Viện Nghiên cứu & Bảo tồn Văn hóa: Định hình hướng đi mới trong cơ chế hoạt động hiện đại

21/07/2025 8:37:46 SA
Share Bai :

Ngày 19/7/2025, Viện Nghiên cứu & Bảo tồn Văn hóa tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động và đề ra phương hướng phát triển chiến lược trong giai đoạn tới. Hội nghị do Giáo sư, Tiến sĩ, Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ – Viện trưởng – chủ trì, với sự tham dự của các đại biểu khách mời, đại diện giới nghiên cứu và toàn thể thành viên Viện.


Giáo sư, Tiến sĩ, Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ – Viện trưởng – chủ trì Hội nghị
 

Khẳng định vai trò tiên phong trong bảo tồn văn hóa

Thành lập và hoạt động dưới sự chỉ đạo, bảo trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu & Bảo tồn Văn hóa đã khẳng định được vai trò là một tổ chức khoa học chuyên sâu, luôn bám sát tôn chỉ, mục đích để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên khắp các vùng miền.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Hồ Trọng Ngũ – Viện trưởng – nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, Viện đã xây dựng được đội ngũ nhân sự tâm huyết, thực hiện hiệu quả các chương trình hành động thiết thực, chủ động phối hợp với các địa phương, tổ chức khoa học, trường học và dòng họ trong cả nước để khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Viện đã tổ chức hàng loạt đoàn khảo sát tại các địa phương như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An…, đánh giá thực trạng các di tích lịch sử - văn hóa và đề xuất các phương án bảo tồn phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Tổ chức thành công nhiều sự kiện mang dấu ấn học thuật

Nhiều hoạt động khoa học nổi bật được tổ chức trong nhiệm kỳ qua đã tạo tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu và xã hội, tiêu biểu: Hội thảo toàn quốc “Họ Hồ Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc” quy tụ hơn 90 nhà nghiên cứu, học giả, nhà hoạt động văn hóa, đại diện các dòng họ và quản lý văn hóa đến từ hàng chục tỉnh, thành trong cả nước; Hội nghị khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Đền Chợ Củi”, được phối hợp tổ chức bài bản, đã đóng góp quan trọng trong việc định hướng phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững của địa phương, đồng thời tạo ra nguồn tư liệu khoa học có giá trị; Lễ hội “Hội ngộ Thành Sen – Các ông đồ Đất Việt” với sự tham gia của gần 300 đại biểu là các nhà thư pháp, nhà giáo, nhà nghiên cứu Hán Nôm đến từ khắp mọi miền đất nước.

Sự kiện này không chỉ tạo dấu ấn sâu rộng trong giới học thuật và văn hóa nghệ thuật, mà còn đặt nền móng cho sự hình thành Trung tâm Thư pháp Việt Nam – một mô hình tổ chức hoạt động thư pháp mang tính hệ thống và quốc gia đầu tiên tại Việt Nam; đồng thời mở đường cho việc xây dựng Lễ hội Ông Đồ tại Thành Sen, Hà Tĩnh.

Góp phần bảo tồn di sản, kết nối cộng đồng

Trong quá trình hoạt động, Viện đã tích cực hỗ trợ các địa phương khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa như: Khu tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp tại Cẩm Nhượng, Khu nhà cổ Hàm Sơn (xã Sơn Hàm) – di tích gắn với dòng họ Hồ tại Hà Tĩnh, Đền Voi Quỳ – nơi thờ Tiến sĩ Hồ Khước, người Hà Tĩnh thi đỗ Tiến sĩ dưới triều Bắc Tống năm 983, từng phụng sự ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, và Lý.

Viện cũng đóng vai trò kết nối các nguồn lực xã hội để phục dựng các di tích quan trọng. Đáng chú ý, Viện đã phối hợp với địa phương xã Đỉnh Bàn và Tập đoàn Đèo Cả triển khai Dự án phục dựng Đền thờ Đức Thánh Hồ Khước, hiện đã hoàn tất giai đoạn 1.

Song song với hoạt động chuyên môn, các thành viên Viện còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, cứu trợ đồng bào vùng thiên tai, bão lũ, dịch bệnh tại các huyện, thị trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh như Thạch Hà, Hương Sơn, Can Lộc, Nghi Xuân, Nam Đàn (Nghệ An), Thị xã Hoàng Mai…

Chuyển mình theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình hoạt động, thẳng thắn nêu ra những khó khăn, đồng thời thống nhất định hướng phát triển của Viện trong giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi cơ chế hoạt động phù hợp với hệ thống tổ chức của Nhà nước và chính quyền địa phương, đảm bảo hiệu quả và tính bền vững. Viện cũng xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số trong công tác nghiên cứu, lưu trữ và phổ biến giá trị di sản văn hóa, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 57 và các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa và KH&CN.

Kết thúc hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Trọng Ngũ thay mặt lãnh đạo Viện gửi lời tri ân sâu sắc đến các cấp chính quyền, các tổ chức, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hóa đã luôn đồng hành, hỗ trợ Viện hoàn thành sứ mệnh gìn giữ và lan tỏa giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Quang Sáng – Xuân Lộc

  • Tags: