Cục An toàn thực phẩm thông tin về sản phẩm chưa được cấp phép quảng cáo của Công ty Cổ phần Dược phẩm REVO

20/01/2022 4:06:53 CH
Share Bai :

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) LACTOZIM của Công ty Cổ phần Dược phẩm REVO chưa được cấp phép quảng cáo nhưng vẫn ngang nhiên quảng cáo rầm rộ trên website để lừa dối cộng đồng người tiêu dùng trong xã hội. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo có thể lên đến 200.000.000 đồng.

Quảng cáo sản phẩm chưa cấp phép

Ngày 06/01/2022, Tạp chí Môi trường và Xã hội nhận được công văn trả lời số 16/ATTP – NĐTT của Cục An toàn thực phẩm về các vi phạm quảng cáo sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm REVO (sau đây gọi tắt là Công ty REVO). Theo đó, công văn trả lời nêu rõ: “Cục ATTP đã cấp Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho các sản phẩm (danh sách các sản phẩm đã đăng ký tại Cục được đính kèm công văn) theo đúng quy định”.

Điều đáng nói, kèm theo công văn là danh sách các sản phẩm đã đăng ký nhưng TPBVSK LACTOZIM lại chưa đăng ký quảng cáo sản phẩm, tức chưa được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại địa chỉ website https://www.lactozim.com hiện đang quảng cáo rầm rộ sản phẩm này với những lời giới thiệu để tăng tính thuyết phục cho sản phẩm như: “Sản phẩm được kê đơn trong viện, các bác sĩ khuyên dùng; hơn 25.659 bà mẹ đã tin dùng; LACTOZIM – sản phẩm nhập khẩu Italy duy nhất chứa đủ 9 loại enzym chuyên biệt giúp con ăn ngon, lên cân đều,…” cùng với nhiều hình ảnh, video của bác sỹ Nguyễn Duy Cương, bác sỹ Tô Quang Huy, bác sỹ Thảo, các khách hàng, dược sỹ tại nhà thuốc ở các tỉnh thành trên toàn quốc và những chia sẻ của bác sỹ Phan Bích Nga bằng việc khuyên dùng TPBVSK LACTOZIM: “TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng trẻ em của Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyên các mẹ hãy dùng LACTOZIM khi thấy trẻ biếng ăn”.

Hình ảnh và video của TS.BS Phan Bích Nga được sử dụng để quảng cáo cho TPBVSK LACTOZIM tại website https://www.lactozim.com.
Hình ảnh và video của TS.BS Phan Bích Nga được sử dụng để quảng cáo cho TPBVSK LACTOZIM tại website https://www.lactozim.com.


Hình ảnh của bác sỹ Nguyễn Duy Cương cũng được sử dụng để quảng cáo cho TPBVSK LACTOZIM tại website.


TPBVSK LACTOZIM được giới thiệu có hơn 25.659 bà mẹ đã tin dùng sản phẩm.

Đồng thời, trong công văn trả lời số 16/ATTP – NĐTT của Cục An toàn thực phẩm còn nêu rõ “Quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm từ 01 đến 06 tháng tùy hành vi vi phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm”.

“Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm” (đây là thông tin cũng được nhắc đến trong công văn trả lời số 16/ATTP – NĐTT của Cục An toàn thực phẩm).

Như vậy, việc sử dụng hình ảnh, danh nghĩa các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho TPBVSK LACTOZIM tại website https://www.lactozim.com là hoàn toàn trái với quy định của Luật An toàn thực phẩm.


TPBVSK  LACTOZIM chưa được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo nhưng lại đang quảng cáo rầm rộ tại website https://www.lactozim.com.

Chiêu trò “che mắt” người tiêu dùng

Ngoài việc quảng cáo TPBVSK LACTOZIM chưa được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo và sử dụng hình ảnh của bác sỹ, dược sỹ quảng cáo trái quy định của pháp luật thì tại website https://www.lactozim.com còn quảng cáo TPBVSK LACTOZIM với lời giới thiệu “chắc nịch” là được Bộ Y tế chứng nhận an toàn với trẻ nhỏ và có hình ảnh đi kèm để chứng minh cho sự an toàn của sản phẩm là Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được cấp ngày 26/03/2017 cho sản phẩm LACTOZIM của Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu vật tư y tế Euromed (sau đây gọi tắt là Công ty Euromed).

Điều đáng nói, dòng chữ “Định kỳ 3 năm tổ chức, cá nhân phải thực hiện lại việc đăng ký công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” ở cuối tờ Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đăng trên website  https://www.lactozim.com  đã được che lại một góc bên phải bằng hình ảnh của TPBVSK LACTOZIM. Và nếu là một người tiêu dùng bình thường thì sẽ vội lướt qua chi tiết này, tuy nhiên đây lại chính là chiêu trò “che mắt con mồi” khi sử dụng giấy xác nhận đã hết thời hạn và không còn giá trị pháp lý. Bởi giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được quy định rõ là sau 03 năm thì tổ chức/cá nhân sẽ phải thực hiện lại việc công bố sản phẩm.


Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cấp ngày 26/03/2017 được đăng trên website https://www.lactozim.comđã hết thời hạn, hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Tuy nhiên, để có thông tin khách quan hơn thì phóng viên đã truy cập vào địa chỉ website https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế để tra cứu hồ sơ công bố sản phẩm của Công ty Euromed thì kết quả hiển thị chỉ có 07 (bảy) Giấy tiếp nhận đăng kí công bố sản phẩm của 07 (bảy) sản phẩm gồm: TPBVSK Hepaplus, TPBVSK REXAL Forte, TPBVSK EUNICE SLIM, TPBVSK POSAFLEX-F, TPBVSK Promine, TPBVSK OSALTÉ-M, TPBVSK LACTOZIM.

Cần nhấn mạnh lại là kết quả tra cứu tại địa chỉ website https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế có hồ sơ là Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm của TPBVSK LACTOZIM chứ không có Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của TPBVSK LACTOZIM. Đồng nghĩa với việc, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho TPBVSK LACTOZIM đã hết thời hạn và đặt “nghi vấn” là Công ty Euromed vẫn chưa thực hiện lại việc công bố sản phẩm nên mới dẫn đến việc phải sử dụng chiêu trò “che mắt con mồi” để che lại một góc bên phải của giấy xác nhận không có giá trị pháp lý trên website https://www.lactozim.com.


Kết quả tra cứu không có Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của TPBVSK LACTOZIM chỉ có Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm cho thực phẩm bảo vệ sức khỏe LACTOZIM.

Trước việc quảng cáo sản phẩm chưa được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, bằng việc sử dụng Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm không có giá trị pháp lý trên website, sử dụng hình ảnh bác sỹ, dược sỹ trái quy định của Công ty Cổ phần Dược phẩm REVO thì Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y sẽ tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt như thế nào?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bích Phượng

  • Tags: