Cà Mau: Nâng cao chất lượng Tôm- Lúa để phát triển bền vững

17/05/2021 11:56:42 SA
Share Bai :

Tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục nghiên cứu về mô hình sản xuất Tôm – Lúa và tập trung vào các nguyên tắc tổ chức mô hình để thí điểm về mặt kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng Tôm – Lúa.

Ngày 14/5 vừa qua, ông Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã cùng lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú và Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đi khảo sát thực tế và có những thống nhất để hợp tác phát triển sản xuất tôm – lúa trên địa bàn tại huyện Thới Bình.

Tại buổi khảo sát hạ tầng thủy lợi, trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân ở ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình về việc thí điểm quy hoạch, tổ chức lại sản xuất tôm – lúa. Đồng thời, thông tin về tầm quan trọng của việc hợp tác phát triển mô hình tôm – lúa giữa người dân và doanh nghiệp.

Buổi khảo sát thực tế của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân (áo trắng) tại ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về kết quả chuyển đổi sản xuất vùng sinh thái mặn Bắc Cà Mau định hướng đến năm 2025, hiện tại, tổng diện tích sản xuất lúa - tôm toàn tỉnh hơn 36.300 ha. Trong đó, huyện Thới Bình 18.500 ha (chiếm 50,89%), U Minh 15.350 ha (42,2%), Trần Văn Thời 2.000 (5,5%) ha, thành phố Cà Mau 500 ha. Tổng diện tích nuôi tôm hơn 101.100 ha, trong đó, nuôi tôm - lúa 35.550 ha, nuôi tôm quảng canh, quảng canh kết hợp 62.808 ha, nuôi thâm canh và siêu thâm canh 1.800 ha.

Để phát huy tối đa về hiệu quả sản xuất tôm - lúa, trước mắt, UBND tỉnh thống nhất chủ trương thí điểm mô hình hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất tôm - lúa tại huyện Thới Bình với diện tích gần 75 ha với có 35 hộ tham gia. Nếu mô hình mang lại hiệu quả tốt UBND tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng ở các huyện khác trong tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân (áo trắng) trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình về phát triển mô hình sản xuất Tôm – Lúa.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho rằng trong quá trình thực hiện mô hình sản xuất tôm – lúa, doanh nghiệp mong muốn trong hiện trạng đất hiện tại có thể hợp tác với các hộ dân để giúp người dân đạt được lợi nhuận tốt hơn, trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, khi mô hình tôm – lúa được triển khai thực hiện, công ty sẽ góp kinh phí cùng tỉnh để tiến hành quy hoạch. Qua đó, nhằm góp phần tối đa hóa lợi nhuận, tối đa hóa nguồn thu tốt nhất đối với con tôm, cây lúa để người dân có được thu nhập và lợi nhuận cao nhất.

Với kinh nghiệm của mình, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bày tỏ sự quyết tâm trong việc hợp tác phát triển sản xuất tôm – lúa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, mong muốn phía Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú là đơn vị chủ đạo trong xây dựng phương án triển khai mô hình, bởi giá trị của con tôm rất lớn và quan trọng, đòi hỏi đất sạch, do đó, khi điều kiện nuôi tôm đạt chuẩn thì đảm bảo sản xuất lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó, để mô hình đạt hiệu quả, công ty đề nghị cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan và ý thức trách nhiệm trong thực hiện mô hình, đòi hỏi sự thống nhất, minh bạch, cam kết thực hiện theo đúng nguyên tắc hợp tác, vì lợi ích của người dân.

Sau khi nghe ý kiến trao đổi của đại diện 02 công ty cùng đại diện các huyện, thành phố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu về mô hình sản xuất tôm – lúa và tập trung vào các nguyên tắc tổ chức mô hình để thí điểm về mặt kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng; có sự tham gia của người dân để có thể nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, cần cam kết lợi nhuận với người dân; có cơ chế đảm bảo sự minh bạch trong quá trình thực hiện mô hình. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời xác định điều kiện, năng lực cung ứng giống; cơ chế chính sách tiêu thụ đầu ra của các công ty, qua đó tiến hành phổ biến cho các địa phương, nhân dân để thỏa thuận hợp tác. Những nơi đủ điều kiện hợp tác cần triển khai xây dựng chứng nhận hỗ trợ địa phương gắn kết hợp tác giữa doanh nghiệp với người dân.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân thống nhất đối với việc đề xuất hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí để quy hoạch lại mô hình tôm – lúa trên địa bàn tỉnh của Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú. Bên cạnh đó, đồng ý với chủ trương để 02 công ty kết hợp với huyện Thới Bình và các huyện khác trong tỉnh xây dựng mô hình thí điểm hợp tác giữa doanh nghiệp, nông dân và có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong vấn đề tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp sang tăng năng suất sản lượng và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người nông dân.

UBND các huyện chủ động phối hợp với 02 công ty để đề xuất mô hình; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối điều phối, phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn, chính sách để triển khai các mô hình tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp trong tỉnh, trước hết, tập trung vào mô hình thí điểm tại xã Tân Bằng để cùng huyện Thới Bình triển khai thành công mô hình. Trong quá trình hợp tác phát triển sản xuất tôm – lúa cần đảm bảo lợi ích hài hòa, đảm bảo đất đai và việc làm cho người dân, tiến tới ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giải quyết bài toán tổng thể về thích ứng biến đổi khí hậu.

Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2025, mô hình liên kết phát triển sản xuất giữa nhà nông với với doanh nghiệp ở vùng lúa - tôm đạt khoảng đạt khoảng 40.000 ha; trong đó có 10.000 ha nuôi theo hình thức hữu cơ được chứng nhận. Đồng thời, tỉnh chú trọng phát triển nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Naturland, BAP, EU, ASC, Selva Shrimp,VietGAP...; đồng thời quan tâm hỗ trợ xúc tiến các hợp đồng liên kết doanh nghiệp với vùng nuôi theo chuỗi giá trị, hỗ trợ các điều kiện để được chứng nhận quốc tế.

Cà Mau sẽ hình thành được vùng hợp tác tư liệu sản xuất, kiểu “tích tụ ruộng đất” để tiến tới xuất hàng hoá lớn, tối ưu hoá được năng suất, chất lượng và lợi nhuận. Khi đó, nông - thuỷ sản của Cà Mau sẽ có nhiều hơn các chứng nhận quốc tế đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, như: USDA của Mỹ, EU của châu Âu và JAS của Nhật Bản... Đó cũng chính là những “tấm thẻ xanh”, giúp nông sản của Cà Mau rộng đường xuất ngoại.

 

PV Thúy Hiền