Đắk Lắk: Thủ tướng Phạm Minh Chính ” Con người là trung tâm để phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững”.

01/07/2022 10:35:14 CH
Share Bai :

MTXH - Ngày 01/07/2022 Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên diễn ra tại Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh để phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững hài hòa, cần lấy con người là mục tiêu, là trung tâm, là động lực phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên

Kết quả tích cực nhưng chưa tương xứng tiềm năng phát triển

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đều khẳng định, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Kết luận 12, tình hình Tây Nguyên ổn định và có bước phát triển khá toàn diện. Với quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, công tác quản lý nhà nước, công tác dân tộc được thực hiện tốt, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; cơ bản giải quyết tình trạng "trắng" đảng viên và tổ chức đảng.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở khi Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội, lợi thế, do cơ chế chính sách còn hạn hẹp, đầu tư chưa tương xứng, tính tự lực, tự cường chưa được phát huy mạnh mẽ, thể chế chưa giải quyết được hết những vấn đề còn vướng mắc, việc tổ chức thực hiện cần phải cố gắng, hiệu quả hơn nữa.

Phải lấy con người là trung tâm, động lực để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nhìn lại chặng đường 20 năm vừa qua và xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cho toàn vùng Tây Nguyên trong giai đoạn sắp tới.

Thủ tướng đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng như : “cần nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với cả nước ở tất cả các cấp, các ngành; phát triển vùng Tây Nguyên phải tập trung và kết hợp giải quyết đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; gắn phát triển kinh tế với chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; khơi dậy niềm tự hào, biến giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, ý chí, khát vọng vươn lên, tự lực, tự cường, đoàn kết thành động lực phát triển; phải có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực phát triển, nhất là hợp tác công tư, nguồn lực xã hội và đầu tư nước ngoài”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm để phát triển xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược thì phát triển Tây Nguyên phải chú trọng phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính nếu trước đây xác định Tây Nguyên cần "ổn định để phát triển" thì đến thời điểm hiện tại cần ưu tiên cho phát triển để góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và thúc đẩy đối ngoại; thích ứng linh hoạt với mọi diễn biến của tình hình chính trị xã hội.

Yêu cầu phải bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của 5 tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung bao gồm Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt trên 4 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh. Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương.

Đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mekong và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia, ASEAN.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững hài hòa “ cần lấy con người là mục tiêu, là trung tâm, là động lực phát triển; lấy văn hóa là nền tảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hình ảnh:Thủ tướng Phạm Minh Chính  Phát biểu Tại Hội Nghị tổng kết

Công tác chuyển đổi, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số phải song hành với quá trình chuyển đổi số quốc gia. Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, mở rộng liên kết hoạt động thương mại gắn kết với thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy thương mại điện tử và logistics.

Thủ tướng gợi ý Tây Nguyên cần phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng; là điểm đến đặc sắc thu hút khách du lịch; hệ sinh thái được bảo tồn, an ninh nguồn nước được đảm bảo; an ninh chính trị ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Thủ tướng để nghị 5 tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường; phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; và tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bằng các biện pháp khác nhau.

                                                                                                                                                                         Hữu Hảo