Tiên Điền - Nghi Xuân - Hà Tĩnh: Nơi hội tụ nhiều nhân tài các dòng họ
Ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (nay là thị trấn Tiên Điền) có một dòng họ Hà Văn khá nổi tiếng về học vấn, yêu nước và cách mạng.
Nhắc đến Tiên Điền miền quê nghèo ven sông Lam nhớ đến Đại thi hào Nguyễn Du. Không riêng họ Nguyễn, mà họ Đặng, họ Trần, họ Võ, họ Hà…. cũng đã gây tiếng vang ở mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Những dòng họ ở Tiên Điền đã sản sinh nhiều người tài cao, chí lớn, không chỉ học giỏi, đỗ đạt mà còn có nhiều công nghiệp lớn. Trong số những người nổi tiếng thời hiện đại xuất thân từ Tiên Điền có Giáo sư - nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn, Giáo sư - Tiến sỹ y khoa Hà Văn Mạo, Thiếu tướng Đặng Văn Duy; nhà sử học - nhà thơ Đặng Duy Phúc, Tiến sỹ toán học Trần Quyết Thắng…
Hơn 600 năm về trước, năm 1356, tướng quân Hà Mại (1334 - 1410) một võ quan trẻ tuổi (22 tuổi), sinh ra ở đất kinh kỳ Thăng Long được triều đình nhà Trần bổ làm quan trấn ải biên giới phía nam Đại Việt, nơi luôn luôn bất an vì giặc Chiêm Thành quấy phá. Với tài nghệ quân sự, Ngài đã bảo vệ vững chắc miền biên viễn này, nhiều lần đánh cho quân Chiêm Thành đại bại. Đồng thời Ngài cũng ra sức gây dựng căn cứ để phòng chống giặc Minh đang lăm le xâm lược nước ta.
Con cháu dòng họ Hà trong ngày vinh dự đón Bằng di tích lịch sử cấp Tỉnh
Tướng quân Hà Mại đặt bản doanh ở phía nam núi Hồng Lĩnh, nay thuộc xóm Cứu Quốc, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Nhiều năm gắn bó với nơi đây, Ngài coi Nghệ Tĩnh là quê hương thứ hai và đã xây dựng gia đình với bà Lê Thị Quý Yên – con gái thứ ba của quan xã trưởng vùng này là Lê Quý Thọ và trở thành thủy tổ của giòng họ Hà Nghệ Tĩnh. Cùng với thời gian, dòng họ Hà ngày càng phát triển và tỏa đi sinh sống ở nhiều địa phương Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa,…v.v.
Trong tiến trình lịch sử dân tộc, họ Hà đã sinh thành dưỡng dục nhiều tài năng, có nhiều cống hiến xuất sắc đối với sự phát triển lịch sử dân tộc trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Con cháu tướng quân Hà Mại các đời tiếp theo, dù ở đâu cũng đều cố gắng học hành, nhiều người nổi tiếng và có công với nước như bảng nhãn Hà Tống Huân (1697-1766), tiến sĩ Hà Tông Quyền (1798-1839), cử nhân Hà Duy Phiên (1798 -1839), chí sĩ cần vương Hà Văn Mỹ, cố tổng bí thư Hà Huy Tập, nhà cách mạng Hà Huy Giáp và nhiều nhân vật có tiếng khác…v.v.
Năm 1843, hậu duệ đời thứ 12 của tướng quân là cụ tú tài Hà Văn Hanh (1814 - 1892) về lập nghiệp tại Tiên Điền, khởi nguồn của chi họ Hà Văn ở địa phương này.
An Mỹ, thuở xa xưa được gọi là làng Tiền thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nghi Xuân vốn được coi là vùng “đất học” theo cách gọi ngày nay là một “điểm” hoặc “vùng” văn hóa, nơi sinh ra những trí thức nổi tiếng như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, học giả Trần Trọng Kim…v.v.
