Đắk Lắk: Thực hiện đề án phát triển Cà Phê bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

14/12/2020 8:40:51 SA
Share Bai :

MT&XH - Là tỉnh sản xuất cà phê lớn nhất của cả nước, cây cà phê không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội mà còn có ý nghĩa to lớn về văn hóa du lịch. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk, là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Ảnh: nguồn internet.

    Nhằm thúc đẩy ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Lắk phát triển theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn; quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước về ngành hàng cà phê trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhà nước. HĐND và UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị Quyết số: 24/2017/NQ-HĐND và Quyết Định số: 3540/QĐ-UBND về phát triển cà phê bền vững của tỉnh đắk lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu, cụ thể:

Về diện tích sản xuất:

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, diện tích cà phê niên vụ 2018-2019 là 203.063 ha, năng suất bình quân đạt 25,44 tạ/ha, tăng 0,89 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 478.083 tấn, tăng 18.298 tấn so với niên vụ trước.

Quan điểm của tỉnh Đắk Lắk không tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch, tập trung chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả , không đảm bảo nguồn nước sang các loại cây trồng khác, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch tái canh cà phê đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

   

Người nông dân xã Cư Pơng, huyện Krông Buk  trồng xen canh cây bơ Booth

đạt năng xuất quả cao.

Mô hình trồng xen canh trong vườn cà phê:

Các mô hình trồng xen canh cây ăn quả như: sầu riêng, bơ, hồ tiêu, điều… trong vườn cà phê tái canh hiện nay đang được các hộ dân áp dụng. Với diện tích trồng xen trong vườn cà phê là 39.077ha/ 203.063 ha cà phê chiếm 19,24%, trong đó cà phê – hồ tiêu là 19.907 ha chiếm 50,94% diện tích cây trồng xen, cà phê – sầu riêng là 3.273 ha, cà phê – bơ là 8.378 ha, cà phê - điều là 469 ha và xen với loại cây trồng khác là 7.050 ha. Trong điều kiện sản xuất như hiện nay, việc trồng xen trong vườn cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, giúp sản xuất mang tính bền vững.

Về tái canh cà phê:

Sau 05 năm thực hiện chương trình tái canh cà phê, với kết quả đạt 31.232 ha/41.587 ha kế hoạch, đạt 75,10%, trong đó niên vụ cà phê 2018-2019 thực hiện 4.324 ha/6.953 ha kế hoạch đạt 62,18%.

Nhìn chung, diện tích cà phê tái canh được quản lý tốt về giống và kỹ thuật nên năng suất bình quân đạt 27,84 tạ/ha, tăng khoảng 2,4 tạ/ha so với năng suất cà phê hiện có trên địa bàn tỉnh.

Về sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận:

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 04 loại hình cà phê chứng nhận phổ biến gồm: 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê), UTZ Certifed, RFA (Rừng nhiệt đới) và FLO (Thương mại công bằng). Đến nay tổng diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận là 45.674,44 ha, chiếm khoảng 22,49% diện tích cà phê toàn tỉnh.

Hoạt động xúc tiến thương mại:

Tổ chức Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức mỗi 2 năm 1 lần.

Tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê trong tỉnh quảng bá sản phẩm ở trong nước và nước ngoài được biết đến nhiều hơn về các sản phẩm thế mạnh của địa phương, chủ lực là cà phê Robusta.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột – Tôn vinh, quảng bá rộng rãi thương hiệu .

Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế :

Hình thức tổ chức sản xuất cà phê chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ. Hiện chỉ có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh do các Công ty thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam, các Công ty cà phê thuộc tỉnh Đăk Lắk và doanh nghiệp quản lý, còn lại gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý. Việc cải tạo, tái canh cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, chất lượng kém đang gặp khó khăn vì cần thực hiện quy trình kỹ thuật chặt chẽ, nghiêm ngặt và cần có thời gian, vốn đầu tư lớn. Tình trạng thu hái quả cà phê xanh diễn ra phổ biến, khâu chế biến còn bất cập, thiếu gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ,  một số doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn chưa quan tâm nhiều đến phát triển vùng nguyên liệu.

Công tác thu hút, mời gọi các dự án đầu tư vào sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng nhưng chưa đồng bộ. Các nhà đầu tư chủ yếu quan tâm đến chế biến thô, giá trị thấp, chưa mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương cũng như tăng thu nhập cho người nông dân.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm cà phê của tỉnh nói chung vẫn còn hạn chế, chưa có giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cà phê ra thị trường thế giới.

Việc thực hiện đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh đắk lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu. Song, so với mục tiêu và yêu cầu đặt ra của thực tiễn sản xuất vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần sự chỉ đạo, lãnh đạo đồng bộ của các cấp, ban ngành, đoàn thể và cần phải có sự nỗ lực hơn nữa của ngành hàng cà phê, để tiếp tục phát triển cà phê bền vững trong thời gian tới, nhằm tạo dựng một ngành hàng mang tính cạnh tranh cao.

 

Đức Anh – Đình Dũng

  • Tags: