Hương Khê (Hà Tĩnh): Phát triển du lịch cộng đồng trong xây dựng Nông thôn mới

20/05/2023 4:07:56 CH
Share Bai :

Huyện Hương Khê là địa phương có nhiều cảnh đẹp hoang sơ, nhiều thác nước hùng vỹ mang đậm dấu ấn huyện thoại với truyền thuyết “cá chép hóa rồng”, trong đó Thác Vũ Môn, Thác Khe Táy, Vực Tùng là điểm du lịch lý tưởng cho mọi người thích khám phá thiên nhiên.


Đoàn khảo sát của huyện Hương Khê cùng các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh tại khu vực Thác Khe Táy thuộc xã Phú Gia

Đặc biệt, tại bản Phú Lâm, thôn Phú Lâm, xã Phú Gia có đồng bào dân tộc Lào định cư sinh sống tập trung, người dân nơi đây luôn đoàn kết, đùm bọc yêu thương lẫn nhau, gắn kết cộng đồng; tài nguyên thiên nhiên ở đây hoang sơ với nhiều đồi núi, cánh rừng nguyên sinh như một bức tranh kỳ ảo trong những lớp sương mù dày đặc về mùa đông và trong xanh, mát lạnh về mùa hè, với dòng sông Tiêm, nước xanh trong vắt, chảy rì rào qua Bản tạo nên những cảnh đẹp say đắm lòng người. Bản Phú Lâm có tiềm năng rất lớn để đầu tư phát triển du lịch sinh thái cộng đồng; điểm nghĩ dưỡng lý tưởng cho du khách, nhất là vào Mùa hè nóng bỏng của mãnh đất Miền Trung.


Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, gắn liền với du lịch trải nghiệm được lãnh đạo huyện Hương Khê quan tâm, đầu tư

Bên cạnh đó, huyện Hương Khê còn có nhiều điểm du lịch lý thú, tạo nên các điểm đến cho du khách khi về với Bản Phú Lâm. Là huyện miền núi, nằm phía Tây Nam của tỉnh Hà Tĩnh, diện tích tự nhiên trên 126.000 ha; có 21 đơn vị hành chính cấp xã; dân số 31.734 hộ, với gần 100.000 nhân khẩu; có trên 51 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có 2 bản dân tộc Chứt với 61 hộ, 209 nhân khẩu (bản dân tộc ít Người duy nhất của tỉnh Hà Tĩnh); Có mô hình khu dân cư kiểu mẫu Nam Trà, xã nông thôn mới kiểu mẫu Hương Trà, điển hình trong toàn quốc; có khu check-in trên đồi chè Nam Trà, xã Hương Trà rộng 200 ha rất đặc trưng; khu đồi cam Khe mây rộng 150 ha. Có hệ thống giao thông có đường sắt Bắc – Nam (các chuyến tàu đều dừng đỗ đón trả khách tại ga Hương Phố, nằm ở Thị Trấn Hương Khê; có đường mòn Hồ Chí Minh kết nối với huyện Vũ Quang, khu du lịch Phong Nha kẻ bàng tỉnh Quảng Bình; có tỉnh lộ 553 đi qua, kết nối với Huyện Cẩm Xuyên (Biển Thiên Cầm), huyện Kỳ Anh (Khu kinh tế Vũng Áng); tiềm năng về đất đai, lao động dồi dào, có nhiều loài cây đặc sản nổi tiếng thơm ngon như: Bưởi Phúc Trạch, cam Khe mây, mật ong rừng, có các sản phẩm được chế tác từ gỗ Trầm Hương,...; Hương Khê có nhiều món ăn ngon: Như cá mát sông tiêm; gà đồi Phúc Trạch; cá tràu nướng Lộc Yên; thịt lợn rừng Hương Lâm; nộm hoa chuối; măng rừng, kẹo Cu đơ Phú Phong, bánh đa Ninh Cường gia phố, Dò me Tiến Giáp đạt tiêu chuẩn Ocoop 3 sao,... Trên địa bàn có một số di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, như: Quần thể Di tích Đền Công Đồng, Thành Sơn phòng Hàm nghi, Miếu Trầm Lâm (Phú Gia); Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục hậu cần Đoàn 559, 500 (Hương Đô), Di tích Rộôc Cồn (Phú Phong); Di tích Chứng tích chiến tranh Trường cấp 2 Hương Phúc (Hương Trạch)...; Trung tâm Phật Giáo huyện.


Thác Khe Táy thuộc xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hùng vĩ giữa đại ngàn

Thời gian qua, huyện Hương Khê đã có nhiều chủ trương, chính sách để thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Với những tiềm năng lợi thế, du lịch tua tuyến Hương Khê đã từng bước được hình thành, chào đón du khách đến tham quan trải nghiệm: Các Tour, tuyến tham quan di tích lịch sử văn hóa gắn kết hợp du lịch cộng đồng, trải nghiệm các vườn bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây tại xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, tham quan các sản phẩm chế tác từ cây Gió Trầm, xã Phúc Trạch; tham quan, check in tại Khu check in tại đồi chè thôn Nam Trà, xã Hương Trà...; tham quan Bảo Tàng Nông cụ tại Trung tâm phát triển Hương Bình với hơn 500 dụng cụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân được lưu giữ và trưng bày; cùng với nhiều di tích lịch sử văn hóa quốc gia như: Quần thể di tích Đền Công Đồng, Sơn Phòng Hàm Nghi, Đền Trâm Lâm, xã Phú Gia; Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Sở chỉ huy tiền phương, tổng cục hậu cần Đoàn 500, 559 xã Hương Đô; Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Khu chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp 2 Hương Phúc...


Thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” sẽ được EU bảo hộ, đảm bảo ngăn chặn các hành vi sử dụng không trung thực đối với thương hiệu này

Ông Trần Quốc Bảo – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, trên cơ sở tiềm năng lợi thế và những kết quả đạt được bước đầu, phát triển du lịch trên địa bàn huyện Hương Khê nói chung và du lịch cộng đồng tại bản Phú Lâm, thôn Phú Lâm, xã Phú Gia còn nhiều việc phải làm như. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng g, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, bản Phú Lâm nằm ở Phía Tây Nam, giáp biên giới Việt - Lào, cách Thị trấn huyện 20km nhưng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Điều kiện kinh tế của người dân ở bản còn có những khó khăn nhất định nên việc tự đầu tư về cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường. Trình độ, kỹ năng còn hạn chế.  Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm nông thôn mới trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái tại Bản Phú Lâm sẽ nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc Thiểu số (Chứt, Lào), góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng cường đảm bảo Quốc phòng An ninh vùng biên giới, tạo một điểm nghĩ dưỡng hợp lý cho các nhà đầu tư khi đến làm việc và sinh sống ở Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc Trung Bộ, tạo tiền đề để kêu gọi đầu tư, khai thác Thác Vũ Môn (Với truyền thuyết “Cá chép hóa Rồng”).


Đền Trầm Lâm và báu vật của vua Hàm Nghi (ảnh Trọng Tùng)

“Thời gian tới, huyện Hương Khê sẽ tiếp tục xây dựng mô hình Du lịch cộng đồng tại Bản Phú Lâm xã Phú Gia được công nhận gắn với lợi thế về thiên nhiên, nông nghiệp, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái của địa phương. Đồng thời, huyện sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng cho các điểm du lịch tại Thác Khe Táy; Vực Tùng; Hang Dơi; Rào trình và tuyến đường Du lịch sinh thái, mạo hiểm khám phá Thác Vũ Môn. Phấn đấu có 6 - 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng nông thôn tại Bản Phú Lâm được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Phấn đấu xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù giữa bản Phú Lâm với 06  thôn đạt khu dân cư kiểu mẫu xã Phú Gia và các điểm du lịch ở các xã đã được hình thành. Ngoài ra, Ít nhất 80% người dân làm việc trong các cơ sở du lịch cộng đồng nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; có ít nhất 02 - 03 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Phục dựng các lễ hội truyền thống của Đồng bào Dân tộc Lào, dân Tộc Chứt; hình thành các chương trình văn nghệ đặc sắc để biểu diễn phục vụ du khách. Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; Bản Phú Lâm được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số và ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số mô hình du lịch cộng đồng tại bản Phú Lâm trên toàn quốc. Thu hút được trên 5.000 lượt khách du lịch/năm trong đó số lượng khách quốc tế tối thiểu chiếm 5% tổng số du khách. Tỷ lệ du khách ở lại lưu trú qua đêm chiếm 15% tổng số du khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch hàng năm tăng trưởng trên 10%. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút 15.000 khách du lịch đến với mô hình du cộng đồng Bản Phú Lâm. Tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 150 lao động, trong đó có 100 lao động trực tiếp và 50 lao động gián tiếp.”- Phó Chủ tịch Trần Quốc Bảo nhấn mạnh.


Thác Vũ Môn được ví như hòn ngọc giữa rừng xanh - Nơi gắn liền với sự tích "Cá chép hóa rồng" thuộc xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh Đức Quyền

Bản Phú Lâm, thôn Phú Lâm: Nằm phía Tây cách trung tâm xã  Phú Gia 14km, cánh trung tâm huyện Hương Khê 20km, có vị trí địa lý tiếp giáp với nước bạn Lào; có Đồn biên phòng Phú gia đóng quân trên địa bàn, địa hình chủ yếu đồi núi trải dài trên 6km. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thôn có tổng 114 hộ dân, với 425 nhân khẩu, trong đó 60 hộ với 227 nhân khẩu dân tộc Lào sinh sống trong thôn. Được chia làm 3 cụm dân cư, cụm 1 gần đồn biên phòng Phú Gia có 50 hộ 119 nhân khẩu (trong đó có 26 hộ, 117 nhân khẩu dân tộc Lào); cụm 2 có 27 hộ, 78 nhân khẩu (trong đó 19 hộ, 42 khẩu dân tộc Lào); cụm 3 có 37 hộ, 148 nhân khẩu (trong đó 15 hộ, 68 nhân khẩu dân tộc Lào).

Dương Xuân Lộc

  • Tags: