Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất để bảo vệ môi trường

14/01/2022 8:26:28 CH
Share Bai :

Theo một thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy hiện nay mỗi năm ở nước ta có hàng nghìn người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, hàng trăm nghìn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, hàng trăm nghìn người người mắc bệnh ung thư mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.

 Bên cạnh đó, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo khoảng 21% dân số Việt Nam đang sử dụng nguồn nước nhiễm Asen (As), thủy ngân (Hg) và Chì (pb). Khi những tồn dư của các chất này thải ra sông suối, ao hồ qua đường xử lý nước thải và tồn dư trong nước cấp sinh hoạt mà hầu hết hàng chục triệu dân Việt Nam đang sử dụng sẽ gây tác hại to lớn đến sức khỏe của người dân. Nhiễm độc kim loại nặng có thể gây hại cấp tính, gây các triệu chứng hô hấp, tuần hoàn, và cả mãn tính tác động tới mọi cơ quan trong cơ thể. Nếu hàm lượng kim loại nặng tích lũy trong một thời gian dài sẽ xuất hiện nhiều bệnh như rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ, thậm chí là gây ung thư.

Nhiễm độc từ ô nhiễm nguồn nước

Một bài viết trên tạp chí BMJ (Tạp chí Y khoa Anh quốc) cho biết, ngộ độc Asen cấp tính sẽ có các dấu hiệu ban đầu như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy nặng, độc tính Asen mãn tính dẫn đến bệnh đa hệ. Việc uống nước bị nhiễm Asen kéo dài có thể dẫn đến các biểu hiện độc tính trên tất cả các bộ phận của cơ thể từ đầu đến chân, gây suy giảm thần kinh, mất trí nhớ. Với độc tính chết người, khi tích lũy vào trong cơ thể sẽ gây ra các bệnh cực kỳ đáng sợ như đột biến Gen, rối loạn thần kinh, suy giảm miễn dịch, ung thư da, viêm tróc da, vẩy sừng, hoại tử da, đối với người sau khi ăn, uống phải một lượng lớn Asen từ 0,3 – 30mg sẽ xảy ra nhiễm độc cấp, các triệu chứng thường bộc lộ trong vòng từ 30 – 60 phút và “cái chết” là hậu quả cuối cùng mà nó mang đến.

Một thực trạng đáng buồn khi một trong các nguồn phát tán các chất gây hại trên lại đến từ hóa chất xử lý nước công nghiệp và nước sinh hoạt là hóa chất PAC. Vậy PAC là gì và vì sao PAC lại là nguồn phát tán Asen, Thủy ngân ra môi trường?

Đầu tiên, phải hiểu PAC là viết tắt của cụm từ Poly Aluminium Chloride - Công thức phân tử [Al2(OH)nCl6-n]m. Đây là loại hóa chất keo tụ, chất trợ lắng trong xử lý nước cấp, nước thải, nước nuôi trồng thủy sản, giúp kết lắng các hợp chất keo tụ và các chất lơ lửng, loại bỏ chất hữu cơ, vi khuẩn, virus có trong nước. PAC tồn tại ở cả dạng bột và dạng lỏng; có ý nghĩa trong xử lý nước đục, nước bẩn, tạo ra nguồn nước chất lượng cao sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt. Chính vì tác dụng như vậy nên hiện nay, PAC được sử dụng rộng rãi như một chất kết tủa công nghiệp và ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Hóa chất PAC dạng bột

Thành phần của PAC chứa một lượng lớn các loại chất gây hại như Asen, Thủy ngân và Chì. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có văn bản quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng đối với loại hóa chất này dẫn đến việc một số doanh nghiệp vì lợi nhuận và giá thành rẻ đã thực hiện việc nhập khẩu ồ ạt hóa chất PAC kém chất lượng. Điều này vô tình đã biến loại hóa chất sử dụng trong lọc và làm sạch nước lại trở thành nguồn phát tán Asen, thủy ngân… ra môi trường, gây nên những hiểm họa khôn lường.

Tín hiệu vui từ chính sách mới

Từ thực trạng ô nhiễm nguồn nước đáng báo động như trên và nhằm kiện toàn hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như có bộ đánh giá tiêu chuẩn chất lượng và quản lý chất lượng đối với việc xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất PAC. Ngày 21/12/2020 Bộ Trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 49/2020/TT-BCT “Ban hành Quy chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm hóa chất Poly Aluminium Chloride (PAC)”, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Trong đó quy định chi tiết về quy chuẩn kỹ thuật 7 hàm lượng các chất trong PAC : Hàm lượng AL2O3 ≥ 28%, độ kiềm từ 40-90, hàm lượng cặn không tan trong nước ≤ 1,5, hàm lượng sắt  ≤ 300, hàm lượng Asen ≤ 5 (ppm), hàm lượng thủy ngân ≤ 0,6, hàm lượng chì ≤ 90 ppm.

Theo các chuyên gia về môi trường, việc ban hành Thông tư nói trên là việc làm cấp bách và kịp thời để xây dựng quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật cho sản phẩm hóa chất PAC nhằm quản lý giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất và nhập khẩu sản phẩm này ở nước ta hướng tới đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng như ngăn chặn nguồn ô nhiễm kim loại nặng phát sinh ngay từ nguyên liệu sử dụng để xử lý nước. Trước đây, sản phẩm PAC được nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, các đơn vị nhập khẩu đang khai báo phân loại mặt hàng PAC này theo các Mã HS (HS Code) 3824 9999 và 2827 3200. Do Việt Nam chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm PAC dẫn tới việc chưa có chế tài kiểm soát, đánh giá chất lượng PAC khi sản phẩm này nhập khẩu vào nước ta.

Thông tư ban hành quy chuẩn này góp phần tích cực vào việc tạo ra hành lang kiểm soát các hoạt động nhập khẩu hóa chất PAC từ nước ngoài vào Việt Nam. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm này đạt các quy định về tiêu chuẩn do Bộ Công Thương ban hành. Từ đó chúng ta mới có thể bảo vệ nguồn tài nguyên nước và sức khỏe của người Việt Nam một cách bền vững và lâu dài.

 Vũ Xuân Đức

  • Tags: