ĐÔNG LA – HOÀI ĐỨC: SAI PHẠM KÉO DÀI? CÓ DẤU HIỆU BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ?

28/04/2021 1:38:38 CH
Share Bai :

Trong thời gian vừa qua Tạp chí Môi trường và Xã hội đã nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về tình trạng đổ chất thải san lấp đất nông nghiệp trái phép trên địa bàn xã Đông La, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Để có cái nhìn toàn cảnh sự việc cũng như nắm bắt thông tin một cách rõ ràng nhất và phản hồi tới bạn đọc, Tòa soạn Môi trường và Xã hội đã cử phóng viên (PV) nắm tình hình, quan sát sự việc và làm việc với chính quyền sở tại về nội dung theo phản ánh. Qua việc trao đổi với bà con trên địa bàn chúng tôi được biết diện tích đất nông nghiệp ven bờ sông đáy bị các đối tượng chở chất thải rắn (đất thải) đổ xuống nhằm san lấp mặt bằng. Tình trạng đổ chất thải không chỉ diễn ra vào ban đêm mà diễn ra cả ban ngày. Các đối tượng ngang nhiên sử dụng những chiếc xe ba bánh tự chế đổ chất thải kể cả khi có người dân qua lại. Trong khi sự việc diễn ra hàng ngày thì theo PV nhận thấy không có bóng dáng của các cơ quan chức năng xã Đông La đến xử lý. PV cũng đã tìm hiểu qua một số hộ dân được biết việc san lấp chưa được chuyển đổi vẫn được san lấp hàng ngày. Cũng theo người dân ở đây thì tình trạng san lấp đã diễn ra không chỉ ở xóm 4 Đồng Nhân mà ngay cả các khu lân cận xóm 4, tình trạng này diễ ra phổ biến bởi giá đất tại khu vực này đang tăng một cách đột biến từ vài trăm ngàn/ 01m2 thì nay đã lên tới vài triệu đồng/ 01m2.

Diện tích đất nông nghiệp đã bị san lấp

Để nắm rõ hơn các thông tin liên quan PV đã liên hệ với đồng chí Chủ tịch UBND xã Đông La và được đồng chí giới thiệu làm việc với đồng chí phó Chủ tịch phụ trách – ông Trịnh Đắc Chuyên. Với các nội dung yêu cầu cung cấp thông tin cho báo chí ông Chuyên Khẳng định: “Tình trạng đổ chất thải san lấp đất nông nghiệp trên địa bàn là có xảy ra. Việc san lấp này là sai quy định và trái Pháp luật. Diện tích đất nông nghiệp bị san lấp là đất của trồng lúa đã bị bỏ hoang của nhân dân được giao đất theo Nghị định 64-CP của Chính phủ năm 1993, nhưng xã chưa chưa nắm được diện tích bị san lấp là của hộ dân nào. Xã nhận thấy việc đổ trộm chất thải có từ khoảng năm 2017- 2018 cho tới nay khi có dự án trạm bơm phía tây thành phố Hà Nội được triển khai trên địa bàn”. Ông Chuyên cũng cho hay: “Các đối tượng đổ trộm chất thải chỉ diễn ra vào ban đêm, có một số đối tượng đã bị phát hiện và đã giao cho công an huyện Hoài Đức xử lý. UBND xã thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền đến bà con nhân dân trong xã”. Về hướng xử lý với diện tích đất nông nghiệp đã bị san lấp bằng chất thải thì ông Chuyên trả lời một cách đại khái là chờ các ban ngành tham mưu còn hiện tại chưa có hướng xử lý cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông La

Từ những thông tin có được PV nhận thấy có sự đối lập giữa những khẳng định của vị lãnh đạo UBND xã Đông La và thực tế PV ghi nhận. Dù là lãnh đạo của cấp chính quyền gần gũi với đời sống của nhân dân nhất nhưng UBND xã Đông La lại không thể nắm được những hộ dân nào có diện tích đất nông nghiệp đang bị đổ chất thải trái phép trong địa bàn mình quản lý. Diện tích đất nông nghiệp san lấp ngày càng được mở rộng, trải dài qua từng ngày, từng tháng, từng năm mà xã không có lấy một biện pháp cụ thể. Trải dài qua nhiều năm những đối tượng vẫn ngang nhiên đổ đất thải lên những diện tích đất nông nghiệp đã được ông Chuyên khẳng định là đất trồng lúa bỏ hoang. Những đối tượng đổ chất thải ngay giữa ban ngày không ngừng nghỉ mà xã không hề hay biết, lãnh đạo xã còn cho rằng các đối tượng chỉ đổ chất thải vào ban đêm. Và cho tới tận khi sắp hết một nhiệm kỳ, lãnh đạo UBND xã Đông La vẫn không thể có một hướng xử lý để đảm bảo môi trường cuộc sống của người dân được rõ ràng đúng Pháp luật.   

Có hay không việc “buông lỏng” quản lý trên địa bàn? Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ những nội dung nêu trên và thông tin tới độc giả trong thời gian sớm nhất.

Còn tiếp…

 

NPV.