Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường chính là bảo vệ tương lai của chúng ta tại Việt Nam

26/07/2020 10:16:38 SA
Share Bai :

MT&XH - Phát triển bền vững xuất phát từ bảo vệ môi trường có từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ 20. Muốn phát triển bền vững phải xét đến yếu tố môi trường, nhiều vẫn đề tác động đến môi trường như: Quốc tế, quốc gia, vùng lãnh thổ và từng địa phương. Suy cho cùng thì mỗi chúng ta cần phấn đấu cho một môi trường trong sạch, cho sự phát triển bền vững của cả chúng ta và các thế hệ mai sau.

Môi trường tự nhiên trong xã hội sản xuất có mối quan hệ mật thiết và khăng khít chặt chẽ, môi trường tự nhiên cung cấp nguyên liệu cho xã hội sản xuất. Sự giàu nghèo của mỗi quốc gia đều phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, rất nhiều nước phát triển chỉ dựa trên cơ sở khai thác tài nguyên để sản xuất. Nhưng khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt tài nguyên tình trạng ô nhiễm môi trường bắt đầu xảy ra.

Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường

Như các bạn đã biết, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta và trên toàn thế giới đang ở mức báo động và trở thành vấn đề nhức nhối. Môi trường trên thế giới ngày càng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, dân số thế giới ngày càng đông và tăng lên, kéo theo nhu cầu các hoạt động cao nhưng ý thức lại không được cải thiện gây nên tác động xấu cho môi trường.

Trong nước có rất nhiều các khu công nghiệp được xây dựng để đáp ứng quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, các khu công nghiệp lại chưa được đầu tư đúng cách, hậu quả làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động xả thải của chúng.

Quá trình hoạt động của các khu công nghiệp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường không thể cứu vãn được. Các quá trình gây ô nhiễm là quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch: Than, dầu, khí đốt tạo ra khí co2, co, so2, nox, các chất hữu cơ chưa cháy hết như: Muội than, bụi, quá trình thất thoát, rò rỉ trên dây truyền công nghệ, các quá trình vận chuyển các hóa chất bay hơi, bụi. Nguồn gây ra ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp có nồng độ chất độc hại cao, thường tập trung trong một không gian nhỏ.

Nền kinh tế phát triển dẫn đến ứng dựng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, để đảm bảo mùa vụ người dân đã quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Phun lượng lớn các hóa chất vào các loại cây trồng không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân khi tiêu dùng sản phẩm mà còn gây ô nhiễm môi trường đất khi một lượng lớn thuốc không được cây trồng hấp thụ hết.

Rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng,… Trong số những chất thải trên, chất thải rắn làm cho tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng. Theo báo cáo năm 2004 về chất thải rắn thì trên cả nước có khoảng 15 triệu tấn/1 năm, trong đó có hơn 150 nghìn tấn là chất thải nguy hại. Dự báo đến năm 2010 lượng chất thải rắn có thể tăng từ 24% đến 30%.

Ô nhiễm khói bụi tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, tình trạng ô nhiễm khói bụi tập trung ở các thành phố lớn, tập chung các khu công nghiệp, xe cô đi lại nhiều. Nhiều nghiên cứu cho thấy mưa axít thường xuyên xảy ra, trong khói bụi có axít khi con người hít phải gây ra khó thở ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bản thân.

Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về PTBV tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định phát triển bền vững (PTBV) là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển, bao gồm: Phát triển kinh tế (quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế), Phát triển xã hội (quan trọng nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm), BVMT (quan trọng nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường chính là bảo vệ tương lai của chúng ta tại Việt Nam

Ở Việt Nam, quan điểm PTBV đã được khẳng định trong đường lối, chính sách của Đảng (Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước) và các văn bản pháp luật của Nhà nước (Định hướng chiến lược PTBV ở Việt Nam; Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) ban hành kèm theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt bởi Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 2/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ). Khái niệm PTBV đã được quy định tại khoản 4, Điều 3, Luật BVMT năm 2014. Theo đó, PTBV được hiểu “là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và BVMT”.

Mục tiêu PTBV cần phải có ba tiêu chí cần thiết    

Thứ nhất, bền vững kinh tế

Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện PTBV về kinh tế.

- Trường hợp có tăng trưởng GDP cao nhưng mức GDP bình quân đầu người thấp thì vẫn coi là chưa đạt yêu cầu PTBV.

- Cơ cấu GDP cũng là vấn đề cần xem xét. Chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững.

- Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Thứ hai, bền vững về xã hội

Xã hội phát triển là hệ số thu nhập cao, tiêu chí về giáo dục và y tế, phúc lợi xã hội, ý thức và văn hóa ứng xử của người dân phải thay đổi, luôn cố gắng làm những điều tốt đẹp cho xã hội.

Tính bền vững về phát triển xã hội ở mỗi quốc gia được đánh giá bằng các tiêu chí, như hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không cao quá và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn. Bên cạnh đó ý thức của người dân cũng là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển xã hội bởi khi người dân có ý thức và nhận thức đúng đắn sẽ giúp xã hội bớt đi những cản trở, những tệ nạn xã hội đã kìm hãm sự phát triển của toàn xã hội đồng thời giúp con người có một lối sống văn hóa lành mạnh văn minh. Để xã hội được phát triển bền vững thì vấn đề giải quyết việc làm, sự kiềm chế gia tăng dân số được quan tâm hàng đầu bởi nó liên quan đến chất lượng sống của người dân. Để giải quyết vấn đề này, nhà nước đã có những chính sách khuyến khích cơ sở kinh doanh bằng nhiều giải pháp tạo ra việc làm cho người dân. Về văn hóa nghiêm cấm các hành vi xâm phạm đến di tích lịch sử văn hóa, có tư tưởng phản động, lối sống đồi trụy,…

Ý thức

Thứ babền vững về môi trường

Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển là một trong những nguyên tắc bảo đảm phát triển bền vững. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, du lịch; quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới,... đều tác động đến môi trường và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện tự nhiên. Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế. Đặc biệt trong quá trình khái thác cũng như trong sản xuất, kinh doanh các nguồn tài nguyên về môi trường chúng ta luôn phải giữ gìn bảo vệ tránh làm tài nguyên bị suy kiệt, tránh khai thác quá mức, chúng ta phải biết sử dụng và khai thác tài nguyên một cách hợp lí.

Hoàng Bảo(T/h)