Vĩnh Long tổ chức hội thảo “Nâng tầm giá trị nông sản Việt năm 2023”

12/09/2023 1:30:15 CH
Share Bai :

MTXH - Nằm trong các hoạt động “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023”, sáng 12/9, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo “Nâng tầm giá trị nông sản Việt”.

Hội thảo “Nâng tầm giá trị nông sản Việt” là sự kiện quan trọng, cần thiết để các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhà khoa học và nhà quản lý cùng trao đổi, bàn luận về xu hướng thị trường nông sản thế giới; chế biến và xuất khẩu nông sản; cách tiếp cận chuỗi giá trị; ứng dụng tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp chế biến, để mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị nông sản, hiệu quả tiêu thụ nông sản Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 

Hội thảo “Nâng tầm giá trị nông sản Việt” đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của gần 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các trường Đại học, các cơ quan, địa phương trong và ngoài tỉnh. Ban Tổ chức sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất các giải pháp cụ thể của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nhân... để nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển lên những tầm cao mới.

Đây là nhịp cầu để nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà quản lý về kinh nghiệm, tư vấn, chuyển giao công nghệ hiện đại, ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đồng thời cũng là diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quý báu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất và luận giải cơ sở khoa học của các định hướng, quan điểm, giải pháp trong nông nghiệp; từ đó tạo bước chuyển mới, góp phần nâng tầm giá trị nông sản, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nông dân.

Tham luận của PGS, TS Võ Thành Danh, Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ tại hội thảo.  

Hiện nay, nền nông nghiệp của Việt Nam nói riêng cũng như các quốc gia Đông Nam Á nói chung đang phải chịu những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và hơn hết là sự chìm sâu trong cuộc khủng hoảng mà đại dịch Covid – 19 gây ra.

Năm 2021, Việt Nam đã tiến hành một loạt các cuộc đối thoại về hệ thống lương thực trong khuôn khổ UNFSS. Là một quốc gia sản xuất lương thực luôn coi trọng “ tính minh bạch, trách nhiệm và bền vững”, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp vào việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.

Giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 8 tháng năm 2023 đạt 3,45 tỷ USD, vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 (3,16 tỷ USD) và với tốc độ tăng trưởng này có thể vượt kỷ lục 3,81 tỷ USD vào năm 2018

Lĩnh vực nông nghiệp nói chung, trong đó trái cây nhiệt đới Việt Nam đã và đang được đầu tư và phát triển mạnh trong thời gian gần đây, canh tác với kinh nghiệm lâu năm, chất lượng cao và đa dạng.

Toàn cảnh hội thảo.

Hiện nay, Việt Nam đã có dự thảo chiến lược phát triển bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Việt Nam đã cam kết với thế giới về giảm phát thải khí nhà kính, giảm khí mê tan 30% vào năm 2050. Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng không nhỏ của biến đổi khí hậu.

Được biết, nông nghiệp tại ĐBSCL hiện tại đã được hưởng lợi từ rất nhiều các ưu đãi về thuế, phí, luật, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, trong tình hình phải đối mặt với các khủng hoảng do biến đổi khí hậu, hạn, mặn, ô nhiễm môi trường, đại dịch Covid – 19 gây ra, nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và các vấn đề cần tháo gỡ. Trước thực trạng đó, nông nghiệp cần những chính sách mới hỗ trợ việc chuyển đổi để có thể chống chịu tốt hơn với các khó khăn, vượt qua các khủng hoảng nhanh hơn.

Một số đề xuất trong chính sách nhằm nâng tầm giá trị nông sản Việt được các chuyên gia đề xuất như: Chính sách tập trung ruộng đất; Chính sách hỗ trợ các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp; Chính sách bình ổn giá các vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp; Chính sách đào tạo nâng cao nhận thức cho lực lượng sản xuất; Chính sách về sử dụng nước trong lưu vực

Hữu Huyền

  • Tags: