“Sầu riêng Krông Pắk” - Nỗ lực định vị thương hiệu và nâng tầm chất lượng trong và ngoài nước
Sau hơn một năm tổ chức lễ hội Sầu riêng Krông Pắk lần thứ I đã đem lại những kết quả, hiệu ứng tích cực cho vùng đất Krông Pắk nói riêng cũng như tỉnh Đắk Lắk nói chung. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng, sự tự hào từ lễ hội thì cũng có không ít những khó khăn, thách thức, áp lực mà địa phương cũng như tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên cần tháo gỡ.
“Vị ngọt” sau Lễ hội Sầu riêng Krông Pắk lần thứ I
Sau Lễ hội Sầu riêng Krông Pắk lần thứ I đã thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư nhiều lĩnh vực trên địa bàn huyện và đặc biệt trong đó có lĩnh vực xuất khẩu sầu riêng.
Sầu riêng Krông Pắk (Ảnh: Internet)
Trong năm 2022, cây sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắk đạt được những kết quả vượt trội, với diện tích hơn 4.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 50.000 tấn. Đồng thời, nhãn hiệu Sầu riêng Krông Pắk đã được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận, sản phẩm sầu riêng chính thức được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo Nghị định được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải Quan Trung Quốc.
Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 59 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Trong đó huyện Krông Pắk được cấp 06 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, 30 mã số vùng trồng với diện tích gần 2.000 ha với sự tham gia của hơn 3.000 nông hộ tham gia vùng trồng.
Không phụ lòng người, cây sầu riêng trả ơn lại cho người dân những quả ngọt trong mùa vụ năm 2023, sản lượng đến trên 80.000 tấn, đồng thời là trung tâm thu gom, xuất khẩu của cả tỉnh Đắk Lắk, vụ thu hoạch sầu riêng tại huyện Krông Pắk đang mang lại cho địa phương những khởi tín hiệu phấn khởi về kinh tế, toàn huyện có khoảng 7.000 ha sầu riêng. Trong đó có hơn 3.000 ha đang cho thu hoạch, huyện cũng đang có 34 mã vùng trồng sầu riêng với hơn 2.000 ha và 630 ha đã đạt chứng nhận VietGAP. Kho bãi tập kết sầu riêng mọc lên khắp nơi, các đoàn xe và người mua người bán tấp nập cùng giá sầu riêng cao kỷ lục, dự kiến sẽ đem lại cho Thủ phủ sầu riêng Krông Pắk hàng nghìn tỷ đồng. Song song với cơ hội, mùa vụ thu hoạch sầu riêng cũng tạo ra những áp lực đối với địa phương, nhất là trong công tác quản lý thị trường, giữ gìn an ninh, trật tự và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
“Người dân – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nhà quản lý” – Tứ trụ kết nối, đồng hành để phát triển bền vững cây sầu riêng
Từ những con số ấn tượng “biết nói” trên, có thể thấy nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để thủ phủ sầu riêng mang hương vị đến với bạn bè quốc tế trên thế giới nhưng cũng còn đó không ít những khó khăn, lỗ hổng cần gỡ vướng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - Ngô Thị Minh Trinh
Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND Krông Pắk cho biết: ngay khi triển khai mã vùng trồng lần đầu tiên tại khu vực huyện Krông Pắk, đã xảy ra nhiều khó khăn, điển hình như: tình trạng chồng chéo liên quan đến mã vùng trồng do chưa có quy trình rõ ràng; sự phát triển diện tích trồng sầu riêng ồ ạt, “tăng trưởng nóng” khiến cho việc quản lý về mặt chất lượng chưa được đảm bảo; giữa người dân – nhà khoa học – doanh nghiệp - nhà quản lý thiếu sự gắn kết chặt chẽ nên chưa tổ chức thực hiện được đồng bộ, theo chuỗi giá trị có hiệu quả cao.
Trước thực trạng đó, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều nội dung như: quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khấu,.. nhằm phát triển, thúc đẩy hơn nữa giá trị kinh tế - xã hội mà cây sầu riêng mang lại đồng thời, giữ vững thương hiệu sầu riêng Krông Pắk, ngày càng nâng tầm giá trị nông sản đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk.
Ngoài ra, công tác chuyển đổi số, quản lý thông tin trên phần mềm, nền tảng số trong nông nghiệp đang được địa phương tích cực đẩy mạnh, lan rộng nhằm hướng đến tối ưu hóa, đạt hiệu quả tốt nhất trong công tác phát triển và bảo vệ thương hiệu, giá trị sầu riêng Krông Pắk cũng như quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng sầu riêng.
Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp chấp hành tốt quy định của pháp luật, đặc biệt đạo đức kinh doanh trong nghề nghiệp cũng được địa phương đề cao, tăng cường thực hiện nhằm bảo hộ thương hiệu “Sầu riêng Krông Pắk” cũng như bảo vệ chính người dân, doanh nghiệp trên hành trình phát triển “vua trái cây”. Song song với những nỗ lực của các cơ quan nhà nước, địa phương thì những đóng góp của người dân vô cùng quan trọng. Thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng của người dân không chỉ gói gọn mỗi nước bạn - Trung Quốc,… mà còn cần mở rộng đến nhiều thị trường hùng mạnh khác trên thế giới. Muốn làm được điều đó thì điều tiên quyết chính là người dân cần nâng cao, giữ vững chất lượng sản phẩm.
Trong thời gian tới huyện Krông Pắk sẽ tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền công tác thiết lập, phát triển, duy trì, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng trên cây sầu riêng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn huyện. Huyện cương quyết xử lý nghiêm các cá nhân tổ chức làm ăn không đúng theo quy định. Kịp thời tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân nắm rõ tầm quan trọng, quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình tham gia đăng ký Mã vùng trồng, Mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Trong đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho nông dân và các chủ thể mã vùng trồng, đảm bảo việc tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn, thắt chặt liên kết sản xuất; siết chặt quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói theo đúng quy định. Bên cạnh đó, khẩn trương đưa các diện tích đảm bảo yêu cầu vào thực hiện xây dựng mã vùng trồng; tập trung quản lý dịch hại, nâng cao chất lượng, mẫu mã đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án mã số vùng trồng cho một số cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ giai đoạn 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 14/11/2022 của UBND tỉnh về triển khai công tác thiết lập, quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Minh Khang - Việt Hà
Tin nóng
- Công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan
21/12/2024 4:20:07 CH
- “Hiệu triệu” sắc mầu 54 dân tộc cùng trái tim sắc son với quê hương đất nước
20/12/2024 3:52:45 CH
- Sản phẩm công nghiệp chủ lực định hướng phát triển kinh tế
17/12/2024 5:04:56 CH
- 36 sản phẩm của 25 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024
17/12/2024 1:56:37 CH
- Mất cân bằng giá bất động sản vùng cận biên Tp.HCM
16/12/2024 6:53:24 CH