Bảo tồn đa dạng sinh vật biển – Nguy cơ tuyệt chủng từ khai thác tận diệt
Đại dương bao la tưởng chừng là nơi sinh sống an toàn của hàng triệu sinh vật biển, từ phố biến đến quý hiếm. Thế nhưng, những năm qua, khi biển dần bị ô nhiễm nhiều loài thủy hải sản cũng âm thầm biến mất khỏi trái đất.
Theo thống kê của các nhà khoa học, có khoảng từ 700.000 đến 1 triệu loài sinh vật, trong đó có đến 1/3 số loài chưa được phát hiện. Với sự đa dạng, phong phú và giàu có từ tài nguyên từ biển, từ rất sớm con người đã biết tận dụng và khai thác nguồn tài nguyên này. Đại dương cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào; cá mập, báo biển, gấu biển... cung cấp thịt, mỡ, da và lông quý cho công nghiệp; rong và tảo đủ màu sắc, là nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm và công nghiệp hoá chất… Các số liệu thống kê cho thấy, sản lượng khai thác thủy sản từ biển và đại dương toàn thế giới liên tục gia tăng, cụ thể: năm 1960: 22 triệu tấn, 1970: 40 triệu tấn, 1980: 65 triệu tấn, 1990: 80 triệu tấn, năm 2000: 94 triệu tấn, con số này duy trì ở mức trên dưới 80 triệu tấn trong những năm gần đây. Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), lượng thủy sản đánh bắt tối đa từ biển là 100 triệu tấn. Bên cạnh sinh vật biển, biển và đại dương cũng là nguồn cung cấp hóa chất và khoáng sản với trữ lượng lớn. Tổng lượng muối tan chứa trong nước biển là 48 triệu km3, trong đó có muối ăn, iốt và 60 nguyên tố hoá học khác. Các loại khoáng sản khai thác chủ yếu từ biển như dầu khí, quặng Fe, Mn, quặng sa khoáng và các loại muối. Năng lượng sạch từ biển và đại dương như năng lượng thuỷ triều (than xanh), năng lượng sóng... hiện đang được khai thác phục vụ vận tải biển, chạy máy phát điện và nhiều lợi ích khác của con người. Biển và hải đảo cũng là nơi chứa đựng tiềm năng lớn để phát triển du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, giải trí... Các bãi cát rộng, dài; các phong cảnh đẹp tạo thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch và nghỉ dưỡng.
Việt Nam là một quốc gia nằm ven Biển Đông với chỉ số biển cao gấp 6 lần chỉ số biển trung bình toàn cầu. Cụ thể, Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 100km2 đất liền/1 km bờ biển (mức trung bình trên thế giới 600 km2 đất liền/1 km bờ biển); hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền).
Hiện cả nước có đến 28 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% dân số toàn quốc. Với những đặc điểm trên, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn về tài nguyên biển.
Về nguồn lợi hải sản và tính đa dạng sinh học: trên vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Ngoài ra, còn phát hiện khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế. Năm 2015, sản lượng thủy sản khai thác của cả nước đạt trên 3 triệu tấn; trong 7 tháng đầu năm 2016, con số này đã đạt trên 1,8 triệu tấn.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia đang đứng top 4 trên thế giới về nạn ô nhiễm rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa. Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện cũng đang ở mức báo động. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/ năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, tăng lên 54 kg/năm/người vào năm 2018, trong đó 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng (Hiệp hội nhựa Việt Nam, 2019).
Không chỉ riêng tại Việt Nam mà trên toàn thế giới hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về rác thải nhựa đại dương cũng như những ảnh hưởng, tác hại của rác thải nhựa và các hạt vi nhựa đối với môi trường biển và điều đáng quan ngại là vấn đề quản lý rác thải nhựa nói chung hiện vẫn còn nhiều hạn chế.
