Hà Nam: Ngành Giáo dục Lý Nhân: “Quả ngọt” từ Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018

30/10/2024 3:08:35 CH
Share Bai :

Qua hơn 4 năm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã vượt qua những khó khăn, thách thức đưa ra nhiều giải pháp hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện.

Nhờ đó, giáo dục Lý Nhân có bước phát triển toàn diện, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên và đạt được mục đích mà Chương trình đã đề ra. Từ đó, góp phần chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông nhất là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Là giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Nam Cao, huyện Lý Nhân thời gian qua, cô Nguyễn Thị Hương đã nỗ lực trong thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình, đem sự nhiệt huyết và kiến thức để truyền đạt tới các em học sinh. Tuy nhiên qua quá trình giảng dạy theo chương trình GDPT mới, cũng gặp không ít khó khăn, số lượng kiến thức nhiều; các em sẽ phải tự nghiên cứu bài và thực hành bài nhiều hơn. Cô Nguyễn Thị Hương tâm sự: “Để làm quen với sách giáo khoa mới, bản thân tôi đã nghiên cứu kỹ nội dung chương trình, tổ chức các giờ dạy chuyên đề để rút kinh nghiệm. Chương trình mới có sự giảm tải về kiến thức, tăng cường các kiến thức đòi hỏi học sinh phải tư duy, sáng tạo khi tiếp thu kiến thức và giải quyết yêu cầu bài học. Để các tiết học trở nên sôi động, ngoài việc sử dụng máy chiếu, máy tính, tôi còn đưa ra nhiều ví dụ thực tiễn, triển khai các bài tập hay trò chơi tư duy giúp các em nắm vững kiến thức”.

Bà Nguyễn Thị Thu – Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

Để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8, thời gian qua Ban Giám hiệu và giáo viên Trường THCS Nam Cao, huyện Lý Nhân đã tích cực nghiên cứu, tham gia tập huấn Chương trình GDPT năm 2018 để áp dụng vào dạy học. Đối với Ban giám hiệu nhà trường: chủ động triển khai các văn bản chỉ đạo tới toàn thể giáo viên, nhân viên, học sinh; rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đánh giá sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện Chương trình, lộ trình tới toàn thể giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh. Từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ toàn xã hội.

Em Nguyễn Phúc Như Ý, học sinh lớp 7C, Trường THCS Nam Cao, huyện Lý Nhân chia sẻ: “Chương trình mới đề cao sự chủ động trong học tập của học sinh. Với những học sinh, qua kiểm tra, đánh giá, điểm thấp là do chưa tìm được phương pháp học tập phù hợp, nhiều bạn đã quen với cách học, làm bài của chương trình cũ là thụ động. Còn chương trình mới đòi hỏi học sinh phải mở rộng tìm hiểu kiến thức”.

Bên cạnh đó, nhà trường rà soát các đối tượng thuộc quản lý, giáo viên tham gia học tập các modul theo chương trình ETEP của Bộ GDĐT gắn với chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chuẩn đào tạo; tăng cường công tác bồi dưỡng tự bồi dưỡng để hoàn thành chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Triển khai cho cán bộ giáo viên tham gia lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường, liên thông các năm tiếp theo để bộ sách giáo khoa và học liệu được sử dụng nhiều năm. Nhờ đó, Trường THCS Nam Cao luôn là đơn vị dẫn đầu huyện Lý Nhân về chất lượng trí dục; thường xuyên xếp thứ nhất huyện và thứ Nhì tỉnh về chất lượng thi vào lớp 10 THPT; chất lượng học sinh giỏi luôn xếp thứ nhất huyện và xếp thứ hạng cao của tỉnh.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Đến nay, 100% giáo viên nhà trường có trình độ đại học. Cán bộ, giáo viên nhà trường luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá, luôn đi đầu trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. Kết quả năm 2023-2024, tỷ lệ học sinh có học lực đạt mức tốt khá cao, chiếm 86,36%, hạnh kiểm 100% loại tốt”.

Nhằm thực hiện Chương trình GDPT 2018, Trường Tiểu học B thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ cán bộ giáo viên phục vụ cho Chương trình. Qua hơn 4 năm thực hiện chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến rõ nét, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục đại trà và đánh giá về phẩm chất, năng lực học sinh năm sau cao hơn năm trước. Giáo dục mũi nhọn luôn dẫn đầu, vượt trội, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao.