Cụ Hà Văn Hanh sinh được ba người con trai là Hà Xuân Hoành (1853-1924), Hà Văn Mân (1863 - 1934) và Hà Văn Kỳ (1866-1953). Cả ba người đều đỗ tú tài và đó là khởi đầu nền học vấn của chi họ Hà Văn An Mỹ, mọt chi họ khoa bảng, yêu nước và cách mạng.
Thế hệ tiếp theo (đời thứ 14) vào buổi giao thời của nền cựu học và tây học đầu thế kỷ XX, tiêu biểu là Hà Văn Đại (1896 - 1964) con trai trưởng của cụ Hà Văn Kỳ. Ông đỗ cử nhân năm Ất Hợi (1915), đứng thứ 6 trong số 22 người đỗ khoa này. Năm Kỹ Mão (1915) ông đỗ phó bảng. Trước cách mạng Tháng Tám từng làm quan đến chức tỉnh trưởng Hà Tĩnh. Sau cách mạng, chế độ mới đã mời ông tham chính, kinh qua các chức vụ: chánh án tỉnh Hà Tĩnh, thẩm phán Tòa thượng thẩm Hà Nội. Những năm cuối đời, ông chuyển sang công tác nghiên cứu pháp luật của Bộ Tư Pháp. Năm 1960, khi Viện Văn Học thuộc Ủy Ban Khoa Học Nhà nước thành lập, ônng là một trong những cán bộ đầu tiên của Viện chuyên về văn học cổ, cận đại. Ông đã biên dịch, hiệu đính, chú giải nhiều tác phẩm chữ Hán từ thời Lý Trần đến đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, ông còn biên dịch cả tác phẩm nghiên cứu triết học Trung Hoa cổ đạic ủa các tác giả Trung Quốc, một loại đề tài khác hẳn, đòi hỏi người dịch phải am hiểu sâu sắc Hán ngữ cổ và hiện đại (bạch thoại) cũng như hệ tư tưởng cổ đại Trung Hoa.
Sau Hà Văn Đại, thế hệ trí thức Hà Văn Tiên Điền như một mùa hoa nở rộ, một thế hệ tri thức mới ra đời theo đà phát triển của đất nước.
Khởi đầu của thế hệ mới này là nhà báo lão thành Hà Văn Hạp bút danh Diệu Bình (1922 - 2014). Ông đỗ tú tài tây năm 1944, sớm giác ngộ cách mạng, ông tham gia làm báo Đảng từ khi báo này còn mang tên SỰ THẬT (từ 1951 đổi thành báo NHÂN DÂN). Ông là ủy viên Ban Biên Tập kiêm Trưởng ban Quốc Tế và là cây bút xuất sắc về bình luận quốc tế đặc biệt trong các thập niên 1960 - 1970 của thế kỷ trước cho đến ngày về hưu (1982).
Em trai Hà Văn Hạp là giáo sư, tiến sĩ y khoa Hà Văn Mạo (1926 - 2016). Năm 19 tuổi, ông đỗ tú tài hạng ưu hai ban triết học và toán học, sau đó thi vào trường Đại học Y Khoa và tham gia quân đội. Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động trong vùng địch hậu, làm trưởng ban quân y khu Tả ngạn. Trong kháng chiến chống Mỹ năm 1965 ông đi chiến trường “B”, được giao nhiệm vụ xây dựng và kiêm luôn làm viện trưởng viện quân y 17, bệnh viện đa khoa tuyến cuối của quân khu 5, nơi bom đạn chà sát ác liệt. Bệnh viện này được nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng.
Sau 9 năm ở chiến trường, năm 1974 ông được trở về công tác ở đơn vị cũ, viện quân y 108. Tại đây, ngoài công việc chữa trị bệnh nhân, ông còn tham gia giảng dạy ở Đại học Quân Y, và đã góp phần đào tạo nhiều tiến sĩ, thạc sĩ,…v.v. cho quân đội. Nhiều học trò của ông đã trở thành những chuyên gia giỏi về chuyên khoa gan, mật, tiêu hóa. Ông được nhà nước phong tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và được bầu làm chủ tịch Hội gan mật Việt Nam.
Giáo sư Hà Văn Mao cũng từng được mời thuyết trình và thỉnh giảng tại các trường đại học như Kagawa (Nhật Bản), Đại học Munich (Đức), Đại học Michigan (Hoa Kỳ), Trung tâm ung thư Vien (Áo)…v.v. Ngoài ra ông còn được bầu làm ủy viên các ủy ban chuyên khoa của Hội Tiêu Hóa Thế Giới OMGE, ủy viên ủy ban liên lạc quốc tế Hội Tiêu Hóa Nhật Bản, hội viên Hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ,…
Người thứ ba, ngôi sao sang của dòng họ Hà Văn An Mỹ là giáo sư sử học, nhà giáo nhân dân, giáo sư Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, viện trưởng viện Khảo Cổ Học Hà Văn Tấn (1937 - 2019).
Ngay từ nhỏ, Hà Văn Tấn được coi là một “thần đồng”. Ông học rất giỏi cả văn và toán. Trong hoàn cảnh kháng chiến và những ngày đầu hòa bình lập lại (1954) đầy gian khó, chương trình học bị rút ngắn xuống 9 năm ở bậc phổ thông và 2 năm ở đại học, Hà Văn Tấn phải nỗ lực tự học thêm để từ một cậu học sinh nông thôn thành một nhà thông thái tầm cỡ. Hoàn toàn không qua trường lớp hay người hướng dẫn nào, ông tự học thông thạo bảy thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật bản và đăch biệt chữ Phạn (Sanscrit) một thứ cổ ngữ Ấn Độ. Ông uyên thâm Hán học như một nhà túc nho khởi đầu chỉ bằng sự “học lỏm” từ ông cụ than sinh mình (cụ Hà Văn Cát). Người ta thường coi ông là một trong “tứ trụ” của ngành sử học nước nhà, nhưng thực ra phạm vi nghiên cứu và thành tựu khoa học của ông vượt ra ngoài phạm vi sử học. Đó là: sử học, khảo cổ học, phật học, triết học, ngôn ngữ học, nhân chủng học, dân tộc học, văn hóa học,…v.v.
Có thể kể ra vài công trình khoa học nổi tiếng của ông sau đây:
- Hiệu định và chú giải cuốn Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi do dịch giả Phan Huy Tiếp dịch khi ông (Hà Văn Tấn) mới 23 tuổi.
- Công bố nội dung cột kinh phật ở Hoa Lư ghi âm tiếng Phạn bằng chữ Hán sau khi đối chiếu so sánh từ 16 dị bản đã có và khôi phục nguyên bản bằng tiếng Phạn (1965).
- Cho ra đời cuốn “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13” (biết chung với Trần Thị Tâm) được coi là một tuyệt tác về sử học.
- Cuốn “Theo dấu các văn hóa cổ” được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về nghiên cứu khoa học.
- Sách “Chữ trên đá, chữ trên đồng - minh văn và lịch sử”
- Chủ biên bộ sách ba tập về khảo cổ học Việt Nam của Viện Khảo Cổ - là một công trình đồ sộ tổng quát về các thời đá và kim khí thời tiền sử và sơ sử và khảo cổ học lịch sử.
Tính đến năm 1997 đã có 230 công trình khoa học của ông được công bố. Ông đã từng được mời dự các hội nghị quốc tế về khảo cổ học, phật học và được học giả các nước đánh giá cao. Ông cũng đã được mời giảng ở một số đại học Pháp, Mỹ. Đầu năm 2001, ông được mời sang Paris để chấm bằng tiến sĩ.
Nhiều thế hệ học trò được ông dìu dắt nay đẫ trở thành những nhà khoa học có tên tuổi.
Giáo sư Hà Văn Tấn đã được nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, thế hệ trí thức họ Hà Văn An Mỹ đời thứ 15 là thế hệ trưởng thành cùng cách mạng và kháng chiến, còn có đại tá tiến sĩ y khoa Hà Văn Ngọc, đại tá tiến sỹ y khoa Hà Văn Giao, bác sĩ nhi khoa Hà Thị Tư đều là những thầy thuốc giỏi, có nhiều đóng góp cho đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và xây dựng hòa bình.
Tiếp nối các bậc cha anh, thế hệ ra đời sau cách mạng và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ và đặc biệt sau ngày thống nhất đất nước có tiến sĩ khoa xây dựng, anh hùng lao động Hà Văn Lê, tiến sĩ y học Hà Phan Hải An, tiến sĩ khoa kinh tế Hà Lê Mỹ Dung, tiến sĩ khảo cổ học Hà Văn Cần đều là những người thực sự có uy tín trong ngành chuyên môn của mình và đều được giữ những cương vị phụ trách xứng đáng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2014 họ Hà Văn An Mỹ có đến 100 người đã tốt nghiệp đại học, trong đó có 4 giáo sư, 2 phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 1 bác sĩ chuyên khoa 2, 3 bác sĩ chuyên khoa 1, 2 thầy thuốc nhân dân. Một dòng họ ở làm quê mà có được một thành tựu như vậy thực không phải là nhiều.
Nguồn gốc sâu xa của dòng “khoa bảng” họ Hà Văn An Mỹ có mối liên hệ với lòng yêu nước và cách mạng. Các bậc tiền bối, các bậc sinh thành trong dòng họ giáo dục con cháu phấn đấu học hành không lấy mục đích vinh than làm trọng. Thế hệ đầu thế kỷ 20 như cụ Hà Văn Kỳ, người có quan hệ với những nhà cách mạng “Đông du” của cụ Phan Bội Châu giúp đỡ, che chở và ủng hộ vật chất. Thế hệ tiếp theo, điển hình là cụ Hà Văn Châu tham gia cách mạng rất sớm, là thế hệ đảng viên cộng sản tiền bối từ khi Đảng mới thành lập, đã chịu tù đày, tra tấn,…Cụ đã được vinh danh lão thành cách mạng và được tặng huân chương độc lập. Cụ Hà Văn Đại là một vị quan có tiếng thanh liêm và cảm tình với cách mạng và có công giúp đỡ một số chiến sĩ cách mạng bị địch bắt. Sau cách mạng, cụ được chế độ mới trọng dụng.Các ông Hà Văn Viện, Hà Văn Lạc đều tham gia cách mạng thời tiền khởi nghĩa. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, con em họ Hà Văn An Mỹ rất nhiều người tham gia quân đội: gia đình cụ Hà Văn Dư có 5 con trai và 1 con rể, trong đó 1 người là liệt sỹ, gia đình cụ Hà Văn Định: 3 người, gia đình cụ Hà Văn Thông: 3 người, gia đình cụ Hà Văn Đại: 2 người,… và các gia đình khác.
Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Để vinh danh một dòng họ luôn gắn bó và có công với quê hương đất nước, với địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định số 2819/QĐ-UBND ngày 1/11/2023 về việc xếp hạng đi tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh với nhà thờ họ Hà An Mỹ thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân là vinh dự, tự hào của dòng họ và là một minh chứng về sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với các giá trị lịch sử và văn hóa của nước nhà.
Một số hình ảnh đẹp trong ngày đón nhận Bằng di tích lịch sử:
Sam Sam
Tin nóng
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật BHYT
14/10/2024 12:03:54 CH
- Thái Nguyên: Doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội
13/10/2024 6:20:25 SA
- Chế độ đãi ngộ tốt, Masan High-Tech Materials tiếp tục được ghi nhận là nơi làm việc tuyệt vời
10/10/2024 10:24:47 SA
- Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Tĩnh – Khát vọng vươn xa
07/10/2024 10:06:21 SA
- Hà Tĩnh: Chuẩn bị đón nhận bằng vinh danh Hải thượng Resort là điểm đến du lịch văn hoá sinh thái hàng đầu châu Á
04/10/2024 8:28:01 CH