Đắk Nông: Môi trường, hệ sinh thái và con người đang oằn mình gánh chịu hệ lụy từ công trình thủy điện Chư Pông Krông

14/06/2023 6:58:59 CH
Share Bai :

Nhiều điểm sạt lở đất với quy mô lớn đang xảy ra dọc hai bên bờ sông Krông Nô đoạn thuộc khu vực xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đang diễn ra ngày một nghiêm trọng do tình trạng khai thác cát. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất, nguyên nhân chính khác còn do hoạt động của công trình thủy điện Chư Pông Krông.

Nhà máy thủy điện Chư Pông Krông– Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng sạt lở đất dọc hai bên sông Krông Nô

Công trình thủy điện tàn phá hệ sinh thái

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, việc sạt lở đất xảy ra do nhiều nguyên nhân cộng hưởng, trong đó có hai nguyên nhân chính là khai thác cát và hoạt động của nhà máy thủy điện Chư Pông Krông.

Theo người dân, việc khai thác cát quá mức ở đoạn sông ngắn, cùng với hoạt động của thủy điện Chư Pông Krông dẫn đến tình trạng sạt lở đất ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mặc dù, hiện trạng thực tế của khu vực nơi đây gần như trở thành một vấn nạn lớn và người dân cũng đã nhiều lần phản ánh về vấn đề này đến cơ quan chính quyền nhưng tình trạng không được khắc phục mà còn nghiêm trọng hơn.

Cụ thể, ngày 13/06/2023 PV làm việc với ông Đỗ Thanh Hùng - Chủ tịnh UBND xã Quảng Phú cho biết, từ khi nhà máy thủy điện Chư Pông Krông tổ chức ngăn dòng thì hạ lưu bị cắt luôn nguồn nước, không có nước để người dân tưới tiêu, thượng lưu thì ngập úng nghiêm trọng tàn phá cây cối, sinh vật cảnh hai bên bờ sông.

Thượng lưu hệ sinh thái bị tàn phá, cây cổ thụ chết đứng

Môi trường, hệ sinh thái dọc hai bên bờ sông Krông Nô bị tàn phá nặng nề khi hàng trăm cây cổ thụ bị chết đứng, lũy tre nằm la liệt dưới dòng nước nơi trú ngụ của nhiều loài chim, động vật tan thành mây khói giờ chỉ còn trong kí ức, đất canh tác sản xuất của người dân trôi chảy theo sông. 

Chưa kể, với tình trạng lấy đất lâm nghiệp, phá rừng để làm thủy điện đã gây ảnh hưởng lớn tới tính đa dạng sinh học của rừng, số lượng các loài động, thực vật bị suy giảm, suy thoái môi trường, diện tích rừng mất đi không còn khả năng phục hồi,... điều này "góp phần" không nhỏ vào việc biến đổi khí hậu.

Công trình thủy điện Chư Pông Krông được khởi công đầu năm 2018, công suất 8MW, do Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc (Công ty Hưng Phúc) làm chủ đầu tư. Ngay từ khi dự án nhà máy thủy điện này nằm trên giấy đến lúc hoàn thành và đi vào hoạt động đã bộc lộ nhiều bất cập, vấn đề.

Môi trường và hệ sinh thái dọc hai bên bờ sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Cụ thể, mặc dù Chính phủ quy định không chuyển đổi đất rừng, đất lâm nghiệp sang mục đích khác, ngoại trừ an ninh quốc phòng nhưng tháng 2/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp) đề nghị chuyển đổi 5,41 ha đất rừng đặc dụng để làm thủy điện Chư Pông Krông. Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tạm dừng việc chuyển đổi đất rừng đặc dụng, giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, đến ngày tháng 4/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp xem xét có ý kiến đồng thuận chuyển giao số diện tích này cho UBND huyện Lắk quản lý để có cơ sở lập thủ tục chuyển sang đất phi nông nghiệp và cho Công ty Hưng Phúc thuê làm thủy điện. Và cuối năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định cho Công ty Hưng Phúc thuê hơn 5 ha đất lâm nghiệp thuộc rừng đặc dụng để làm thủy điện.

Thêm vào đó, trong quá trình xây dựng công trình thủy điện Chư Pông Krông đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân địa phương như: thiếu nước canh tác sản xuất, thiệt hại mùa màng, nứt nhà dân.

Vậy nên, trước khi nhà máy thủy điện Chư Pông Krông hoạt động, các cơ quan chức năng có đánh giá được hệ lụy phải đánh đổi môi trường để lấy kinh tế hay không? Liệu đang có “mất nhiều hơn được”?. Nhưng biết chắc chắn rằng, sự đánh đổi này không biết đến bao giờ mới có thể khôi phục lại hệ sinh thái cho những khu vực này và trả lại cuộc sống bình yên cho người dân sinh sống xung quanh nơi đây.

 Hạ lưu giữa mùa mưa nhưng sông Krông Nô lại rơi vào tình trạng cạn trơ đáy

Được một mất mười

Thủy điện là một trong những ngành đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng, tuy nhiên qua hiện trạng thực tế đang diễn ra tại sông Krông Nô gây ra bởi “tác nhân” thủy điện Chư Pông Krông có thể thấy chúng ta đang được một nhưng mất rất nhiều.

Người dân địa phương sinh sống nơi đây đang phải từng ngày gánh chịu hậu quả của tình trạng này và sẽ chưa có điểm dừng nếu các cơ quan chức năng tiếp tục không có sự phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ việc khai thác cát cũng như quản lý vận hành của nhà máy thủy điện Chư Pông Krông.

Biến đổi khí hậu ngày một thất thường và khắc nghiệt cộng với những hoạt động do con người tác động vào môi trường tự nhiên, nếu không biết cách cân đối hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn cho con người cùng môi trường, hệ sinh thái thì sẽ dẫn đến vô vàn hệ lụy và con người chính là “nạn nhân” đầu tiên phải hứng chịu. Nên mong các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền cần có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, mang tính lâu dài và đồng bộ từ nhiều phía để đảm bảo vừa phát triển kinh tế bền vững vừa bảo vệ môi trường và sự sống của con người.

                                                                                                   Minh Khang