Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn – Làng Đảo kêu gọi người dân và du khách “Tôi cười cùng voi, tôi ngừng cưỡi voi”

03/03/2023 8:30:21 CH
Share Bai :

Từ ngày 1/3, Trung tâm Du lịch (TTDL) Cầu treo Buôn Đôn – Làng Đảo thực hiện triển khai chiến dịch truyền thông nội bộ và du lịch “Tôi cười cùng voi, tôi ngừng cưỡi voi”.

Trước đó, 10/02/2023 người dân địa phương huyện Buôn Đôn cùng với TTDL Cầu treo Buôn Đôn đã ngừng hẳn dịch vụ cưỡi voi, hướng đến hoạt động du lịch “Voi thân thiện” với du khách. Từ đó đến nay, TTDL Cầu treo Buôn Đôn đang là đơn vị tiên phong và duy nhất của tỉnh Đắk Lắk thực hiện ngưng hoạt động này.

Việc ngừng dịch vụ cưỡi voi là hợp với xu thế du lịch nhân văn, giúp voi Đắk Lắk có thể duy trì được sức khỏe. Điều này cực kỳ quan trọng đối với chủ trương bảo tồn đàn voi nhà của UBND tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên nhìn nhận một cách thực tế, phần đa hiện nay voi Đắk Lắk được thuần hóa và nuôi dưỡng bởi người dân địa phương. Vậy nên nếu chỉ dừng lại ở việc vận động chủ voi ngưng tham gia cung cấp dịch vụ cưỡi voi, mà không giúp các chủ voi có nguồn thu nhập khác ngoài cưỡi voi đủ để chăm sóc sức khỏe cho voi và kế sinh nhai cho gia đình thì tính khả thi của việc ngừng cưỡi voi sẽ không được lâu bền.

Từ 1/3, TTDL Cầu treo Buôn Đôn thực hiện chiến dịch truyền thông "Tôi CƯỜI cùng voi, tôi NGỪNG cưỡi voi"

Ngay từ thời điểm ngừng hoạt động dịch vụ cưỡi voi, TTDL Cầu treo Buôn Đôn đã triển khai các dịch vụ du lịch voi thân thiện như: chụp ảnh cùng voi, cho voi ăn, tắm cùng voi,... với mong muốn sớm mang lại nguồn thu nhập đủ tốt cho chủ voi, nài voi nhằm giúp họ an tâm và vững tin vào chủ trương đúng đắn này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay sau khi thông tin ngưng hoạt động cưỡi voi tại Buôn Đôn, lượng du khách du lịch đến với nơi đây đã giảm mạnh. Việc này khiến cho hoạt động du lịch voi thân thiện hiện chưa tiếp cận được đến nhiều du khách, gây ra nguy cơ mất an toàn thu nhập, làm ảnh hưởng mạnh đến đời sống của gia đình chủ voi, dẫn đến công tác chăm sóc sức khỏe cho voi Buôn Đôn không được đảm bảo.

Theo đó bà Trần Thị Kim Ánh – Giám đốc TTDL Cầu treo Buôn Đôn cho biết, việc tuyên truyền cho người dân địa phương và du khách đến với Đắk Lắk nói chung, Buôn Đôn nói riêng về “dịch vụ voi thân thiện” là cấp thiết, nhằm giúp cho chủ trương và hoạt động ngưng cưỡi voi, bảo tồn voi Buôn Đôn được duy trì lâu dài. Đồng thời, bà cũng mong rằng  lan tỏa rộng rãi thông điệp “TÔI CƯỜI CÙNG VOI, TÔI NGỪNG CƯỠI VOI” giúp voi Buôn Đôn nói riêng cũng như voi Đắk Lắk nói chung sẽ sớm không còn “bị cưỡi trên lưng”.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Dự án do tổ chức AAF – Animals Foundation (Hồng Kông, Trung Quốc) tài trợ với tổng giá trị viện trợ hơn 55 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong vòng 4 năm, từ tháng 11/2022 đến tháng 11/2026. Mục tiêu của dự án nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà qua đó duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh.

Lê Nga