Thầy giáo Nguyễn Trọng Cung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học B thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân chia sẻ: “Nhà trường hiện có 16 lớp, trên 400 học sinh. Trường luôn quan tâm, chú trọng nâng cao năng lực quản lý, nắm chắc nội dung chương trình, phương pháp kỹ năng dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, Ban Giám hiệu cũng như các tổ chuyên môn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với giáo viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm quá trình thực hiện chương trình. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động dạy học, sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử. Qua đó, từng bước đổi mới giáo dục toàn diện, tạo động lực cho giáo viên, học sinh hăng say trong giảng dạy cũng như học tập”.

Cô giáo Trần Thị Ánh Dương trường Tiểu học B thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân

Thực hiệnChương trình GDPT 2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Nhân đã tham mưu với UBND huyện ban hành các Kế hoạch về việc triển khai chương trình GDPT mới. Đồng thời chỉ đạo 100% các đơn vị trường xây dựng kế hoạch thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018 đảm bảo bám sát hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với điều kiện của từng trường. Rà soát, đánh giá thực trạng tham mưu cho huyện sắp xếp, bố trí sử dụng, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng nhu cầu cho chương trình. Đề xuất cơ quan chuyên môn mua sắm thiết bị phục vụ đổi mới, đồng thời đảm bảo 1 phòng học/lớp, 100% phòng học kiên cố, cao tầng.

Ngoài ra, Phòng Giáo dục còn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, chỉ đạo các trường nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Xây dựng kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương. Bên cạnh đó, Phòng hướng dẫn, chỉ đạo các trường tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định; tổ chức hiệu quả sinh hoạt chuyên môn cấp trường, tổ chức Hội thảo cấp trường về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường, Hội thảo nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới 2 lần/năm học. 

Bà Nguyễn Thị Thu – Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho biết: “Để Chương trình GDPT 2018 đi vào thực tiễn, Phòng phối hợp các cấp, ngành, cơ quan truyền thông, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chỉ đạo các trường làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền về đổi mới Chương trình; đặc biệt là Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GDĐT; kết quả triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông theo Chương trình GDPT 2018 tới Cấp ủy, Chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng từ đó tạo được sự đồng thuận, ủng hộ ngành giáo dục trong quá trình triển khai thực hiện. Phòng cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện đổi mới Chương trình của các tổ chuyên môn và giáo viên; tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp, tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện của nhà trường”.


Cô giáo Nguyễn Thị Hương, trường THCS Nam Cao

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 như sau: năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023- 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình GDPT mới, các em học sinh ở riêng bậc tiểu học và THCS đã bắt nhịp vào môi trường giáo dục mới, chủ động trong việc học; với các phương pháp dạy học linh hoạt nên các em tiếp cận kiến thức nhanh, hào hứng học tập và gần gũi với giáo viên.

Năm học 2024-2025, huyện Lý Nhân có 45 trường, trong đó: Tiểu học 23, THCS, TH&THCS 22 trường, với 757 lớp, sĩ số 27.877 học sinh. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên 1399; trong đó 94 cán bộ quản lý, 1196 Giáo viên, 109 nhân viên. 100% giáo viên của các nhà trường đều thực hiện việc điều chỉnh ngữ liệu, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, việc dạy học gắn với thực tiễn, dạy học tích hợp nội môn, liên môn và các nội dung giáo dục. Các tổ, khối trưởng và giáo viên cốt cán tăng cường dự giờ và tổ chức thực hiện các tiết chuyên đề cho giáo viên khối 1, 2, 3, 6, 7, 8  trực tiếp để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học trong trường và cụm để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, khắc phục khó khăn trong quá trình dạy học.

Thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Nhân tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chương trình GDPT mới, chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch môn học đảm bảo bám sát thực tiễn. Tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đã và đang tạo sự chuyển biến, gặt hái được những thành công mới; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn nhân lực cho địa phương và xã hội.

Bài, ảnh: CTV Đinh Khánh Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nam Cao, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

  • Tags: