TP.HCM: Trưa 29/5 ghi nhận thêm 22 ca dương tính với nCoV
Trong 22 trường hợp dương tính nCoV được phát hiện vào trưa nay liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đến trưa 29/5, TP ghi nhận thêm 22 ca nghi nhiễm nCoV mới, đều liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
HCDC cho biết trong 22 trường hợp có 18 bệnh nhân đã được truy vết chuyển cách ly từ trước và 4 người có triệu chứng bệnh đến bệnh viện khai báo.
Như vậy từ ngày 27/5 đến nay, thành phố đã phát hiện 2 ổ dịch, tổng cộng 90 ca nhiễm.
Trong đó chuỗi lây nhiễm huyện liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là chuỗi lớn nhất với 85 ca bệnh. Chuỗi lây nhiễm liên quan đến ca bệnh phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ có 5 người.
HCDC yêu cầu những người liên quan đến Hội thánh này cần chủ động khai báo y tế vì nguy cơ lây nhiễm liên quan đến Hội thánh này rất cao.
Thành phố tiếp tục tiến hành điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để đánh giá nguy cơ. Các biện pháp cắt đứt nguồn lây cũng như điều tra nguồn lây của các chuỗi lây nhiễm này đang được tiếp tục triển khai.
Nguồn lây bệnh vẫn chưa phát hiện
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” do Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì vào sáng ngày 29/5 nhận định, thời gian tới có thể tiếp tục có các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đợt dịch lần này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái (chủ yếu trong khu công nghiệp, sau đó lây lan ra cộng đồng), đa chủng lây nhiễm. Virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có 1 vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng, do đó, điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Hội nghị
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TP.HCM là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt, thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận. Thành phố ghi nhận hiện đang lưu hành cả hai biến chủng siêu lây nhiễm là biến chủng Anh và biến chủng Ấn Độ.
Về nơi lây nhiễm, theo ông Phong, 55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo, 25% tại nơi làm việc, 15% trong gia đình và 5% trong quan hệ bạn bè.
Như vậy, ngoại trừ sự lây nhiễm từ sinh hoạt đặc biệt của một tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm. Đây là mối lo lớn cho trung tâm kinh tế, công nghệ như TP.HCM.
Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin
Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP.HCM cũng đã ghi nhận 2 ca bệnh làm việc trong 2 khu công nghiệp lớn là Tân Bình và Tây Bắc Củ Chi. Ngoài ra cũng không loại trừ có thể có một số người sinh hoạt ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp.
Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động.
Về giải pháp thời gian tới, ngoài thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, TP.HCM sẽ tăng cường quản lý các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo; truyền thông, vận động để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người đứng đầu và của các hội viên.
Mặt khác, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức khai báo y tế chặt chẽ, theo dõi tình trạng sức khỏe của người lao động; tìm hiểu nguyên nhân người lao động nghỉ làm, qua đó phát hiện sớm ca bệnh. Doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh việc vận hành sản xuất để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp tự xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể của chính đơn vị mình cho các tình huống dịch có thể xảy ra.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Phát huy mạnh mẽ vai trò tổ COVID-19 cộng đồng. Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, rút giấy phép những cơ sở lưu trú cho đối tượng nhập cảnh trái phép lưu trú.
Toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng tới điều trị đã được kích hoạt, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu điều tra, truy vết, xử lý dập dịch, phát huy năng lực xét nghiệm .
Thành phố chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch bệnh lan rộng gồm chín khu của quân đội và một khu của Ký túc xá Đại học Quốc gia với công suất 19.520 giường, cùng với các khu cách ly hiện hữu khi đó TP.HCM có khả năng cách ly tập trung cho 30.000 người.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết hiện người trên 18 tuổi của TP.HCM hiện là 7,2 triệu. Các nhóm đối tượng do ngân sách hỗ trợ được TP.HCM đăng ký nhận vắc xin với Bộ Y tế là 1,6 triệu người. TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính khi mua nhóm vắc xin này.
Hoàng Ngọc
Tin nóng
- Tập đoàn Nam Việt đồng hành cùng quỹ học bổng Vừ A Dính góp phần bảo vệ biển đảo quê hương
22/11/2024 10:35:29 SA
- Tô cam cùng TH 2024: Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái
21/11/2024 3:59:06 CH
- Hà Tĩnh: Trường Tiểu học Cẩm Thành phát huy truyền thống hiếu học trên quê hương Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh
20/11/2024 1:54:30 CH
- Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục”: Cơ hội khám phá phương pháp giáo dục toàn diện
20/11/2024 10:18:31 SA
- Đắk Lắk Trải qua 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển " giàu đẹp, văn minh, bản sắc"
19/11/2024 4:35:58 CH