Đắk Lắk: Vươn mình từ rừng ra biển, bước vào kỷ nguyên tăng trưởng mới

30/06/2025 8:41:22 CH
Share Bai :

MT&XH - Việc sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập giữa Phú Yên và Đắk Lắk góp phần đưa tỉnh Đắk Lắk (mới) bước vào giai đoạn phát triển mang tính đột phá cùng với những cơ hội rộng mở, đưa địa phương trở thành một trong những mảnh đất có tiềm năng tăng trưởng nổi bật tại khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên.

Ngày 30/6/2025 đã đi vào lịch sử khi Lễ công bố nghị quyết và các quyết định của Trung ương và địa phương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh giữa Đắk Lắk và Phú Yên chính thức diễn ra

Tổ chức hành chính mới, tinh gọn để vận hành hiệu quả

Theo Nghị quyết của Quốc hội và các quyết định của Bộ Chính trị, từ ngày 1/7/2025, tỉnh Đắk Lắk (mới) sẽ vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp: tỉnh và xã, không còn tổ chức cấp huyện. Cơ cấu hành chính được tổ chức lại thành 102 đơn vị hành chính cấp xã (88 xã, 14 phường), phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

Nhờ có biển, nông sản Đắk Lắk thuận lợi phát triển và tiến nhanh, xa hơn

Đắk Lắk, với vị trí chiến lược là trung tâm vùng Tây Nguyên, có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, du lịch, đặc biệt là văn hóa đa sắc tộc. Nay, với việc hợp nhất cùng Phú Yên - một tỉnh có bờ biển dài, tài nguyên biển phong phú và tiềm năng du lịch biển đảo vượt trội - chúng ta đã tạo nên một thể thống nhất mới, một “Đắk Lắk mở rộng” với những lợi thế tổng hợp vô cùng to lớn, diện tích 1.809,640 km2, dân số hơn 3,3 triệu người. Từ đây, Đắk Lắk không chỉ còn là “Thủ phủ cà phê” mà còn là “Điểm đến của biển và núi rừng”, với những tuyến hành lang kinh tế nối liền Tây Nguyên đại ngàn với duyên hải miền Trung đầy nắng gió.

Việc sáp nhập được đánh giá là bước đi mang tính chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức lại không gian phát triển, phân bổ lại nguồn lực, phát huy thế mạnh tổng hợp của hai tỉnh cũ.

Động lực kinh tế mới từ đa trục phát triển

Sự hợp nhất giữa một tỉnh Tây Nguyên và một tỉnh duyên hải miền Trung không chỉ là thay đổi về địa giới hành chính, mà còn mở ra cơ hội hình thành một hành lang phát triển mới – nơi kết nối giữa cao nguyên và biển.

Sự hợp nhất giữa một tỉnh Tây Nguyên và một tỉnh duyên hải miền Trung - nơi kết nối giữa cao nguyên và biển

Tỉnh Đắk Lắk (mới) sở hữu đầy đủ các yếu tố tự nhiên đặc trưng: hệ sinh thái rừng nguyên sinh, đất đỏ bazan màu mỡ, và đường bờ biển dài với nhiều vịnh, đầm phá có giá trị phát triển kinh tế biển và du lịch. Tuyến Quốc lộ 29 – huyết mạch nối Buôn Ma Thuột với cảng Vũng Rô – đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nội địa với biển, tạo thuận lợi cho thương mại, logistics và chuỗi cung ứng sản phẩm nông – lâm – thủy sản.

Việc tích hợp hạ tầng và quy hoạch vùng từ hai địa phương trước đây giúp mở rộng không gian sản xuất, đồng thời tạo động lực để hình thành các trung tâm phát triển công – nông nghiệp chế biến, khu công nghiệp ven biển và du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Cơ hội mới cho các lĩnh vực trụ cột

Với lợi thế địa lý và quy mô dân số lớn, Đắk Lắk (mới) có nhiều dư địa để phát triển các lĩnh vực kinh tế trụ cột, cụ thể như: Nông nghiệp và công nghiệp chế biến (cà phê, hồ tiêu, cao su) kết hợp với lợi thế nuôi trồng, khai thác thủy sản từ vùng biển sẽ tạo điều kiện để hình thành chuỗi giá trị chế biến sâu, nâng cao giá trị xuất khẩu. Hay du lịch sinh thái và văn hóa, khi sự giao thoa giữa không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các lễ hội ven biển miền Trung mang đến cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Với lợi thế địa lý và quy mô dân số lớn, Đắk Lắk (mới) có nhiều dư địa để phát triển các lĩnh vực kinh tế trụ cột

Thêm vào đó, trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ – logistics việc khai thác cảng biển Vũng Rô, kết hợp với sân bay Buôn Ma Thuột và hạ tầng quốc lộ liên vùng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển dịch vụ vận tải, logistics và trung tâm phân phối hàng hóa liên tỉnh. Đặc biệt, Buôn Ma Thuột tiếp tục giữ vai trò trung tâm hành chính – kinh tế của tỉnh mới, còn TP. Tuy Hòa và các đô thị vệ tinh được quy hoạch thành các cực tăng trưởng về thương mại, du lịch và công nghiệp nhẹ.

Thách thức và giải pháptrong bài toán phát triển tỉnh

Bên cạnh những cơ hội rõ rệt, Đắk Lắk (mới) cũng đứng trước những thách thức không nhỏ như: sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực giữa các vùng; nhu cầu đầu tư lớn cho hạ tầng liên kết vùng; và yêu cầu quản lý thống nhất nhưng linh hoạt.

Do đó, bài toán đặt ra cần phải có chiến lược phát triển đồng bộ, gắn với phân vùng chức năng hợp lý. Việc thu hút đầu tư tư nhân, phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, cũng như tăng cường hợp tác liên vùng sẽ là những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Tỉnh Đắk Lắk (mới) đang đứng trước cơ hội hình thành trung tâm kinh tế liên vùng, phát huy vai trò cầu nối giữa Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Với quyết tâm chính trị cao, bộ máy được kiện toàn, và định hướng phát triển rõ ràng hy vọng tỉnh Đắk Lắk sớm trở thành điểm sáng tăng trưởng mới, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2025–2030.

Minh Khang