Làng nghề - Hơi thở cuộc sống của Trà Vinh

10/06/2021 10:57:52 CH
Share Bai :

Trà Vinh thường được nhắc tới là vùng đất có kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể, điển hình nhất chính là các làng nghề. Đây là những nơi mang đậm hơi thở cuộc sống người dân, văn hóa, lịch sử, quá trình phát triển của Trà Vinh.

Mỗi sản phẩm của làng nghề chính là đặc thù mang nét văn hóa truyền thống của tỉnh như thảm đan từ đay, bộ đồ dùng nông thôn từ tre trúc, các sản phẩm điêu khắc, rượu Xuân Thạnh, bánh tét Trà Cuôn,…

Để phát triển làng nghề, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết: “Làng nghề phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn kết các hoạt động sản xuất của Làng nghề với phát triển du lịch; Chú trọng tư vấn thiết kế nhãn hiệu, logo,… tiến tới xây dựng thương hiệu phục vụ cho quảng bá sản phẩm Làng nghề và tổ chức vận động thành lập các hợp tác xã để tạo cơ sở pháp lý trong việc đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán với các nhà thu gom, phân phối có uy tín trong và ngoài khu vực”.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng khu vực Làng nghề theo hướng hiện đại hóa - công nghiệp hóa giúp các Làng nghề, nghề truyền thống của tỉnh có bước phát triển ổn định, khôi phục được các nghề truyền thống có nguy cơ mai một, đóng góp chung vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Trà Vinh.

Làng nghề hoa kiểng Long Đức

Một trong những làng nghề có truyền thống lâu đời từ những  năm 1960, với  các chủng loại cây cảnh và các loại hoa, kiểng. Đây được xem là biểu tượng của làng hoa khắp vùng Tây Nam Bộ.

Cứ vào độ tháng 8 – 9 âm lịch hàng năm, hơn 300 hộ nông dân trồng hoa kiểng 2 ấp Long Bình và Vĩnh Yên thuộc xã Long Đức-Trà Vinh lại tất bật vào mùa xuống giống để chuẩn bị cho một vụ hoa Tết. Hiện nay, địa phương bắt tay vào việc quy hoạch lại làng hoa, quan tâm đầu tư phát triển mạnh hơn, nâng cao đời sống người dân và góp phần cho việc xây dựng nông thôn mới.

Làng hoa kiểng Long Đức có đa dạng chủng loại cây kiểng nổi tiếng khắp vùng Tây Nam Bộ

Làng nghề Rượu Xuân Thạnh

Tương truyền rằng, vào khoảng năm 1926 Rượu Xuân Thạnh được nấu lần đầu tiên do một người họ Hà sống tại ấp Xuân Thạnh, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Rượu nơi đây làm cho thực khách nhớ nhung bởi có nồng độ cao, hương vị thơm nồng nàn.

Được biết, rượu Xuân Thạnh ngon không chỉ do kỹ thuật nấu truyền đời mà còn do nguồn nước tại làng Xuân Thạnh, vì khu vực này là đất giồng cát nên các giếng nước mang vị ngọt riêng.

Rượu Xuân Thạnh gây thương nhớ bởi nồng độ rượu cao và mang hương vị thơm nồng nàn

Điêu Khắc gỗ Chùa Hang

Không chỉ là điểm đến cho các khách du lịch ghé thăm, Chùa Hang- hay còn gọi là chùa Kompông Chrây còn nổi tiếng với nghề điêu khắc gỗ. Từ những gốc sao thô mộc, qua bàn tay khéo léo của các nhà sư, những bức tượng mang dáng hình muôn thú như được thổi hồn sống động.

Hiện nay, đã có hơn 1.000 tác phẩm điêu khắc gỗ từ chùa Hang được hoàn thành.

Từ những khúc gỗ, qua bàn tay khéo léo của các nhà sư, những bức tượng mang dáng hình muôn thú trở nên sống động sống động

Tiểu thủ công nghiệp Đức Mỹ

Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đức Mỹ hình thành và hoạt động theo hình thức tổ hợp tác. Trong đó, Đan lát là một nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở đây. Việc phát triển làng nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động ở nông thôn. Không chỉ vậy, các sản phẩm đan lát còn là biểu tượng của văn hóa của Trà Vinh.

Làng nghề Lát-Chiếu

Nghề dết chiếu của Trà Vinh được hình thành từ những thập niên cuối thế kỉ XIX. Với hơn 30 hecta vùng nguyên liệu trồng lác, các nghệ nhân làng nghề đã tạo ra những sản phẩm độc đáo mang đậm đặc trưng của vùng đất Trà Vinh.

Với gần 100 năm phát triển, nghề dết chiếu của Trà Vinh đã phát triển từ sản xuất, tự tiêu thụ trở thành sản phẩm đạt chất lượng được nhiều người biết đến, trở thành hàng hóa xuất ra các vùng miền trong và ngoài nước.

Nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển nhờ nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ với nguyên liệu từ cây lát

Chỉ-Xơ Dừa - Lục Bình

Hàng năm, những người thợ thủ công tại xã Đức Mỹ sản xuất trên 150.000 sản phẩm các loại như: thảm, chiếu, lát dây xe lỏi, tơ xơ dừa, mụn dừa, se chỉ xơ dừa,…các sản phẩm làm từ nguyên liệu lục bình và cây dừa.

Ngoài để làm hàng hóa tiêu thụ trong nước, thì các sản phẩm đan lát từ xơ dừa, lục Bình còn đượctiêu thụ chính ở thị trường ngoài nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc,…

Từ cây dừa, qua bàn tay của người thợ thủ công đã làm ra các thành phẩm như tơ xơ dừa, mụn dừa, se chỉ xơ dừa, dệt thảm tơ dừa,..

Các hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình luôn được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng

Thủ công mỹ nghệ Lương Hòa-Đan tre trúc

Hoạt động từ lâu đã nổi tiếng và phát triển mạnh nhất là ở các ấp Base A, Base B, Bình La, Sâmbua, Ô Chích A, Ô Chích B, với các sản phẩm như chằm lá, đan thúng, đan mê bánh tráng, làng nghề đan đát được làm từ nguồn nguyên liệu tre, trúc địa phương.

Làng nghề thủ công mỹ nghệ của huyện Châu Thành có số lượng bà con Khmer đông đảo, vì vậy, các sản phẩm ở đây được mang đậm nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Khmer nói riêng và Trà Vinh nói chung.

Đây là sự kết hợp của truyền thống văn hóa dân tộc đậm đà  với tay nghề của người Khmer đã cho ra đời các sản phẩm thủ công tinh xảo

Làng nghề sơ chế biến thủy sản Xóm Đáy

Xóm Đáy-Đông Hải là một xã ven biển nằm ở phía Nam của huyện Duyên Hải-Trà Vinh, hoạt động chủ yếu dựa vào nuôi trồng thủy sản. Sau đó, các ngư dân sơ chế biến thủy sản như: sơ chế biến tôm khô, cá khô, ruốc khô….

Các sản phẩm ở Xóm Đáy đã vinh dự là sản phẩm tiêu biểu khu vực phía Nam do người tiêu dùng bình chọn. Sau nhiều năm phát triển, Xóm Đáy giờ đây đã trở thành một vùng đất giàu tiềm năng mang đậm “hơi thở” của biển khơi.

Do nhu cầu thị trường nên người dân mở các cơ sở chế biến hải sản, làm cho làng nghề Xóm Đáy ngày càng phát triển

Bánh Tét Trà Cuôn

Là đặc sản đã trở nên nổi tiếng từ những năm 1970, Với gần 30 năm hình thành và phát triển, Bánh tét ở Trà Cuôn đã trở thành một làng nghề được nhiều người biết đến.

Sự độc đáo của sản phẩm này là bí quyết truyền đời ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến cách gói và cách nấu, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cần mẫn của người thợ trong từng công đoạn như một nghệ nhân đi tìm những gì tinh túy nhất cho từng sản phẩm bằng tâm huyết của họ.

Thông qua việc xây dựng thương hiệu, sản vật của làng nghề ngày một in sâu trong cảm tình du khách gần xa.

Mỗi ngày có hàng trăm đòn bánh đến tay người tiêu dùng và hình thành một thương hiệu “made in Trà Cuôn”

Hoàng Thơ