Sự ô nhiễm biển đang diễn ra ngày một trầm trọng! Đó là khẳng định của nhiều tổ chức, chuyên gia về môi trường trong và ngoài nước, điều đáng nói ở đây là trong quá trình khai thác hải sản này, một số lượng sinh vật biển khổng lồ "không có giá trị kinh tế" cũng được kéo lên. Nhu cầu bất thường về cá của con người, cũng trực tiếp gây nguy hiểm cho nhiều loài sinh vật biển khác. Sư tử biển, hải cẩu, cá voi, cá heo và chim biển phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và thường chết đói do nguồn thức ăn của chúng bị hoạt động đánh cá của con người tàn phá. Bên cạnh việc lấy đi nguồn thức ăn của chúng, các ngư dân còn giết chết nhiều trong số các sinh vật này bởi họ cho rằng chúng là đối thủ cạnh tranh với số cá đang mỗi ngày một giảm sút trong những vùng biển bị đánh bắt quá nhiều. Đơn cử như việc Cục Ngư nghiệp Canada trợ cấp cho hoạt động giết hại các con hải cẩu non vào mùa xuân hàng năm trên các tảng băng trôi ở phía đông Canada. Tuy nhiên, các nhà sinh vật học nghiên cứu về tình hình này đã chỉ ra rằng mối đe dọa chủ yếu đối với ngành đánh bắt có nguyên nhân bắt nguồn từ chính sự tham lam vô độ của con người chứ không phải là từ những con hải cẩu. Bên cạnh hải cẩu, thì các loài chim biển cũng bị săn, bẫy và giết bởi các cơ quan chính phủ lẫn các nhóm lợi ích vì họ cho rằng chúng cạnh tranh với ngư dân và ngành công nghiệp đánh bắt. Ngành đánh bắt cá ngừ đại dương giết chết ít nhất 20.000 con cá heo mỗi năm. Lý do, cá heo thường bơi trên các đàn cá ngừ đại dương nên các công ty đánh bắt dùng chúng để tìm cá ngừ đại dương, và cuối cùng chúng cũng không tránh khỏi việc nằm gọn trong những cái lưới. Cùng với hải cẩu, cá heo, hàng chục ngàn con cá mập cũng bị giết hàng năm để lấy vây của chúng. Chúng bị kéo vào, vây bị chặt mất, còn cơ thể thì được ném trở lại nước để chết dần chết mòn, một cái chết đau đớn. Ngoài ra, thỉnh thoảng gai của cá mập cũng bị chẻ ra để lấy thứ sụn dùng trong thực phẩm chức năng nhằm hỗ trợ điều trị ung thư - thứ mà đã được chứng minh là ít có tác dụng, song những con cá mập vẫn đang phải chết dần vì nó. Một số loài khác như cá kiếm, cá mú đang tiến gần tới tuyệt chủng trong môi trường hoang dã, cùng như phần lớn các loài rùa biển đang chết chìm trong những mảnh lưới của các tàu đánh bắt thương mại.
Bên cạnh các hoạt động đánh cá thương mại đã tiêu diệt khoảng 90% số cá đại dương lớn như cá ngừ và cá kiếm, thì một hoạt động cũng gây ra tổn thất không nhỏ cho các loài cá đại dương đó là hoạt động câu cá giải trí và "thể thao". Công trình nghiên cứu gần đây cho thấy, những người câu cá đã giết chết một tỷ lệ rất lớn, với khoảng hơn 25% số cá nước mặn bị đánh bắt quá nhiều đã chết dưới bàn tay của những người đi câu. Cho dù họ câu cá để ăn hay ném trở lại biển thì hậu quả đối với những con cá này là vô cùng to lớn. Những ước tính về tỷ lệ của cá bị "bắt và thả" từ những người câu cá biến đổi tùy thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau, bao gồm bộ loài, độ tuổi của cá, độ sâu mà chúng bị bắt, mức nghiêm trọng mà chúng bị lưỡi câu móc vào, thời gian người câu cầm nắm chúng và mức độ kiệt sức của chúng sau cuộc vật lộn sinh tử với người câu cá. Theo một công trình nghiên cứu về cá hồi Coho, tỷ lệ tổn thương đối với loài cá này như sau: "20 - 30% chết do phải chịu đựng quá sức, tỷ lệ cá bắt - thả bị chết không lâu sau khi được đưa trở lại nước là 5 - 10%, các trường hợp còn lại là khoảng 50% và thậm chí lên tới 100%"
Như vậy, có thể thấy mức độ tàn phá và hủy diệt đối với các loài sinh vật biển do khai thác của con người là vô cùng nghiêm trọng. Trong khi số lượng các loài động vật hoang dã trên cạn bị giết hại hằng năm đầu được theo dõi và báo cáo theo số lượng cụ thể, thì đối với "hải sản", người ta chỉ có thể báo cáo bằng con số hàng tấn. Một vấn đề đặt ra ở đây là, với việc khai thác kiệt quệ nguồn hải sản ở các đại dương, nhất là việc hủy diệt các loài cá khỏi các nguồn nước là chúng ta đang hủy diệt cả hệ thống làm sạch nước trên trái đất.
Có thể thấy, trải qua hàng triệu năm tài nguyên sinh vật biển vẫn là nguồn cung chủ yếu cho con người. Không những cung cấp nguồn thức ăn cho các loài sinh vật khác mà còn là nguồn cung chủ yếu cho con người. Ngoài ra tài nguyên sinh vật biển mà còn là tạo điều kiện để điều để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như nuôi trồng thủy, hải sản và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Thanh Vân
Tin nóng
- Xã Phạm Văn Hai: Tuyến đường xanh Trần Văn Giàu sẵn sàng phục vụ Đại lễ Phật đản Vesak Liên hiệp quốc 2025
20/04/2025 11:39:13 CH
- Gần 5 tấn rác được thu gom tại Bãi Vòng trong sự kiện “Hãy Làm Sạch Biển” 2025
20/04/2025 10:22:50 CH
- Xã Phạm Văn Hai nỗ lực xây dựng con đường xanh chào đón ngày lễ lớn của đất nước
20/04/2025 10:03:02 CH
- Bình Tân: Người dân kỳ vọng nâng cấp đường để tránh ngập
05/04/2025 10:54:05 SA
- Masan High-Tech Materials ghi danh trong Bảng xếp hạng “Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024”
10/01/2025 10:32:24 SA