Tp.Hồ Chí Minh: Sau ngày 1/10, người nào ra đường không có lý do chính đáng vẫn bị xử lý

01/10/2021 4:16:20 SA
Share Bai :

Dù TP không còn kiểm soát lưu thông bằng các chốt chạm cố định, nhưng cơ quan cảnh sát giao thông, công an, cảnh sát cơ động,... vẫn tổ chức kiểm soát lưu động, đột xuất. Nếu người nào ra đường không có lý do chính đáng vẫn bị xử lý theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tham dự livestream. 

Tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã cung cấp thông tin chính thống và giải đáp thắc mắc của người dân trực tiếp, cụ thể, chi tiết về nội dung tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn từ ngày 1-10, cũng như chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Mở đầu buổi livestream, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết lựa chọn nới lỏng hay giãn cách tiếp là nỗi băn khoăn, trăn trở và suy nghĩ rất nhiều của lãnh đạo TP.

Trước câu "mở ra rồi có đóng lại không?", Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết khó có thể nói trước được mà phục thuộc vào tình hình dịch bệnh. TP.HCM đã trải qua 4 tháng giãn cách xã hội. "Đây là cuộc chiến mà người dân và chính quyền dốc toàn lực để chống đại dịch". Vì vậy, để không xảy ra tình trạng nới lỏng một thời gian ngắn rồi phải đóng trở lại, thì từng bước mở cửa phải vững chắc, chặt chẽ, "an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn"; thành phố đi từng bước vững chắc, chặt chẽ.

Liên quan đến câu hỏi của người dân về việc lưu thông từ ngày 1/10, ông Võ Văn Hoan cho biết, người dân có thể đi lại bình thường trong phạm vi TP.HCM nhưng không được tự ý ra khỏi TP.

Khi tham gia lưu thông, người dân cần chuẩn bị mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc-xin (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động). Người dân là F0 đã khỏi bệnh cũng đủ điều kiện lưu thông. 

 "Sau ngày 30-9, TP HCM sẽ không còn kiểm soát lưu thông bằng chốt chặn cố định như trước. Song, Công an TP HCM vẫn duy trì chốt lưu động để kiểm tra, giám sát và tuần tra nhằm đảm bảo an toàn cũng như hạn chế việc ra đường không cần thiết. Nếu khi kiểm tra, người nào ra đường không có lý do chính đáng thì vẫn bị xử lý theo quy định" - ông Võ Văn Hoan khẳng định.

Ngoài ra, việc người lao động ở khu vực giáp ranh di chuyển lên TP.HCM làm việc và ngược lại, ông Võ Văn Hoan cho rằng, hiện nay TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai dù xác định là tâm điểm của dịch nhưng cũng là trung tâm sản xuất công nghiệp quan trọng của phía Nam.

Do đó, TP sẽ phối hợp với các địa phương này để tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc bình thường nhưng trên cơ sở là đã tiêm vắc xin và đăng ký đi đường (giống trên app VNEID). Chính sách này được áp dụng cho những người lao động đi bằng xe 2 bánh. Đồng thời, cũng phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tổ chức xe đưa rước công nhân để đảm bảo an toàn.

Đưa lao động trở lại làm việc 

Về việc nhiều người dân mong muốn được về quê vì không thể cầm cự được nữa thì có được không? Ông Võ Văn Hoan nhìn nhận đây là tâm trọng phổ biến của những người dân xa nhà một thời gian dài và lãnh đạo TP chia sẻ với bà con.

“Nói không cho về không được, nhưng phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng và phối hợp với các địa phương” – ông Võ Văn Hoan cho hay. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, trường hợp người dân về dù đã tiêm hay chưa tiêm vaccine thì cũng có thể gây ra dịch bệnh ở gia đình, địa phương; dẫn đến nguy cơ gây ra quá tải cho ngành y tế địa phương, điều trị bệnh sẽ khó khăn.

Hơn nữa, TP HCM đang rất cần người lao động khi dần "mở cửa" nên rất khuyến khích người dân ở lại. Ở lại, tham gia làm việc sẽ giúp người dân có thu nhập, rồi đến Tết về cũng thuận lợi. Tuy nhiên, có những trường hợp nên xem xét, hỗ trợ để được về quê như người già lên thăm con, trẻ em đến TP HCM nghỉ hè cần quê về, phụ nữ mang thai, F0 khỏi bệnh, người tiêm đủ vắc-xin… 

Theo ông Võ Văn Hoan, TP HCM sẽ kiến nghị Trung ương cho những đối tượng trên được về quê. TP HCM và các tỉnh sẽ phối hợp đưa người dân về. Ví dụ người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, F0 khỏi bệnh, người tiêm đủ liều vaccine... 

“Với những trường hợp này, nếu thật sự bức bách thì có thể xem xét giải quyết từng trường hợp. TP HCM chưa xác định được số lượng nhưng cụ thể 1-2 trường hợp bức bách thì có thể xem xét phối hợp xử lý ngay. Còn các trường hợp khác sẽ phải đăng ký, tổng hợp danh sách, phối hợp để cách ly, xem xét năng lực chịu đựng của địa phương và đưa người dân về” – ông lưu ý. 

Vừa qua TP đã có kinh nghiệm đưa khoảng 35.000 người về các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ, miền Tây.

Đối với người dân TP, người lao động đang kẹt lại ở các tỉnh thì TP sẽ tạo điều kiện cho bà con trở lại để cùng TP hồi phục kinh tế. Cụ thể, cách làm là doanh nghiệp sẽ có thông tin cho những người lao động biết tin, rồi nắm chắc danh sách, tập hợp lực lượng, xác định địa điểm. Sau đó, TP sẽ cùng doanh nghiệp đưa xe xuống đón người dân trở lại TP. Riêng những người không thuộc các doanh nghiệp thì thể sử dụng những chuyến xe buýt liên tỉnh do TP tổ chức.

Trùng Dương

  • Tags: