Hà Nội: Mở rộng thị trường trong nước đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ

06/09/2024 6:06:36 CH
Share Bai :

Trong thời gian qua, cùng với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ngành Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ trong kết nối tìm kiếm thị trường…

Nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều làng nghề TCMN vẫn tồn tại và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. 

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Làng nghề, trong số 327 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, lĩnh vực xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề. Nhìn chung, các làng nghề đều tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và xuất khẩu qua các năm với doanh thu trung bình từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, nhiều làng nghề đạt trên 20 - 50 tỷ đồng/năm, một số làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp quan trọng vào ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, trước sự thay đổi của nhu cầu và cơ chế thị trường, các làng nghề truyền thống gặp không ít khó  khăn, nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây cũng là những thách thức lớn để phát triển làng nghề nói chung và ngành hàng TCMN nói riêng và một trong những giải pháp là mở rộng thị trường trong nước.

Trong thời gian qua, cùng với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ngành Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN trong kết nối tìm kiếm thị trường. Đặc biệt, các hội chợ, triển lãm do Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức, đã giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng cả kênh bán buôn và bán lẻ, giúp người dân trong nước biết đến làng nghề, biết đến các sản phẩm thủ công.

Mới đây, ngày 27/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Đây là văn bản quan trọng, làm cơ sở để các bộ ngành, trong đó có ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường hàng hóa nói chung, đặc biệt là các sản phẩm TCMN. Các hoạt động kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm TCMN sẽ góp phần từng bước mở rộng thị trường còn nhiều tiềm năng này.

Thường xuyên tổ chức hội chợ, triển lãm hàng TCMN nhằm kích cầu tiêu dùng

PV

  • Tags: