Vĩnh Long: Sống dậy “Vương quốc du lịch đương đại”

15/11/2022 4:36:42 CH
Share Bai :

Dọc theo con sông Cổ Chiên từ hướng thành phố Vĩnh Long xuôi dòng qua huyện Long Hồ, du khách sẽ thấy được các lò gạch nằm rải rác ven bờ, người miền Tây thường gọi nơi đây là “Vương quốc đỏ” mang trong đó là bao thăng trầm theo dòng lịch sử.

Không chỉ có miệt vườn trái cây trĩu quả, những điểm du lịch sinh thái độc đáo, Vĩnh Long còn nổi tiếng với tên gọi là “Vương quốc Đỏ” nằm bên những dòng sông thơ mộng.

Từ cầu Mỹ Thuận nơi sông Tiền tách ra thành dòng Cổ Chiên đến sông Mang Thít, khi đến Kênh Thầy Cai huyện Huyện Mang Thít thì bạn đã chính thức tiến vào Thủ đô của “Vương quốc gạch gốm”.  Từng mái lò, từng hàng gạch đỏ nhìn từ xa tựa như những pháo đài rực rỡ dưới ánh nắng vàng khiến du khách ngơ như lạc vào thế giới cổ tích.

Khu lò gạch truyền thống Vĩnh Long nhìn từ trên cao.

Lung linh, thơ mộng là thế nhưng ít ai biết rằng nghề sản xuất gạch và gốm tại Vĩnh Long từng là vấn nạn ô nhiễm môi trường, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các lò gạch ngày đêm “thi nhau” nhả khói nên nhiều vườn cây ăn trái của người dân lân cận bị... “ngộp”, trồng cây mà chẳng thu hoạch được gì. Những miệng lò nhả khói ra đen kịt, tạo thành những làn mây đen lan tỏa phủ kín cả một vùng trời, người dân ở đây sống chung với... ô nhiễm.

Ngày 28/04/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số: 567 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu không nung theo lộ trình. Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu không nung kể từ ngày 15.1.2013. Các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung đến hết năm 2015, sau năm 2020 phải sử dụng 100% gạch không nung. Nghĩa là theo lộ trình này thì đến năm 2020, những lò gạch nung sẽ bị xóa sổ.

Trước nguy cơ lò gạch bị đập phá để chuyển nghề, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long xây dựng đề án “Di sản đương đại Mang Thít”. Đây là một kho báu lộ thiên giàu giá trị cần được bảo tồn bởi lịch sử của nó được kiến tạo qua hơn 100 năm để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo - làng gạch ngói Vĩnh Long. chuyển đổi công năng, quy hoạch không gian cũng như tính khả thi về các chương trình hoạt động đầu tư mang lại sức sống mới để di sản Mang Thít thực sự hội đủ các yếu tố hình – lý - khí để trở thành một điểm đến và điểm dừng mang tầm cỡ quốc tế.

Không gian cảnh quan cùng bản sắc văn hóa đậm đặc của Mang Thít vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. 

Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo mà các thế hệ trước để lại, đồng thời, giúp người dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần phát triển ngành du lịch, tạo đà phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Với lợi thế hệ thống lò gạch gốm đặc trưng. Đề án được xây dựng dựa trên ý tưởng khai thác các lò gạch truyền thống hiện có, làm nền tảng, điểm nhấn mang tính đột phá với quy mô lớn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long ông Phan Văn Giàu, cho biết: “Đề án sẽ được quy hoạch dựa trên mô hình “tái định cư tại chỗ” để bảo đảm quyền lợi cũng như sinh kế bền vững cho từng người dân. Để làm được điều này, đại diện sở khẳng định, cần có sự chung tay của nhân dân và các nhà đầu tư để hoàn thiện đề án, từ đó, xây dựng một đời sống kinh tế mới cho người dân địa phương. Chúng tôi sẽ phối hợp các ngành cam kết đồng hành cùng người dân khởi nghiệp với dự thảo, xây dựng gói hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân đồng ý giữ gìn và bảo tồn lò gạch, cùng tỉnh xây dựng và phát triển đề án “Di sản đương đại Mang Thít”.

Đi dọc dòng sông Cổ Chiên ngày nay, ven sông những lò gạch, gốm kéo dài hàng chục cây số, rực đỏ dưới ánh mặt trời, “vương quốc gạch nung” với màu thời gian khiến khách ghé qua ai cũng thích thú. Sự giao thoa văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư đa sắc tộc ở địa phương. Tất cả hòa thành sản phẩm du lịch độc đáo, hiếm có của tỉnh Vĩnh Long.

Làng nghề, lò gạch Mang Thít Vĩnh Long có tuổi đời hàng trăm năm.

Xưa kia, khi nghề làm gạch thủ công truyền thống những khi vào mùa, tất cả các lò nhả khói trắng ngút trời. Thì ngày nay đã chuyển hóa thành nghành công nghiệp không khói rẩt độc đáo với những lò gạch nằm san sát nhau, nhìn từ xa giống như hàng trăm tòa lâu đài nhỏ. Làng nghề truyền thống sôi động nơi đây nay trở thành một địa điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn, quyến rũ du khách trong và ngoài nước.

Từ một quá khứ ô nhiễm nay biến thành một môi trường du lịch xanh ngoạn mục. Chính việc làm “sống dậy” những lò gạch cũ rêu phong có tuổi đời hàng trăm năm phục vụ du lịch sẽ tạo sự phát triển cho vương quốc gạch gốm Mang Thít trở lại một thời hưng thịnh.

Trần Phú

  • Tags: