Đắk Lắk: Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trạm trộn bê tông xung quanh Tp. Buôn Mê Thuột

05/01/2021 12:46:43 SA
Share Bai :

Phần 1: Sở Tài nguyên & Môi trường Đắk Lắk có cản trở báo chí tác nghiệp

MT&XH - Từ nhiều năm trở lại đây, do nhu cầu thị trường, hàng loạt các trạm trộn bê tông thương phẩm mọc lên tại Cụm Công nghiệp Tân An I, Phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Các trạm trộn này  hoạt động một cách rầm rộ, gây ra những lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường, xuống cấp đường xá gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường sống của người dân.

Hệ lụy tới môi trường

Trạm trộn bê tông xi măng ra đời giúp tạo ra bê tông trong thời gian ngắn nhất cho các công trình xây dựng. Trạm trộn bê tông thuộc nhóm máy sản xuất có công dụng chính để sản xuất bê tông tươi – hay còn gọi là bê tông thương phẩm từ các nguyên liệu như: Xi măng, cát, sỏi, nước và các phụ gia khác.

Tuy nhiên, những hệ lụy từ trạm trộn bê tông gây ra cho môi trường là rất lớn: Ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn, nước thải cuốn theo xi măng, các phế phụ phẩm bê tông gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước, sản xuất của người dân.

Trong quá trình hoạt động của trạm trộn bê tông, nước thải phát sinh ra từ các nguồn sau: Nước rơi vãi từ máy trộn bê tông, nước vệ sinh cối trộn, trạm trộn, đường ống và xe chở và nước tưới bê tông.

Nước thải trạm trôn bê tông thải ra ngoài môi trường từ các nguồn trên chứa nhiều chất rắn lơ lửng, xi măng, cát sỏi và pH khá cao nên việc xử lý nước thải là vô cùng quan trọng.

Một số thực nghiệm tại các trạm trộn bê tông cho thấy, bề mặt xung quanh trạm trộn, những nơi bao phủ bởi bã thải bê tông thì khi nước mưa chảy xuống, cuốn theo một lượng lớn các vật chất bụi, xỉ lơ lửng vào cống rãnh rồi thải ra môi trường. Len lỏi ngấm xuống đất, nên nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm đã là một thực tế rõ ràng.

Trạm bê tông hoạt động rầm rộ, trạm xử lý nước thải… đang điều tra

Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn cụm khu công nghiệp Tân An có 4 trạm bê tông đang hoạt động gồm: Công ty TNHH MTV Bê tông Thành Công, Công ty TNHH xây dựng Phú Xuân, Công ty TNHH sản xuất bê tông Đại Đồng và Công ty cổ phần đầu tư Khoáng sản Bắc Tây Nguyên đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động. Hoạt động của các trạm trộn bê tông không chỉ gây ô nhiễm cho người dân sống quanh cụm công nghiệp mà người dân TP. Buôn Ma Thuột cũng phải gánh chịu.

 

Công ty TNHH MTV Bê tông Thành Công và Công ty cổ phần đầu tư Khoáng sản Bắc Tây Nguyên

 Công ty TNHH sản xuất bê tông Đại Đồng

Theo quan sát của nhóm PV, phía bên trong của các trạm trộn bê tông thường có một khoảng đất trống rộng hàng nghìn mét vuông được tập kết cát, đá, xi măng và một số máy trộn cỡ lớn và nhiều máy móc khác nhau phục vụ cho việc sản xuất bê tông. Điều đáng nói là nước thải, nước rửa xe bồn không qua xử lý, mà đổ trực tiếp bã thải ra bên ngoài, đó là nguyên nhân làm cho bề mặt đường bị biến dạng, tạo nhiều vũng lầy gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Không những vậy mà lượng xe bồn, xe trở vật liệu ra vào trạm với tầng xuất lớn mà lại không được rửa bánh trước khi ra khỏi bến kéo theo lượng bùn đất đá quấn vào bánh xe khi chạy ra đường khiến khói bụi mù mịt. Lâu ngày các tuyến đường chính bị cày xới gồ ghề, tạo ra các ổ gà ổ voi to khiến việc lưu thông của các phương tiện khi tham gia giao thông gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Trạm xử lý nước thải tập trung của Cụm Công nghiệp Tân An có mức đầu tư hơn 37 tỷ đồng đang được… phục hồi điều tra và đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.

Theo quan sát, Tường bao của công trình bị nứt nẻ, bong tróc nhiều chỗ, bên trong khuôn viên của trạm trở thành bãi cỏ hoang. Nhà điều hành của công trình được thi công xong phần tường gạch nhưng chưa được tô tường, lợp mái, gắn cửa, dẫn đến cỏ dại mọc um tùm bên trong. Các bể xử lý nước thải giờ đây trở thành bể chứa nước mưa và đã xuống cấp, hư hỏng một phần. Một phần khuôn viên của dự án đã trở thành nơi tập kết chất thải của các đơn vị đang hoạt động trong CCN. Ngoài ra, nhiều đường ống dây dẫn, bồn nhựa chứa nước, đơn vị này bỏ ngoài trời, phơi mưa, nắng khiến các thiết bị hư hỏng, không sử dụng được.

Vậy, bã thải bê tông, nước thải của các trạm trộn bê tông sẽ đi đâu? Về đâu?

Bể xử lý nước thải cụm công nghiệp Tân An chưa xây dựng xong, vậy nước thải tại các công ty Bê tông sẽ đi về đâu?

Sở Tài nguyên & Môi trường Đắk Lắk kém hiểu biết Pháp luật, coi Báo chí như “trò trẻ con” hay né tránh trả lời báo chí?

Để có thông tin đa chiều, khách quan về hoạt động của các công ty bê tông tại cụm khu công nghiệp Tân An, PV đã liên hệ đặt lịch làm việc với các công ty để tiếp cận hồ sơ thế nhưng đã không nhận được sự hợp tác từ phía các công ty.

Ngày 16/12/2020, nhóm PV tiếp tục liên hệ đặt lịch làm việc tại Sở Tài nguyên & Môi trường Đắk Lắk nhằm tìm hiểu thông tin, viết bài nghiên cứu khoa học về vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số Trạm trộn bê tông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk dựa trên các số liệu quản lý của cơ quan này. 

Thế nhưng, sau khi xuất trình giấy giới thiệu và chứng minh nhân dân thì ông Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đắk Lắk  - Lê Văn Thi đã có hành vi hoạnh họe và cản trở phóng viên tác nghiệp mặc dù giấy giới thiệu ghi rất cụ thể thông tin, hoàn toàn đúng tôn chỉ mục đích và đóng dấu theo đúng quy định của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn theo quy định của Pháp luật.

Ông này còn viết ra mặt sau tờ giấy giới thiệu với nội dung TL (Thừa lệnh? –PV) Giám đốc Sở, KT (Ký thay?- PV ) Chánh Văn phòng như sau: “Sở Tài nguyên và Môi trường không có nội dung nghiên cứu khoa học về Công ty TNHH Phú Xuân gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp phản ánh của cử tri về Công ty gây ô nhiễm môi trường Sở tiến hành thanh tra kiểm tra theo quy định, tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định của Pháp luật".

Nội dung yêu cầu của quý cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk không có thông tin cung cấp !?..”

Một Cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk, có thẩm quyền cấp phép trong lĩnh vực môi trường, quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường có phát ngôn thiếu hiểu biết, coi thường cơ quan Báo chí như vậy có được coi là hành vi cản trở Báo chí tác nghiệp hay không?

Tạp chí Môi trường và Xã hội đã gửi Công văn đề nghị UBND tỉnh vào cuộc xác minh thông tin trên và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(Còn tiếp…)

Phần 2: Nghiên cứu việc Thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, quản lý hồ sơ tạo “lỗ hổng” cho các Trạm trộn bê tông tàn phá môi trường.

NPV