Gánh hàng “xanh” giữa lòng Sài Gòn

21/11/2022 2:38:37 CH
Share Bai :

Trên những con phố chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những quang gánh, quán cóc vỉa hè hay những chiếc xe đẩy bán đồ ăn vặt. Đó không chỉ là cuộc sống mưu sinh đời thường mà nó còn là một nét văn hoá đặc trưng của người Sài Gòn bình dị và gẫn gũi

Đi dọc các tuyến đường ở Sài Gòn, ta không khó bắt gặp hình ảnh những quang gánh, quán cóc hay chiếc xe đẩy  mưu sinh giữa dòng phương tiện đông đúc. Đây là những mảnh ghép trong bức tranh đô thị đầy ắp sắc màu và âm thanh. Đồng thời, đây cũng như là một thói quen sinh hoạt đời thường mang chất riêng một nền văn hoá lâu đời của người Việt Nam giữa cái nhộn nhịp, tấp nập của phố Sài Gòn.

Những gánh hàng rong trở thành nét đặc trưng văn hoá ẩm thực Sài Gòn

Quay trở lại mấy năm về trước, những gánh hàng rong, quán cóc là vấn đề gây “đau đầu” cho chính quyền TP Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, đây chính là “cuộc chiến” về việc đòi lại vỉa hè, giành lấy không gian công cộng cho người dân và bài toán đảm bảo kế sinh nhai cho những người bán hàng rong, quán cóc nhưng vẫn phải đảm bảo các vấn đề về trật tự công cộng, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường... Không chỉ thế, chính quyền còn phải lo nghĩ đến việc bảo vệ, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, góp phần làm cho đời sống người dân thêm phong phú, thu hút thêm nhiều khách du lịch tới đây.

Chính vì thế, chính quyền địa phương đã thay đổi phương pháp duy trì hoạt động của gánh hàng rong bằng chính sách con đường “xanh”, gánh hàng “xanh”. Nói gánh hàng "xanh" là bởi giờ đây những gánh hàng rong thế này đã được chính quyền chú trọng kiểm tra, rà soát, đăng ký đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự lòng lề đường, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Nói về văn hoá hàng rong, quán cóc vỉa hè, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, những con đường tại trung tâm thành phố không chỉ là chỗ làm ăn của người giàu, người sang trọng mà nó còn là nơi dành cho những người buôn gánh bán bưng sinh nhai, không thể “đuổi” họ đi khỏi nơi kiếm kế sinh nhai. Song song đó, gánh hàng rong cũng là một nét văn hoá ẩm thực không thể thiếu tại Sài Gòn, đó không chỉ là nét đặc trưng văn hoá của địa phương là còn là nét đặc trưng văn hoá của người Việt Nam. Theo đó, thay vì “đuổi” họ đi thì TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức, chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng rong. Một khi những gánh hàng này nề nếp, chuyên nghiệp thì sẽ không còn tình trạng bát nháo, thiếu an toàn, trật tự công cộng và nó sẽ là một nét riêng mang đậm bản sắc dân tộc để thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến với TP Hồ Chí Minh.

Nếu trước đây, cuộc mưu sinh này sẽ bị phạt đuổi vì lấn chiếm vỉa hè hay bán hàng trái phép, thì giờ đây đó được xem là nét đặc trưng văn hoá cần giữ gìn, phát triển. Hiện nay, lãnh đoạ địa phương đã và đang dồn sức tuyên truyền về những quy định về việc sử dụng vỉa hè để bán hàng. Theo đó, việc bán hàng trên vỉa hè sẽ được cấp phép theo từng năm và chỉ được diễn ra trên các phố trong khu buôn bán. Người bán hàng rong cũng phải chịu các thuế phí theo quy định của thành phố, buôn bán được thực hiện theo các quy định an toàn trật tự đô thị, an toàn thực phẩm,....

Hiện nay, đối với cả khách du lịch lẫn người dân TP Hồ Chí Minh, hàng rong đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu khi tìm tới thưởng thức ẩm Sài Gòn. Những gánh hàng rong, quán cóc vỉa hè đang trở thành tâm điểm tò mò của du khách yêu thích về ẩm thực. Có thể nói rằng nguồn thu từ những gánh hàng rong cũng chính là một trong hai nguồn thu lớn của ngân sách.

Gánh hàng rong không chỉ là câu chuyện mưu sinh mà đó là cả quá trình phát triển, bắt kịp thời đại và lưu giữ truyền thống dân tộc

Chị Mộng Hà sinh năm 1979, quê ở Bến Tre. Lên Sài Gòn lập nghiệp từ khi mới 16 tuổi, chị làm thuê đủ mọi nghề từ đạp xe, bưng bê. Năm 2001, chị quyết định đi bán bắp và gắn bó với nghề này cho tới bây giờ. Thay vì “né tránh” các đội trật tự đô thị của phường quận, chị đã chủ động đi đăng ký kinh doanh, thực hiện các quy định về trật tự đô thị, vê sinh an toàn thực phẩm,… nhờ đó, chị không chỉ tiếp tục kinh doanh mà còn góp phần lan truyền thông điệp gánh hàng "xanh” của chính quyền và góp phần làm đẹp thêm hình ảnh Sài Gòn trong mắt du khách.

Điều đặc biệt, cạnh xe bắp của chị là bình nước đá miễn phí cho người đi đường. Chị Hà chia sẻ “Những ly nước tuy nhỏ nhưng tôi mong muốn nó sẽ trở thành lời động viên, điểm tựa tinh thần cho những mảnh đời mưu sinh vất vả ở Sài Gòn tấp nập này”.

Những người bán hàng rong có thể là người dân tứ xứ hoặc có thể người dân ở đây nhưng họ đều có một sợi dây kết nối với nhau đó chính là tìm kế sinh nhai bám trụ tại Sài Gòn bằng chính bàn tay, sức lực của mình. Đồng thời, họ đang dần thay đổi, chuyển mình để trở thành những gánh hàng “xanh” góp phần làm đẹp đường phố Sài Gòn và làm đẹp nét văn hoá, truyền thống đặc trưng của người Việt Nam.

Trần Phú

  • Tags: