PHỤC HỒI ĐẤT, CHỐNG HẠN HÁN KHÔNG THỂ TÁCH RỜI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Đất Việt Nam đang có nguy cơ suy giảm cả số lượng và chất lượng do chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích khác do công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới và thoái hóa đất.
Nhiều vùng đất màu mỡ đang bị suy giảm chất lượng do rủa rồi, suy giảm độ phì nhiêu đất, khô hạn, hoang mạc hóa, kết von, đá ong, mặn hóa, phèn hóa. Quá trình và sự thoái hóa xảy ra ở hầu hết các vùng địa lý tự nhiên, kinh tế trong cả nước, cả đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Diện tích thoái hóa từ mức trung bình tới cao chiếm tới 15,07% tổng diện tích tự nhiên và tập trung ở vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Tăng cường chất hữu cơ, kiểm soát thay đổi sử dụng đất và quản lý, sử dụng đất, nước bền vững là chiến lược chống sa mạc hóa tại Việt Nam.
Cuộc chiến chống sa mạc hoá (nguồn internet).
Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã xây dựng chương trình hành động quốc gia về sa mạc hóa. Ngày 2/9/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 204/2006/QĐ-TTg về Ban hành Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hoá giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 nhằm thực hiện Công ước chống sa mạc hoá của Liên hợp quốc và cụ thể hoá định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam). Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020.
Theo Công ước, sa mạc hóa là sự suy thoái đất tại các vùng khô hạn, bán khô hạn, vùng ẩm nửa khô hạn do các nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người gây ra. Suy thoái đất là quá trình giảm hoặc mất đi năng suất sinh học và khả năng đem lại lợi ích kinh tế của đất. Vùng khô hạn, bán khô hạn và vùng ẩm nửa khô hạn là vùng có tỷ lệ bốc hơi nước khoảng từ 0,05 đến 0,60. Ở Việt Nam, chống sa mạc hóa có nghĩa là ngăn chặn nguy cơ thoái hóa đất, hạn chế quá trình thoái hóa đất ở vùng bán khô hạn, khô hạn và vùng ẩm nửa khô hạn; phục hồi và cải tạo đất đang bị suy thoái, hoang hóa bằng việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa để từng hộ dân, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên đất đai, rừng, chống nhiễm mặt, nhiễm phèn, chống cát di động, phát triển thủy lợi để cải thiện sinh kế cho người dân địa bàn bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa [3]. Ban đầu Công ước chỉ quan tâm tới các vùng khô hạn nhưng sau đó đã mở rộng hoạt động sang việc phòng chống suy thoái, thoái hoá đất.
Theo Quyết định số 204/2006/QĐ-TTg, quan điểm chỉ đạo chống sa mạc hóa bao gồm: (1) Chống sa mạc hóa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, nguồn nước và đất đai, nâng cao từng bước thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết vững chắc nhiệm vụ định canh định cư. (2) Chống sa mạc hóa phải được tiến hành một cách khoa học, hiệu quả, trên cơ sở hệ thống chính sách, pháp luật thống nhất, đồng bộ của Nhà nước, có tính kế thừa và được sự chỉ đạo tập trung và đồng bộ của Chính phủ; được cụ thể hóa bằng các dự án do các Bộ, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân địa phương bị sa mạc hóa thực hiện và huy động được sự quan tâm và góp sức của toàn xã hội. (3) Mở rộng, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế nhưng có lựa chọn trọng điểm nhằm tập trung đầu tư và thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tăng cường đội ngũ cán bộ và tiếp thu công nghệ hiện đại, kế thừa kinh nghiệm truyền thống phù hợp, góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động Quốc gia chống sa mạc hóa và các cam kết đa phương về môi trường (MEAs). (4) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, gắn Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ môi trường cũng như các chiến lược, các chương trình quốc gia khác với việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs).
Nguyên nhân chính ảnh hưởng tới thoái hoá đất
Một là, suy giảm độ phì nhiêu do canh tác độc canh, thâm canh cao và lạm dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật, nhất là vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, nhưng ít sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh, làm cho đất bị chua hóa, mất chất hữu cơ và kiệt quệ chất dinh dưỡng.
Hai là, chuyển mục đích sử dụng đất ở vùng ven biển từ đất lúa, đất trồng cây hằng năm sang nuôi trồng thủy sản dẫn đến mặn hóa, phèn hóa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh.
Ba là, tập quán canh tác nương rẫy du canh (đốt nương làm rẫy) của đồng bào các dân tộc thiểu số gây xói mòn, rửa trôi.
Bốn là, suy giảm, chia cắt hệ thống tưới tiêu ở vùng đồng bằng do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, xây dựng nông thôn mới.
Năm là, trong lâm nghiệp, hiện tượng chặt phá rừng, kỹ thuật khai thác rừng không hợp lý (khai thác trắng), sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp còn phổ biến gây xói mòn đất, suy giảm tính chất đất rừng gây hoang mạc hóa, nhất là khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc.
Phong trào trồng cây chống sa mạc hoá.
Các giải pháp phòng chống sa mạc hoá
Thứ nhất, tăng cường bón phân hữu cơ, tận dụng các vật thể hữu cơ sau thu hoạch để bổ sung mùn cho đất, trồng xen hoăc luân canh cây họ đậu, cây có khả năng cố định đạm trong đất nhằm nâng cao sức khỏe đất;
Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ thay đổi sử dụng đất vùng ven biển, bảo vệ và trồng rừng ngập mặn ven biển kết hợp đầu tư các công trình đê điều, tưới tiêu, công trình thủy lợi để hạn chế xâm nhập mặn, thau chua rửa mặn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nghiên cứu các giống cây trồng có khả năng chịu mặn và thích nghi với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên; tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân làm nghề rừng thông qua các chương trình như chi trả dịch vụ môi trường rừng, buôn bán tín chỉ các bon; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật canh tác đất dốc bền vững như làm ruộng bậc thang, vườn rừng, vườn nhà, trại rừng, nương định canh tùy theo cấp độ dốc và đảm bảo tính bền vững.
Thứ tư, đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, các mô hình nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp du lịch, nông nghiệp học tập cộng đồng trên các vùng đất nông nghiệp tập trung hoặc xen kẽ trong các khu đô thị mới, không công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm tăng thu nhập và phát triển hài hòa bền vững.
Thứ năm, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất; xây dựng cơ sở dữ liệu đất nông nghiệp, xây dựng bản đồ đất kỹ thuật số các bon hữu cơ trong đất Việt Nam, bản đồ chất lượng đất, thoái hóa đất để kiểm soát biến động hàm lượng chất hữu cơ trong đất, diễn biến chất lượng đất và thoái hóa đất.
Hà Anh
Tin nóng
- DANKO CITY - GIÁNG SINH DIỆU KỲ VỚI 300 ÔNG GIÀ NOEL
12/12/2024 10:25:23 CH
- Cam FVF - Điển hình của ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp xanh bền vững
11/12/2024 3:08:23 CH
- Masan High-Tech Materials 7 năm liên tiếp được công nhận là "Doanh nghiệp Bền vững"
02/12/2024 3:08:04 CH
- Núi Pháo nhận giấy khen vì thực hiện tốt công tác chuyển đổi số
23/11/2024 8:55:54 SA
- SeABank và Tập đoàn BRG chung tay trồng 68.000 cây phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai
20/11/2024 1:36:43 CH