Điện Biên Phủ - Vùng đất lịch sử, vùng đất anh hùng

02/05/2024 9:52:38 SA
Share Bai :

Điện Biên Phủ (ĐBP) là một vùng đất giàu đẹp, có truyền thống lịch sử, văn hóa từ lâu đời. Từ xa xưa, người dân Tây Bắc đã có câu “Nhất Thanh, nhì Lộ, tam Than, tứ Tấc” là bốn cánh đồng rộng lớn nhất của Tây Bắc, trong đó Thanh tức là Mường Thanh, được xếp lên hàng đầu.


Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh

Cánh đồng ĐBP có hình lòng chảo, giống như một thung lũng lớn, có chiều dài 18km, chiều rộng từ 6-8km, nằm ở tận cùng miền Tây của đất nước, dưới những rặng núi cao hùng vĩ của biên giới Việt-Lào. Điện Biên Phủ cách thủ đô Hà Nội hơn 400km. Giữa lòng Mường Thanh còn có con sông Nậm Rốn, nước trong xanh tắm mát cho cả cánh đồng Điện Biên. Bao quanh ĐBP, bốn bề đều là núi cao, rừng rậm. Đây là một ngã tư chiến lược quan trọng, một vị trí then chốt của Thượng Lào và khu vực Tây Bắc, từ đây có thể khống chế cả một vùng rộng lớn. Chính vì vậy mà từ xưa, mỗi khi quân xâm lược từ phía Bắc đánh xuống, từ phía Tây tràn sang, chúng đều dựa vào ĐBP để xây dựng thành những khu căn cứ vững chắc để đánh chiếm ra xung quanh. Nhân dân ĐBP đã kiên cường bám trụ ở đây để chiến đấu giữ vững mảnh đất này trong suốt quá trình lịch sử. Điện Biên Phủ đã từng là chiến trường nóng bỏng, nhiều phen phơi xác quân thù. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã đặt tên vùng đất này là vùng “Tông khao”. “ Tông khao” nghĩa là “Trắng đồng”, là xương giặc rải trắng đồng. Nhân dân ở đây còn truyền tụng lại câu chuyện của 7 ông họ Hoàng yêu nước ở Bản Phủ, (Điện Biên Phủ ngày nay). Đó là những năm quân nhà Mạc tràn xuống đánh chiếm ĐBP, các ông đã vận động nhân dân tổ chức đào hào, đắp lũy, cho người về xuôi lấy gai tre lên trồng thành hàng rào dày đặc. Từ đây các ông đã lãnh đạo nhân dân nhiều phen đánh lui quân giặc ra khỏi bản Phủ, đồng thời tiếp tục mở rộng chiến lũy ra cả một vùng rộng lớn. Tên Điện Biên Phủ cũng bắt đầu ra đời từ đó. (Điện Biên Phủ tức là thủ phủ cả một vùng biên giới).

Từ buổi đầu khi thực dân Pháp đến, rồi đến phát xít Nhật sang xâm lược đất nước ta, chúng đều để ý tới ĐBP và đã nhiều lần cho quân chiếm đóng ở đây. Nhân dân ĐBP lại một lần nữa vùng lên đánh đuổi bọn giặc cướp nước, bảo vệ vững chắc quê hương. Đồng bào các dân tộc ở ĐBP không bao giờ quên được tấm gương chiến đấu hi sinh dũng cảm của Giàng A Vừ, một cố nông đi ở cho Thống quán đã không chịu nổi cảnh áp bức bóc lột của Thực dân, Phong kiến đã đứng lên vận động, tập hợp nhân dân nổi dậy đánh Pháp, diệt bọn phản động trong suốt hàng chục năm trời. Quân Pháp đã phải huy động hàng ngàn quân mới dập tắt được.

Cách mạng tháng 8 thành công, nước nhà được độc lập, nhưng người dân Điện Biên vẫn nằm trong nanh vuốt của kẻ địch. Nhân dân Điện Biên đã cùng nhân dân cả nước kiên cường chiến đấu cho đến ngày thắng lợi. Trong quãng thời gian từ cuối năm 1953 đến giữa năm 1954, nhân dân Điện Biên đã phải chịu đựng biết bao khó khăn, gian khổ, sát cánh chiến đấu cùng bộ đội và tạo mọi điều kiện cho các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Điện Biên.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên phủ đã kết thúc thắng lợi, đưa cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn, chấm dứt bao nhiêu năm áp bức đau khổ của nhân dân ta. Thắng lợi đó có sự góp phần to lớn của các dân tộc anh em trên vùng đất lịch sử ĐBP anh hùng, trong đó có sự đóng góp đáng kể của quân dân Hà Tĩnh.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hà Tĩnh cùng với Thanh hóa và Nghệ An hợp thành hậu phương Thanh-Nghệ-Tĩnh, trong đó Hà Tĩnh là tuyến đầu đầu, là hậu phương trực tiếp chi viện sức người, sức của cho chiến trường Quảng Trị và Trung Hạ Lào là chủ yếu. Sau chiến thắng Trung Lào, cùng với nhân dân cả nước, quân dân Hà Tĩnh tiếp tục triển khai hàng loạt các công tác chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng”. Đúng ngày mồng một tết Nguyên đán năm 1954, gần 2 vận dân công, tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật ngành cơ khí, quân giới Hà Tĩnh đã nô nức lên đường ra mặt trận cùng 780 xe đạp thồ, 60 chiếc thuyền và nhiều phương tiện, dụng cụ khác. Có gia đình cả cha, con, dâu rể cùng ra tiền tuyến, nhiều thanh niên chưa đến tuổi tòng quân đã hăng hái tình nguyện gia nhập quân đội. Nhiều cụ già trên 60 tuổi và các chị phụ nữ cũng đăng ký xung phong ra mặt trận.

Những ngày đầu xuân 1954, trên khắp mọi nẻo đường quê hương Hà Tĩnh, đâu đâu cũng thấy băng cờ khẩu hiệu. Tất cả mọi tầng lớp nhân dân từ già, trẻ, gái trai đều hướng về Điện Biên Phủ. Những người ra mặt trận chiến đấu, phục vụ chiến đấu hứa hẹn lập công. Những người ở lại vừa động viên người ra đi, vừa ra sức thi đua sản xuất để cung cấp thật nhiều cho tiền tuyến. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhân dân Hà Tĩnh đã đóng góp trên 1000 tấn thóc, 200 kg thuốc lào, 2.500 chiếc khăn tay, 1.200 mũ lá và nhiều đồ dùng phục vụ cho sinh hoạt của chiến sĩ ngoài mặt trận. Hàng ngàn lá thư từ hậu phương là những món ăn tinh thần rất quý cũng được gửi đến tận tay các chiến sĩ Điện Biên Phủ, góp phần cổ vũ động viên và làm tăng thêm nghị lực, tinh thần cho các đơn vị chiến đấu ngoài mặt trận.  

Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Cuộc chiến đấu trên các hướng tiến công vào cứ điểm Điện Biên Phủ diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Tiểu đoàn 400 bộ đội Hà Tĩnh cùng nhiều con em Hà Tĩnh chiến đấu ở các đơn vị khác đã phát huy truyền thống anh hùng của quê hương Xô viết, liên tiếp lập công tại các trận đánh then chốt. Tiểu đoàn 400 là một trong những đơn vị đánh vây lấn tốt nhất, được bộ chỉ huy chiến dịch tặng Huân chương chiến công hạng nhất. Trong suốt thời gian chiến dịch, nhiều con em quê hương Hà Tĩnh đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, dám hi sinh vì sự thắng lợi của trận đánh, tiêu biểu có anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tạo điều kiện cho đồng đội xông lên tiêu diệt địch trong trận đánh đầu tiên vào cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954.

Trên mặt trận tiếp tế vận tải, dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong Hà Tĩnh đã sát cánh cùng với đơn vị bạn vượt đèo cao suối sâu và bom đạn ác liệt của kẻ thù hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến dịch. Thi đua với các chiến sĩ ngoài mặt trận, ở hậu phương chủ yếu là các cụ già và phụ nữ nhưng đã đoàn kết giúp nhau khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ lao động sản xuất, bảo vệ hậu phương. Với những đóng tích cực đó, quân dân Hà Tĩnh đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

                                                                                    Ths Nguyễn Trọng Thắng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh

  • Tags: