Thực trạng và giải pháp hiện nay về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Về thực trạng: Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Tĩnh về thống kê bình quân lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 647,8 tấn, trong đó khu vực nông thôn khoảng 447,33 tấn (69%). Theo dự báo đến năm 2025, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh phát sinh khoảng 960 tấn/ngày. Toàn tỉnh hiện có 211 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải gồm: 178 HTX môi trường, 28 tổ đội vệ sinh môi trường và 05 Công ty môi trường đô thị. Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển theo 02 phương thức: Một là: Các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường thu gom trực tiếp từ hộ gia đình, vận chuyển đến điểm tập kết để xe vận chuyển đến thu gom về khu xử lý; Hai là: Các hộ gia đình đưa rác đến điểm tập kết rác tạm thời, sau đó các xe vận chuyển đến thu gom rác tại các điểm tập kết để vận chuyển về khu xử lý.
Bãi tập kết rác tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh
Theo quy hoạch toàn tỉnh có 422 điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, đến nay các địa phương đã đầu tư xây dựng được 270 điểm. Tỷ lệ thu gom trung bình của khu vực đô thị và nông thôn đạt 80% (đô thị khoảng 90%, Nông thôn khoảng 70%), trong đó một số địa phương có tỷ lệ thu gom vận chuyển cao như thành phố Hà Tĩnh (91,5%), thị xã Hồng Lĩnh (89,6%). Đối với khu vực nông thôn tỷ lệ thu gom của một số huyện: huyện Vũ Quang (40%), Hương Sơn (50,3%), Can Lộc (82,3%), Đức Thọ 45,15%, Hương Khê 40,5%.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 loại hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm các nhà máy xử lý, khu chôn lấp và lò đốt.
- Đối với nhà máy xử lý: Có 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động, gồm: Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên với công suất thiết kế là 200 tấn/ngày đêm, hiện Nhà máy đã đầu tư thêm dây chuyền công nghệ đốt công suất 72 tấn/ngày. Tổng lượng rác thu gom khoảng 140 tấn/ngày (Cẩm Xuyên 40 tấn/ngày, TP Hà Tĩnh 100 tấn/ngày); Và Nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh với công suất thiết kế là 500 tấn/ngày đêm, giai đoạn 1 đã đầu tư công suất 240 tấn/ngày đêm, hiện nay đang xử lý rác thải sinh hoạt cho thị xã Kỳ Anh (bao gồm khu kinh tế Vũng Áng) và huyện Kỳ Anh với số lượng rác thực tế khoảng 110 tấn/ngày.
Ngoài ra, có 2 nhà máy đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án gồm: Nhà máy tại xã Hồng Lộc - huyện Lộc Hà, công suất thiết kế 200 tấn/ngày đêm, trong đó giai đoạn đến 2020 là 100 tấn/ngày đêm và Nhà máy tại thị trấn Nghèn - huyện Can Lộc, công suất thiết kế 40 tấn/ngày đêm.
- Đối với các bãi chôn lấp: Hiện nay có 05 bãi chôn lấp hợp vệ sinh đang hoạt động, gồm các bãi chôn lấp thuộc: phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh; xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà; thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc; thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn; thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang.
Ngoài ra có 05 bãi chôn lấp tự phát ở các địa phương hiện đang rà soát chuyển đổi hình thức lò đốt hoặc ngừng tiếp nhận rác để xử lý tồn tại.
- Đối với lò đốt chất thải rắn: Toàn tỉnh hiện có 06 lò đốt (loại lò không sử dụng nhiên liệu) đã lắp đặt vận hành với công suất thiết kế từ 5 - 20 tấn/ngày đêm, trong đó: 2 lò ở Nghi Xuân (xã Xuân Thành, xã Cương Gián); 01 lò ở xã Phù Việt - Thạch Hà; 01 lò ở xã Thạch Bằng - Lộc Hà và 01 lò ở xã Đức Long - Đức Thọ, 01 lò ở xã Kỳ Tân - huyện Kỳ Anh.
Lò đốt rác tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân
Lò đốt rác tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân
Để đáp ứng nhu cầu bức xúc về xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh tại các địa phương đặc biệt là ở vùng nông thôn, cách xa các nhà máy, khu xử lý tập trung, thời gian gần đây UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép lắp đặt thêm 11 lò đốt trên địa bàn các huyện, gồm: 3 lò ở huyện Thạch Hà (Thạch Đài, Thạch Trị, Phù Việt); 3 lò ở huyện Hương Khê (Phúc Trạch, Gia Phố, Hương Thủy); 3 lò ở huyện Hương Sơn (xã Sơn Ninh, thị trấn Phố Châu, khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo); 2 lò ở huyện Nghi Xuân (Xuân Hải, Xuân Mỹ). Hiện các địa phương này đang chuẩn bị đầu tư.
Về tồn tại, khó khăn: Việc triển khai xây dựng, phê duyệt Đề án thu gom vận chuyển, xử lý rác thải ở các địa phương đã được UBND tỉnh chỉ đạo từ cuối năm 2015, Sở TN&MT đã hướng dẫn và thường xuyên đôn đốc nhưng các địa phương thực hiện chậm, kéo dài, đến nay đang còn huyện Hương Khê chưa phê duyệt xong Đề án; Việc triển khai lắp đặt lò đốt tại các địa phương mặc dầu UBND tỉnh đã có chủ trương nhưng các địa phương chưa thực hiện xong nên công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại các địa bàn liên quan gặp nhiều khó khăn; Theo Đề án của các địa phương (giai đoạn 2018-2020), thì nguồn kinh phí ngân sách bù đắp cho công tác vận chuyển, xử lý rác thải khá lớn (khoảng từ 96 đến 99 tỷ đồng/năm), trong đó ngân sách tỉnh đã phân bổ cứng là 30 tỷ, còn lại ngân sách cấp huyện, xã nhưng thực tế các địa phương chưa bố trí kinh phí đảm bảo nên việc thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển rác thải đang gặp khó khăn.
Nguyên nhân: Là tỉnh có nguồn thu ngân sách còn thấp, ngân sách các cấp dành cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn gặp nhiều khó khăn; Xử lý rác thải sinh hoạt có khả năng thu hồi vốn và sinh lợi chậm dẫn đến việc kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực này gặp khó khăn; Việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn chủ yếu do các HTX môi trường, Tổ đội vệ sinh môi trường thực hiện; tuy vậy, hoạt động của HTX môi trường chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, một số địa phương chưa bố trí kinh phí để chi trả kịp thời cho các đơn vị hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nên hoạt động gặp nhiều khó khăn; Sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền cấp cơ sở (huyện, xã) về công tác bảo vệ môi trường nhất là đối với thu gom, xử lý rác thải chưa đúng mức, dẫn đến việc triển khai thực hiện các nội dung liên quan nêu trên thiếu quyết liệt, chậm, kéo dài; Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường nói chung và đối với việc xả rác thải còn thấp; theo đó công tác kiểm tra giám sát cộng đồng và công tác quản lý nhà nước ở cấp cơ sở, nhất là cấp xã còn yếu, chậm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý.
Giải pháp thực hiện: Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp với Công ty CP Tập đoàn T-TECH Việt Nam xây dựng phương án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; Triển khai các chính sách hỗ trợ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, tập trung hỗ trợ các HTX môi trường để tăng cương công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn ở khu vực nông thôn; phối hợp với UBND TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh triển khai công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn (gồm tập huấn, truyền thông và hỗ trợ thùng rác cho nhân dân); Chỉ đạo các địa phương hoàn thành và triển khai có hiệu quả Đề án quản lý chất thải rắn ở các địa phương gắn với triển khai giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR, trong đó đặc biệt ưu tiên bố trí, đảm bảo kinh phí bù đắp cho công tác vận chuyển, xử lý rác thải theo đề án và thực tế tại địa phương. Trường hợp có sự bất cập, khó khăn thì phải có biện pháp tháo gỡ, xử lý kịp thời; Đề nghị các địa phương quan tâm sâu sát công tác BVMT trên địa bàn mình, đặc biệt củng cố, tạo điều kiện các HTX, tổ đội VSMT hoạt động có hiệu quả; đẩy mạnh truyên truyền, hướng dẫn nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT; thực hiện việc phân loại rác thải tại nhà, tận dụng làm phân hữu cơ, giảm chi phí và áp lực về vận chuyển xử lý; tăng cường kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời ngăn chặn xử lý những vấn đề tiềm ẩn, phát sinh; Kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đâu tư trong lĩnh vực này, ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm trong xử lý chất thải rắn.
Dương Xuân Lộc
Tin nóng
- Xã Phạm Văn Hai: Tuyến đường xanh Trần Văn Giàu sẵn sàng phục vụ Đại lễ Phật đản Vesak Liên hiệp quốc 2025
20/04/2025 11:39:13 CH
- Gần 5 tấn rác được thu gom tại Bãi Vòng trong sự kiện “Hãy Làm Sạch Biển” 2025
20/04/2025 10:22:50 CH
- Xã Phạm Văn Hai nỗ lực xây dựng con đường xanh chào đón ngày lễ lớn của đất nước
20/04/2025 10:03:02 CH
- Bình Tân: Người dân kỳ vọng nâng cấp đường để tránh ngập
05/04/2025 10:54:05 SA
- Masan High-Tech Materials ghi danh trong Bảng xếp hạng “Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024”
10/01/2025 10:32:24 SA