Điểm xanh Gò Vấp: Biến kênh nước đen thành công viên, khu vui chơi

18/11/2022 12:44:53 CH
Share Bai :

Một kênh nước đen, hôi thối, đầy rác, người dân “né xa”, bằng ý tưởng táo bạo, chính xác, quận Gò Vấp đã biến nơi đây thành một “điểm xanh”, một điểm đến lý tưởng cho toàn thể người dân. Hai bên con kênh, những ngôi nhà lụp xụp, lộn xộn, mấy mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ biến thành nhà lầu, sạch đẹp, hàng quán.

Từ kênh nước đen, ô nhiễm thành điểm xanh.

Hơn 10 năm trước, con kênh nằm dọc đường Phạm Huy Thông, từ đường Nguyễn Oanh chảy đến sông Vàm Thuật (gồm phường 10, phường 7, phường 17, phường 5, phường 6 – quận Gò Vấp) là nơi ô nhiễm nặng do nước thải sinh hoạt không qua xử lý chảy ra, ý thức người dân còn kém khi thường vứt rác, động vật chết xuống dòng kênh.

Mỗi lần, người dân đi qua đoạn đường Phạm Văn Thông đều phải bịt mũi, chạy thật nhanh vì mùi hôi thối; người dân sống 2 bên kênh không chịu đựng suốt nhiều năm. Nhiều người muốn đến kinh doanh, mở cửa hàng… đều “quay lưng” “né xa”. Nỗi ám ảnh bởi sự ô nhiễm khiến người dân bức xúc, chính quyền trăn trở, tìm cách cải tạo.

Mỗi chiều, các cụ già tập thể dục

Sau nhiều lần kiến nghị của UBND quận Gò Vấp, năm 2010, Sở Giao thông Vận tải TP HCM phê duyệt dự án đầu tư công trình Xây dựng hệ thống thoát nước đường Phạm Huy Thông.

Tạp chí Môi trường và Xã hội đồng hành cùng UBND TP HCM, Thành phố Thủ Đức, UBND các quận huyện cùng thực hiện chương trình "Điểm xanh Thành Phố", với mục tiêu ghi nhận những điểm xanh, những thành quả, khó khăn, thử thách trong chương trình xây dựng "Điểm Xanh Thành Phố". Song song đó ghi nhận những sự tích cực của chính quyền để biến các khu vực ô nhiễm thành nơi vui chơi, giải trí của người dân trong và ngoài địa bàn.

Với mục tiêu, cải tạo mảng xanh trên dải phân cách giữa của tuyết đường Phạm Huy Thông thành trục đường văn hóa; tạo diện tích thông thoáng, phục vụ vui chơi giải trí, thể thao, văn hóa văn nghệ cho người dân.

Xây dựng hệ thống thoát nước cấp hai hoàn chỉnh của khu vực. Nâng cấp đường giao thông nội bộ hai bên bờ rạch theo quy hoạch lộ giới nhằm tăng cường khả năng lưu thông cho tuyến đường nội bộ cũng như các đường lân cận. Nạo vét lòng rạch đoạn 2 tạo độ thông thoáng dòng chảy. Cải tạo lòng, bờ rạch là phương pháp hạn chế sự ảnh hưởng của triều cường đồng thời bảo vệ hành lang rạch không bị lấn chiếm.

Năm 2015, công trình với mức đầu tư gần 362 tỷ đồng được thực hiện. Đoạn từ Nguyễn Oanh, Phan Văn Trị đến Dương Quảng Hàm được thực hiện bằng cách đặt cống hộp kín, bên trên cống sẽ được trồng cây xanh, biến thành công viên, nơi vui chơi, giải trí. Đoạn còn lại sẽ làm kè bờ hai bên, tạo thành kênh hở, giúp không khí được lưu thông. Đường Phạm Huy Thông được mở rộng, mỗi bên 2 làn đường chạy dọc theo kênh giúp xe cộ lưu thông thuận tiện, an toàn.

Năm 2016, dự án hoàn thành, đến năm 2018 dự án tiếp tục được điều chỉnh và hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Theo quan sát, hiện nay, nơi đây có 3 đoạn, đoạn đầu (từ đường Phan Văn Trị) là khoảng trống, lát gạch, có đủ đèn chiếu sáng, có sân khấu hình tròn. Đoạn tiếp theo là 4 hàng cây xanh, rợp bóng mát, xen vào đó là những bồn hoa, cỏ. Hai con đường nhỏ lát gạch để người dân đi dạo, chạy bộ. Các loại máy tập thể dục được bố trí hợp lý. Đoạn tiếp là cống hở, hai bên có bờ kè, lan can chắc chắn, có lối đi cho người đi bộ.

Sân chơi của trẻ con

Địa điểm cho trẻ con vui chơi, già thể dục, người lớn giảm stress.

Từ một kênh ô nhiễm, đến nay, mỗi buổi sáng, mỗi chiều là nơi lý tưởng cho người dân xung quanh đến tập thể dục, hít thở bầu không khí trong lành, trẻ con mỗi ngày có sân chơi bóng đá, đá cầu.

Một cựu chiến binh 87 tuổi, ngụ phường 10 chia sẻ: “Hồi đó, ở đây ai dám đến. Nước đen ngòm, hôi thối, đầy rác. Bây giờ thành công viên. Tôi rất thích cách làm này của thành phố và quận Gò Vấp. Đây cũng là nơi đầu tiên sử dụng cống hộp để cải tạo kênh thành công viên. Mỗi chiều, tôi đi bộ thể dục 1 tiếng cho một vòng công viên”.

Chỉ vào dãy nhà hai bên đường, người cựu chiến binh tiếp lời: “Hồi đó, nhà hai bên lụp xụp lắm. Do người ta lấn nhau mà làm nhà. Giờ hai bên quy hoạch đẹp, toàn nhà lầu. Nhà nào mặt tiền cũng rộng 4 – 5m, phía trên để ở, phía dưới kinh doanh. Chứ hồi xưa, nghe nói khu này, người ta không dám ở vì quá ô nhiễm”.

Từ một con kênh ô nhiễm, Gò Vấp đã biến thành công viên, điểm đến cho người dân xung quanh

“Sân khấu hình tròn, mấy phường quanh đây thường dùng làm nơi biểu diễn văn nghệ, tổ chức lễ, Tết. Giáp Tết, khu này còn vui, sầm uất nữa. Người ta bán hoa, bán đồ trang trí, đến Tết, quận, phường tổ chức hội chợ”.

Mỗi ngày, hàng trăm người dân đến vui chơi, tập thể dục. Nhất là những người già, có nơi đi bộ an toàn, không phải trên những con đường đông đúc xe cộ. Những khu vực được bố trí máy tập thể dục thường thu hút nhiều cụ già, vừa tập vừa trò chuyện.

Như một thói quen, mỗi buổi chiều, sau giờ làm, nhiều gia đình chở con đến ngồi hóng mát, thưởng gió, ngắm người qua lại. Người trẻ, khi đi làm ngang qua thường ghé lại, ngồi suy tư, ngắm các cụ già, em nhỏ như một thú vui giải tỏa stress.

Buổi tối càng đông vui hơn với nhiều loại hình trò chơi cho trẻ con như xe điện, cầu trượt… Tiếng nói, tiếng cười rôm rả giữa phố thị bận rộn, tất bật. Hai bên đường sạch sẽ, rác được gom lại một chỗ gọn gàng chờ xe đến nhận.

Dọc hai bên đường là hàng trăm hàng quán, từ café, quán ăn, kinh doanh, mua bán… để phục vụ cho người dân đến chơi công viên.

Gió lồng lộng, không khí trong lành khiến con người ta quên đi một ngày mệt nhọc. Ông Lê Minh Vy vừa đưa vợ con đến chơi công viên nói: “Chiều nào cả nhà tôi cũng ra đây chơi. Mấy đứa nhỏ thích lắm vì có chỗ chạy nhảy, có đồ ăn. Còn vợ chồng tôi thì có chỗ hóng mát, nói chuyện. Tôi nghĩ, thành phố mình mà cải tạo toàn bộ kênh thành “điểm xanh” như chỗ này thì tốt quá”.

Công viên Văn hóa đường Phạm Huy Thông, từ một con kênh ô nhiễm, chật hẹp đã trở thành “điểm xanh” cho quận Gò Vấp nói riêng và thành phố nói chung.

Ngọc Yên

  • Tags: