tính toàn cầu và chỉ còn lại rất ít bộ lạc săn bắt - hái lượm sống sót. Như vậy có thể thấy, những bằng chứng không thể chối cãi về sự tiến bộ khi con người tiến hành sản xuất nông nghiệp. Trước hết hãy xét tới những mặt ưu điểm của sản xuất nông nghiệp so với kinh tế tự nhiên "săn bắt hái lượm". Với sản xuất nông nghiệp, con người được thưởng thức những loại thức ăn phong phú nhất và cũng là dư thừa nhất, có được những công cụ tốt nhất và những hàng hóa mua bán, là những người sống lâu nhất và khỏe mạnh nhất trong lịch sử nhân loại.

Vấn đề đặt ra là, tại sao phần lớn tổ tiên của những người săn bắt hái lượm lại chấp nhận và chuyển sang nông nghiệp? Câu trả lời được chấp nhận nhiều nhất và được coi là hiển nhiên rằng, con người chấp nhận nông nghiệp bởi vì đó là phương thức hiệu quả để có thể đem lại nhiều thức ăn mà tốn ít công sức hơn. Năng suất gieo trồng mỗi vụ của nông nghiệp trồng trọt có hiệu quả gấp nhiều lần so với những gì thu được từ săn bắt hái lượm trên cùng một diện tích. Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng, nông nghiệp còn mang đến sự khởi đầu cho nghệ thuật, sự ra đời của những sản phẩm được kết tinh từ những gì cao quý nhất trong tinh thần của con người. Điều này có được là do mùa màng có thể tích trữ được và cũng như cần tốn ít thời gian để trồng trọt cây cối trong vườn hơn là tìm kiếm chúng trong rừng, nông nghiệp đã mang lại cho con người nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, đây là những thứ mà người săn bắt hái lượm trước kia chưa từng có được. Trong số những dấu ấn quan trọng về văn hóa của loài người, nông nghiệp là dấu ấn gần đây nhất, chỉ xuất hiện rõ rệt cách nay khoảng 10.000 về trước. Nông nghiệp phát triển từ hành vi của loài người và từ những phản ứng hoặc thay đổi ở động vật và thực vật, dẫn tới một kết quả không thể dự đoán trước được của quá trình thuần hóa. Ví dụ, việc thuần hóa động vật phát triển một phần là do những người tối cổ giữ những con vật hoang dã ở trong hang động như những con vật nuôi, phần khác là từ sự học tập của các động vật hoang dã đem lại lợi ích cho mọi người. Tương tự như vậy, những giai đoạn đầu tiên của quá trình thuần hóa thực vật bao gồm việc con người thu hoạch những loài cây hoang dã và bỏ lại những loại hạt, mà sau đó vô tình "được trồng lên". Kết quả là, sự lựa chọn "vô thức" giữa các loài động vật và thực vật cho ra những loài có ích nhất cho con người. Và sau đó là sự lựa chọn có ý thức và quá trình chăm sóc những loài động vật, thực vật đã được thuần dưỡng cho đến ngày nay.

Vấn đề đặt ra với chúng ta khi quay trở lại nghiên cứu về bước chuyển này đối với nhân loại đó là, việc chuyển hướng từ lối sống săn bắt hái lượm sang nền nông nghiệp mang lại cho con người sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, sự an toàn, sự nghỉ ngơi và nghệ thuật. Vấn đề này để chứng minh nó lại không hề đơn giản. Bởi vì giai đoạn có sự chuyển giao này cách ngày nay đã rất xa (khoảng 10.000 năm về trước), hơn nữa vấn đề này các nhà khảo cổ học cũng không thể kiểm chứng cho câu hỏi này một cách trực tiếp. Tuy nhiên, qua việc sử dụng những kiểm tra mang tính gián tiếp, thì kết quả lại khá bất ngờ khi nó không ủng hộ cho quan điểm coi nông nghiệp như là một sự may mắn hoàn toàn cho nhân loại.

Thứ nhất, nếu nông nghiệp được coi là tuyệt vời cho sự phát triển của nhân loại, chắc hẳn nó phải có sự lan rộng nhanh chóng ra các khu vực. Tuy nhiên, các dữ liệu khảo cổ học lại cho thấy nông nghiệp lại phát triển rất chậm chạp ở châu Âu. Đơn giản nhất, vào khoảng giữa thế kỷ XIX ở Hoa Kỳ, tất cả những thổ dân của bang California vẫn duy trì đời sống săn bắt hái lượm, cho dù họ đã biết tới nông nghiệp qua việc trao đổi, mua bán với những thổ dân trồng trọt nông nghiệp ở vùng Arizona. Phải chăng, thổ dân ở Califonia không nhìn thấy lợi ích của nông nghiệp, hay thực ra là ngược lại, họ đã nhìn thấy ẩn giấu bên dưới lớp vỏ "hào quang" của nông nghiệp là những hạn chế rất lớn với con người?

Thứ hai, với những ưu điểm vượt trội của mình, đời sống nông nghiệp phải chăng sẽ làm cho con người giàu có và đầy đủ hơn so với săn bắt hái lượm? Qua việc nghiên cứu những nơi còn lại trên thế giới còn rơi rớt lại đời sống săn bắt hái lượm trong thế kỷ XX ở thổ dân thuộc Nam Phi. Điều đáng ngạc nhiên là người ta phát hiện ra rằng những người này thực sự cũng có thời gian rảnh rỗi, ngủ rất nhiều và làm việc cũng không chăm chỉ hơn những người nông dân ở vùng lân cận với họ. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ điểm này, mặc dù thời gian kiếm thức ăn của người săn bắt hái lượm là không nhiều, nhưng những thức ăn mà họ tìm thấy lại phải tốn khá nhiều thời gian chế biến mới có thể ăn được. Chính vì vậy thời gian tổng cho việc tìm kiếm, chế biến thức ăn của người săn bắt hái lượm có tăng lên. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì phương thức của họ không vất vả hơn so với người nông dân.

Thứ ba, khi chuyển sang nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi, thức ăn của con người sẽ đơn điệu hơn và không đa dạng như săn bắt hái lượm. Phần lớn các cây trồng được thuần hóa là những loại thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao hơn như lúa và khoai tây. Những người săn bắt hái lượm rất khỏe mạnh, ít bệnh tật, tận hưởng chế độ ăn uống đa dạng và đặc biệt không trải qua nạn đói chu kỳ như người nông dân khi mùa màng thất bát do thiên tai, chiến tranh hay dịch bệnh. Điều này cho thấy, những người săn bắt hái lượm hầu như không thể chết đói, trong khi những người nông dân thì thường phải trải qua nhiều nạn đói trong lịch sử. Về việc so sánh sức khỏe giữa cư dân săn bắt hái lượm với cư dân nông nghiệp, bên nào có sức khỏe tốt hơn là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, có thể chỉ ra được 3 lý do giải thích cho những phát hiện rằng nông nghiệp không có lợi cho sức khỏe con người.

Một là, những cư dân săn bắt hái lượm có thể tận hưởng một chế độ ăn uống đa dạn với những hàm lượng tương đương các loại protein, vitamin và khoáng chất, trong khi những người nông dân chủ yếu hấp thụ những thức ăn từ lương thực là tinh bột. Ngày nay, chỉ với 3 loại cây lương thực có hàm lượng tinh bột cao là lúa mỳ, gạo và ngô đã cung cấp tới hơn 50% tổng số lượng calorie mà nhân loại hấp thụ.

Hai là, do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài vụ thu hoạch trong năm, những người nông dân phải chịu nhiều rủi ro về nạn đói hơn những người sống nhờ săn bắt hái lượm nếu như một trong những vụ thu hoạch đó bị thất bại. Đơn cử như ở Việt Nam, năm 1945, nạn đói đã làm chết tới 2 triệu người!!!

Ba là, phần lớn các bệnh truyền nhiễm và các ký sinh trùng hàng đầu gắn với con người vẫn chưa thể xác định được cho tới khi chuyển hướng sang nông nghiệp. Những dịch bệnh từ các loại vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng này tồn tại trong các xã hội đông dân, suy dinh dưỡng, định cư tại một nơi và liên tục chịu những sự truyền nhiễm ngược trở lại từ nước thải của những người khác và của chính họ.

Ngoài ba lý do cơ bản nêu trên, hoạt động nông nghiệp còn mang đến một vấn đề hết sức quan trọng đối với nhân loại đó là sự phân chia tầng lớp xã hội. Cùng với đó là sự bất bình đẳng ngày càng tăng về giới vốn đã tồn tại ngầm trước đó.

Tóm lại, việc đặt ra những vấn đề nêu trên không phải hướng tới việc quay trở về đời sống săn bắt hái lượm mà quan trọng hơn đó là chúng ta có thể học hỏi gì từ những kinh nghiệm trong quá khứ hay không? Bởi vì dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế những cư dân sống bằng săn bắt hái lượm đã tiến hành một lối sống thành công nhất và cũng tồn tại bền bỉ nhất trong sự phát triển của loài người. Ngược lại, con người hiện đại hiện nay vẫn đang phải đấu tranh và giải quyết những vấn đề nảy sinh từ nông nghiệp, và chưa thể nói rằng chúng ta đã thành công trong bức tranh tổng quan của cả thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển và các nước thuộc thế giới thứ ba.

Hà Anh Tuấn

  • Tags: