Sự cố sạt lở tại công trình Nhà máy thủy điện Hoà Bình- EVN có đang lãng phí nguồn lực tài chính?
MTXH - Vào những tháng cuối năm 2021, liên tiếp xảy ra hiện tượng sạt trượt do bão lũ, cộng với mưa trên diện rộng. Ngay sau khi nghe tin việc công trình NMTĐ Hòa Bình mở rộng xảy ra hiện tượng sạt trượt, Chính phủ Chính phủ cũng đã yêu cầu tạm dừng thi công, tập trung khắc phục việc sạt lở.
Tập đoàn EVN gấp rút tiến hành xử lý hiện tượng sạt trượt tại NMTĐ Hòa Bình và chia thành 3 giai đoạn, sau khi khắc phục sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép đi vào hoạt động trở lại.
Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng do EVN làm chủ đầu tư, khởi công tháng 1/2021 với tổng số tiền hơn 9.220 tỷ đồng, công suất 480 MW, với hai tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân 488,3 triệu kWh một năm. Dự kiến, hai tổ máy lần lượt phát điện vào quý II và IV/2024
Phối cảnh Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sau khi hoàn thành
Để thông tin đa chiều, khách quan, Tòa Soạn Môi trường và Xã hội đã gửi công văn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về “Quá trình đánh giá địa chất, khảo sát, thiết kế công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng diễn ra như thế nào, nguyên nhân sự cố và hướng khắc phục”. Đến ngày 6/1/2022, ông Trần Viết Trung- đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã gửi thư trả lời về câu hỏi mà Tòa soạn đã đặt ra.
Theo ông Trung, nguyên nhân là do ảnh hưởng 2 cơn bão số 7 và số 8 kết hợp gió mùa gây ra mưa nhiều dài ngày: từ ngày 11/10 đến ngày 19/10 mưa liên tục cả ngày và đêm, lượng mưa ở khu vực đồi ông Tượng trong những ngày này lên đến 426.8mm (thông tin của Ban phòng chống thiên tai tỉnh Hòa Bình). Mưa lớn đã gây ra một số trường hợp sạt lở đất lớn như ngày 11/10/2021 tại mái taluy dương đường 435, khu vực đầu tuyến (cách ngã ba dốc Cun lên hồ Hòa Bình khoảng 2 km) với khối lượng sạt lở hàng nghìn m3 đất đá làm vùi lấp mặt đường từ 2m trở lên (theo báo Lao động), ngày 17/10/2021 tại xóm Tát, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình đã vùi lấp và sập hoàn toàn 01 nhà dân, làm chết 1 người và bị thương 3 người (theo baotintuc.vn).
Khu vực bị sạt lở đất với khối lượng ước tính khoảng 80.000m3 (ảnh tổng hợp)
Như vậy, những hậu quả mà việc sạt trượt này gây ra không được bên phía EVN đánh giá và điều tra, mà phải trích từ các báo (báo Lao Động, baotintuc.vn). Dư luận đặt ra câu hỏi, EVN có đang thực hiện trách nhiệm của một chủ đầu tư phải làm khi trúng thầu dự án này chưa? Những nạn nhân xấu số của vụ sạt trượt này có được đền bù một cách thoả đáng?
Tiếp đến, ông Trần Viết Trung có trả lời trong thư rằng “Quá trình khảo sát, thiết kế NMTĐ Hoà Bình mở rộng đã được xem xét đánh giá nhiều phương án bố trí công trình bên bờ trái và bên bờ phải và đã lựa chọn phương án công trình bên bờ phải có có điều kiện địa chất thuận lợi, độc lập với công trình hiện hữu. Tư vấn thiết kế cũng đã xem xét, tính toán ảnh hưởng của nổ mìn thi công, ảnh hưởng trong quá trình vận hành công trình mở rộng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình hiện hữu và các công trình liên quan”
Điều kiện địa chất thuận lợi như vậy nhưng việc sạt trượt này vẫn xảy ra trong lúc thi công dẫn đến thiệt hại cả người và của, phải chăng bên phía đánh giá, thiết kế công trình đã sai hay không?
Mặt khác, theo nguồn tin tổng hợp, ông Phạm Hồng Phương (Phó Tổng giám đốc EVN) cho rằng việc sạt trượt tại nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là “hoàn toàn bình thường” và điều này hay sảy ra tại các công trình, đặc biệt là công trình thủy điện.
Điều “hoàn toàn bình thường” ông Phương nhắc đến có phải đã được tính toán và nằm trong “điều kiện địa chất thuận lợi” mà ông Trung đã đề cập ở trên? Liệu câu trả lời này có thỏa mãn được người nhà những nạn nhân xấu số và những người quan tâm đến vụ việc không?
Sau xảy ra vụ việc trên, có người đã đặt ra câu hỏi “Có nên mở rộng nhà máy thủy điện Hoà Bình hay không?” và nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.
Theo phía nhà đầu tư, việc hàng năm phải xả lũ từ tháng 6 đến tháng 9 và cấp nước cho hạ lưu vào tháng giêng, tháng hai hàng năm phục vụ sản xuất nông nghiệp qua hệ thống đập tràn (mà không qua tổ máy phát điện) là lãng phí nguồn nước, do đó bổ sung 2 tổ máy này ngoài nhiệm vụ phủ đỉnh phụ tải còn một nhiệm vụ là để tận dụng nguồn nước xả để phát điện. Nhưng, theo báo cáo của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, vài năm trở lại đây hồ chứa nước của nhà máy này liên tục ghi nhận tình trạng thiếu nước qua các năm.
Ngày 4/5/2020, ông Nguyễn Văn Minh – giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình trao đổi nhanh với evn.com.vn về tình hình khô hạn nghiêm trọng ảnh hưởng tới công tác sản xuất của đơn vị.
Từ nguồn tin tổng hợp, ông Minh cho biết, từ năm 2019, lượng nước tích của các hồ thủy điện trên lưu vực sông Đà đã thiếu hụt kỷ lục, dẫn đến hồ chứa không thể tích được đến mực nước dâng bình thường vào cuối năm. Do khô hạn tiếp diễn, tổng lượng nước về hồ Hòa Bình trong 4 tháng đầu năm 2020 ở mức rất thấp, chỉ đạt xấp xỉ 4,2 tỷ m3, tương đương 89% so với trung bình nhiều năm. Ông Minh khẳng định, năm 2020, lượng nước về hồ Hòa Bình thấp nhất so với cùng kỳ, kể từ khi hồ thủy điện Sơn La được đưa vào vận hành năm 2011.
Hồ thủy điện Hòa Bình thiếu nước nghiêm trọng (Ảnh tổng hợp)
Với tình trạng thiếu nước như vậy mà dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng vẫn được đề ra và được chấp thuận. Việc xây thêm 2 tổ máy thuộc dự án này có đang lãng phí nguồn lực tài chính ?
Việc lãng phí này cũng chưa phải chưa từng xảy ra. Vào năm 2018, EVN đang “ngập nợ” nhưng vẫn để hơn 42.000 (Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 được EVN công bố trên website) tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn trong ngân hàng và gần 20.000 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2018. Tuy nhiên, tập đoàn cho rằng số tiền gửi này so với số dư nợ ngắn hạn tại cùng thời điểm phải trả tại thời điểm đó của EVN (hơn 106.000 tỉ đồng) là quá nhỏ.
Đến cuối năm 2019, có khoản tài chính khủng lên tới 115.000 tỷ đồng thì EVN lại đang vay và nợ thuê tài chính lên tới 398.000 tỷ đồng, trong đó vay và thuê nợ ngắn hạn là hơn 41.000 tỷ đồng, vay và nợ thuế tài chính dài hạn lên tới hơn 357.000 tỷ đồng. Số vay và nợ thuê tài chính đang chiếm tới trên 50% tổng tài sản của cả tập đoàn.
Điều đáng nói, trong khi khoản đầu tư tài chính ngắn hạn rất lớn ở thời điểm cuối năm 2019 thì doanh thu tài chính của cả năm lại không mấy thay đổi so với năm 2018, chỉ dừng lại ở con số 3,9 nghìn tỷ đồng (năm 2018 là 3,6 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, chi phí tài chính của EVN lên tới 22.000 tỷ đồng. Điều này dẫn đến thực tế, lỗ thuần từ hoạt động tài chính của EVN ở mức cao kỷ lục, hơn 18.000 tỷ đồng.
EVN xem lại có nên đầu tư tài chính của mình để tránh việc lãng phí tài chính, nguồn lực quốc gia.
Hồng Thuý – Hoàn Nguyễn
Tin nóng
- Trao giải cuộc thi "Thanh niên hành động - Hướng tới loại bỏ bệnh dại và hoạt động buôn bán, giết mổ chó mèo"
29/04/2025 11:04:24 CH
- Xã Phạm Văn Hai: Tuyến đường xanh Trần Văn Giàu sẵn sàng phục vụ Đại lễ Phật đản Vesak Liên hiệp quốc 2025
20/04/2025 11:39:13 CH
- Gần 5 tấn rác được thu gom tại Bãi Vòng trong sự kiện “Hãy Làm Sạch Biển” 2025
20/04/2025 10:22:50 CH
- Xã Phạm Văn Hai nỗ lực xây dựng con đường xanh chào đón ngày lễ lớn của đất nước
20/04/2025 10:03:02 CH
- Bình Tân: Người dân kỳ vọng nâng cấp đường để tránh ngập
05/04/2025 10:54:05 SA