TÁC ĐỘNG CỦA VẤN ĐỀ RÁC THẢI Y TẾ ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG
Trong những năm vừa qua, ngành y tế Việt Nam có bước phát triển đáng kể nhờ ứng dụng thành công nhiều thành tựu y học hiện đại, ngăn chặn thành công những dịch bệnh nguy hiểm, củng cố mạng lưới y tế các tuyến, góp phần nâng cao an sinh xã hội và từng bước nâng cao chất lượng sức khỏe cho người dân.
Rác thải y tế - nỗi lo quản lý. Ảnh Internet
Trong những năm vừa qua, ngành y tế Việt Nam có bước phát triển đáng kể nhờ ứng dụng thành công nhiều thành tựu y học hiện đại, ngăn chặn thành công những dịch bệnh nguy hiểm, củng cố mạng lưới y tế các tuyến, góp phần nâng cao an sinh xã hội và từng bước nâng cao chất lượng sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, mở rộng của các cơ sở y tế là vấn đề về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải y tế đang đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Theo thống kê, tính đến hết năm 2017, cả nước có 13.583 cơ sở y tế công và tư. Theo số liệu của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế (năm 2015), trung bình hàng ngày thải ra 47 tấn chất thải y tế nguy hại (chiếm khoảng 15 - 20% tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh), tổng lượng nước thải y tế phát sinh cần xử lý lên tới 125.000 m3/ngày. Trong thời gian qua, để hạn chế những tác động xấu từ chất thải y tế, nhiều nguồn lực đã được đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường y tế, tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế vấn còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Bơm kim tiêm đã qua sử dụng trở thành rác thải y tế. Ảnh Internet
Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu rác thải y tế là gì? Rác thải y tế là nguồn rác từ những hoạt động trong lĩnh vực y tế tại các bệnh viện, cơ sở, trung tâm y tế, phòng thí nghiệm, văn phòng bác sĩ… Nhìn chung, đó là nguồn rác thải có khả năng cao nhiễm các loại vi khuẩn, virus nguy hiểm, có thể gây bệnh cho con người và làm ô nhiễm môi trường. Chính vì lý do trên, xử lý rác thải y tế cũng cần được thực hiện một cách an toàn, hiệu quả nhất để không gây ra những hệ lụy cho môi trường, sức khỏe con người. Hiện nay nguồn rác thải y tế thải ra môi trường mỗi năm là rất lớn, do đó nhu cầu xử lý cũng đã tăng cao. Để làm tốt vấn đề này, việc phân loại rác thải để tìm ra phương pháp làm sạch hợp lý, hiệu quả nhất gần như là điều bắt buộc. Tại Việt Nam, rác thải y tế được phân loại như sau:
Một là, chất thải truyền nhiễm: đây được coi là một trong những loại chất thải nguy hiểm nhất, cần được xử lý một cách tối ưu trước khi đưa về môi trường phân hủy. Nếu không, chúng có thể phát tán mầm bệnh cho con người một cách dễ dàng và để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
Hai là, chất thải bệnh lý: loại chất thải này thường là các bộ phận của người bệnh bị hỏng, mô cơ thể, mẫu máu, nước tiểu…
Ba là, chất thải sắc nhọn: Một số loại chất thải sắc nhọn điển hình nhất mà mọi người đều biết trong lĩnh vực y tế có thể kể đến như dao mổ, kim tiêm… Loại chất thải này cũng cần được khử trùng thật kỹ càng để không mang mầm bệnh ra môi trường sống.
Bốn là, chất thải độc hại: là loại chất thải có khả năng gây tổn thương, ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường và đặc biệt là sức khỏe của con người. Chúng có khả năng gây ung thư, đột biến, ảnh hưởng đến thai nhi…
Không giống như những loại rác thải thông thường khác, rác thải y tế luôn chứa nhiều thành phần đặc biệt, nguy hiểm và có khả năng gây hại rất lớn cho môi trường của chúng ta nếu không được xử lý tốt. Hiện nay, các phương pháp tốt nhất để giải quyết rác thải đang được áp dụng với rác từ lĩnh vực y tế. Một số phương pháp cơ bản nhất có thể kể đến như sau:
Đốt: Đốt có thể coi là một phương pháp truyền thống, cơ bản nhất trong việc xử lý rác thải từ trước tới nay. Từ trước những năm 1997, gần như toàn bộ rác thải y tế tại nước ta đều được giải quyết bằng cách đốt. Biện pháp này tuy có thể thực hiện tốt trong trường hợp lựa chọn đưa khu vực hợp lý, tránh xa khu dân cư, nguồn nước… nhưng ở thời điểm hiện tại, đốt không phải là phương pháp tối ưu nữa.
Dùng lò vi sóng: Sử dụng lò vi sóng công nghệ cao cũng là một cách khá tương đồng với việc đốt rác thải. Thế nhưng nếu thực hiện theo cách này, rác thải sẽ được xử lý triệt để, không gây ra nguy cơ truyền nhiễm bệnh.
Dùng hóa chất: Hiện nay, chúng ta có thể sử dụng hóa chất để giải quyết rất nhiều loại chất thải, trong đó có rác y tế. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đó là phải sử dụng hóa chất tự nhiên, nếu không, chúng có thể gây ô nhiễm môi trường thậm chí còn nặng nề hơn.
Biện pháp sinh học: Có thể nói, ở thời điểm hiện tại thì việc sử dụng các biện pháp sinh học để giải quyết rác thải y tế được coi là tối ưu, an toàn nhất cho môi trường. Chúng được áp dụng trên nguyên tác dùng các enzim trung hòa vi khuẩn độc hại trong rác thải y tế. Tuy nhiên, trên thực tế thì phương pháp này không mấy khi được áp dụng do vấn đề về chi phí.
Rác thải y tế phải được xử lý bước đầu ngay tại bệnh viện, cơ sở y tế. Ảnh Internet
Trên thực tế, nhiều bệnh viện được xây dựng từ rất lâu, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải; việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường chưa được chú trọng đúng mức dẫn tới công tác quản lý chất thải y tế còn lỏng lẻo; đặc biệt một số cơ sở y tế tư nhân còn trốn tránh nghĩa vụ xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động; các cơ sở khám chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không đảm bảo được các thủ tục pháp lý về đăng ký đề án bảo vệ môi trường, các hồ sơ pháp lý về môi trường. Những nguyên nhân này khiến cho thực trạng quản lý môi trường gặp nhiều khó khăn, gây áp lực không nhỏ đối với môi trường.
Như vậy có thể thấy, hiện nay hầu hết các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, tại các bệnh viện thuộc Sở Y tế địa phương quản lý hay các bệnh viện thuộc ngành khác quản lý, cũng như các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nằm rải rác, phần lớn chưa có hệ thống xử lý nước thải và chất thải y tế. Một số lượng lớn các chất độc hại trong nước thải y tế không thể xử lý được bằng phương pháp xử lý nước thải thông thường.
Theo điều tra khảo sát, đối với các bệnh viện quy mô cấp tỉnh và thành phố có từ 250 - 500 giường, lưu lượng nước thải khoảng 100 - 150 m3/ngày đêm và đối với các bệnh viện nhỏ tuyến huyện và trung tâm có từ 50 - 250 giường bệnh thì lưu lượng nước thải từ 50 - 100 m3/ngày đêm. Lượng nước thải y tế phát sinh hàng năm tăng dần theo thời gian. Mức độ gia tăng của lượng nước thải y tế giai đoạn 2016 - 2020 mặc dù không có sự gia tăng đột biết so với giai đoạn 2010 - 2015, nhưng cũng duy trì ở mức độ khá cao.
Với tình hình dịch bệnh covid-19 vẫn diễn ra hết sức phức tạp ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay, Chính phủ đã ban hành kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế, giai đoạn 2021 - 2025 được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các cơ sở y tế khác có hoạt động xét nghiệm vi sinh, hoạt động phát sinh chất thải lây nhiễm (cơ sở y tế) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý chất thải y tế. Mục đích của kế hoạch là phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ, sự cố môi trường do chất thải y tế. Chủ động ứng phó, ngăn chặn, xử lý kịp thời sự cố môi trường do chất thải y tế…
Kế hoạch nêu rõ, sự cố môi trường do chất thải y tế là sự cố rò rỉ, rơi vãi, tràn đổ, hỏng thiết bị xử lý chất thải, nước thải y tế, khí thải (từ phòng xét nghiệm vi sinh) làm phát tán chất thải lây nhiễm ra môi trường trong quá trình quản lý chất thải y tế, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng. Kế hoạch đưa ra 5 tình huống sự cố môi trường do chất thải y tế gồm:
Sự cố loại 1: Sự cố rò rỉ dịch thải, rơi vãi chất thải trong hoạt động chuyên môn y tế, thu gom chất thải từ nơi phát sinh về khu lưu giữ hoặc tại khu lưu giữ, xử lý chất thải trong cơ sở y tế.
Sự cố loại 2: Sự cố hỏng thiết bị xử lý chất thải rắn y tế gây ùn ứ chất thải lây nhiễm trong cơ sở y tế; hỏng hệ thống xử lý nước thải y tế làm phát thải nước thải y tế chưa được xử lý ra môi trường.
Sự cố loại 3: Sự cố hỏng hệ thống xử lý khí thải lò đốt chất thải rắn y tế, làm phát thải khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc hỏng hệ thống lọc khí thải từ các phòng xét nghiệm, làm phát tán vi khuẩn, vi rút ra môi trường trong quá trình hoạt động tại các cơ sở y tế.
Sự cố loại 4: Sự cố làm rơi vãi, phát tán chất thải lây nhiễm trong quá trình vận chuyển chất thải lây nhiễm từ các cơ sở y tế trong cụm về bệnh viện xử lý chất thải cho cụm để xử lý khi xảy ra tai nạn trên đường vận chuyển chất thải.
Sự cố loại 5: Sự cố do lũ lụt xảy ra trong khu vực gây ngập, úng, làm phát tán chất thải lây nhiễm, nước thải y tế ra môi trường nước.
Kế hoạch cũng đưa ra các giải pháp như: Xây dựng, ban hành các hướng dẫn về phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế; kiểm tra, giám sát. Đào tạo, nâng cao năng lực, truyền thông về công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế; đảm bảo lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế…
Thanh Vân
Tin nóng
- DANKO CITY - GIÁNG SINH DIỆU KỲ VỚI 300 ÔNG GIÀ NOEL
12/12/2024 10:25:23 CH
- Cam FVF - Điển hình của ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp xanh bền vững
11/12/2024 3:08:23 CH
- Masan High-Tech Materials 7 năm liên tiếp được công nhận là "Doanh nghiệp Bền vững"
02/12/2024 3:08:04 CH
- Núi Pháo nhận giấy khen vì thực hiện tốt công tác chuyển đổi số
23/11/2024 8:55:54 SA
- SeABank và Tập đoàn BRG chung tay trồng 68.000 cây phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai
20/11/2024 1:36:43 CH