Ô nhiễm môi trường biển: Thực trạng và vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường biển
MT&XH - Ô nhiễm môi trường biển là một trong những vấn đề lớn trên toàn thế giới. Các vùng biển hiện nay đang ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Mà đây lại là một trong các nguyên nhân gây hại tới sức khỏe và các hoạt động sống của con người. Vậy ô nhiễm môi trường biển là gì?
Trước thực trạng Việt Nam đứng thứ 17 thế giới về xả chất thải rắn ra biển, với 13 triệu tấn/năm, cuối năm 2019, Chính phủ đã có Quyết định số 1746/QÐ-TTg về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Hiện Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển (marine debris), đặc biệt là rác thải nhựa. Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Hay còn có những khu vực rừng ngập mặn tràn ngập túi rác thải nilon. Ngoài ra, hiện lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước Việt Nam vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày).
Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt Nam, vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia đang đứng trước những thách thức. Nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động. Gây ra thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia.
Nạn nhân chính là thủ phạm
Phải nói rằng, trong nhiều năm trở lại đây, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy quá trình bảo vệ môi trường, tài nguyên biển. Tinh thần đó thể hiện rõ trong Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng như nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật. Ðặc biệt, Nghị định số 38/2015/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường biển vẫn diễn ra hằng ngày và không dễ gì cải thiện được. Thí dụ như câu chuyện khá điển hình ở xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), một địa phương không có đất nông nghiệp, đời sống của 18 nghìn nhân khẩu chỉ trông vào nghề khai thác hải sản. Chính quyền địa phương đã vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường, khuyến khích ngư dân sử dụng thùng đựng rác trên các hành trình khai thác, rồi mang về tập kết để xử lý, nhưng không phải ai cũng chấp hành.
Rác thải là một vấn nạn, ngày càng gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
Nhìn nhận về vấn đề này, giáo sư Phạm Ngọc Ðăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, ô nhiễm chẳng những làm mất vẻ đẹp của cảnh quan biển và trên bờ mà còn làm suy giảm các chất khoáng của đất, tàn phá hệ sinh thái tự nhiên ven biển, hải đảo, đồng thời làm nghèo kiệt các loài sinh vật. Hơn thế các chất ô nhiễm đó lại được các loài cá tôm ăn vào, mang trong mình mầm bệnh, rồi con người ăn phải, dẫn đến nguy cơ mắc phải nhiều bệnh, thậm chí bệnh ung thư. “Con người là thủ phạm cũng là nạn nhân của ô nhiễm biển”, giáo sư Phạm Ngọc Ðăng nhấn mạnh.
Nói một cách hình ảnh, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta giống như “một tấm lưới thưa mắt”, vậy nên để lọt “kẻ thù của biển” là rác thải nhựa. Ông Tạ Ðình Thi, Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam, chỉ rõ rằng, việc rác thải nhựa mới được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chứ chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom và xử lý rác trên biển là một khoảng trống pháp lý. Vì thế, ở góc độ trong cuộc, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam kỳ vọng, quá trình thực thi Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề.
“Hợp tác công - tư” trong bảo vệ biển
Cần phải nhắc lại rằng, bản Kế hoạch hành động nói trên đưa ra các mục tiêu cụ thể nhưng không kém phần tham vọng nếu soi vào điều kiện thực tế hiện nay. Theo đó, đến năm 2025, sẽ giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% số khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông. Ðến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% số khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy…
Ðể biến những con số này trở thành hiện thực, đã đến lúc cần có sự đổi mới trong việc gia tăng vai trò của cộng đồng đối với các hoạt động bảo vệ môi trường. Muốn làm được điều đó, không chỉ cần truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ địa phương mà còn cần kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển, trên biển…
Hiện một số địa phương đã tổ chức tốt các chương trình huy động các chiến dịch như:“Hãy làm sạch biển” của tỉnh Quảng Ninh hay, chiến dịch “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” ở Nghệ An. Mỗi năm, Thanh Hóa cũng đều phát động Lễ ra quân “Hãy làm sạch biển”... Ngoài ra, cũng có nhiều tổ chức đứng ra thực hiện các dự án với cùng mục tiêu nói trên. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường biển, những chương trình hoạt động nói trên cần phải được tiến hành thường xuyên, bền bỉ để tạo hiệu ứng lan tỏa lâu dài, giúp người dân có sự thay đổi nhận thức sâu sắc và lựa chọn hành động đúng.
Từ thực tiễn của các dự án đã triển khai, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng Nguyễn Thu Huệ nhìn nhận, muốn phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng, cần chú trọng đến việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, đề cao các sáng kiến phát huy tri thức bản địa và kinh nghiệm quốc tế. Còn ở góc độ chuyên gia, giáo sư Ðặng Huy Huỳnh cho rằng, cần tuyên truyền để người dân hiểu được rằng, bảo vệ môi trường biển chính là bảo vệ đời sống của họ, nguồn lợi kinh tế của cộng đồng họ. Mỗi người đều phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường từ những sinh hoạt, lao động hằng ngày, chứ không phải chỉ thực hiện trong các đợt phát động.
Kiểm soát môi trường biển là một trong những phương pháp để bảo vệ môi trường biển hiệu quả nhất. Cần có những hoạt động tuần tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt, khai thác trên biển.
Nghiêm cấm những hành vi sử dụng chất nổ, kích điện hay hóa chất độc hại. Những hoạt động này sẽ khiến thủy hải sản bị chết hàng loạt khiến một số loài có khả năng bị tuyệt chủng. Cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc với những hành vi cố tình hay không chấp hành luật pháp của nhà nước.
Ngoài ra, cần quy hoạch hoạt động đánh bắt thủy hải sản theo các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề,… Để tránh tình trạng khai thác tràn lan, không phù hợp và khó quản lí như hiện nay.
Xử lý khí thải, rác thải từ hoạt động công nghiệp
Nước thải, chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước biển rất đáng chú ý. Do đó, nhà nước cần yêu cầu những công ty phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải trước khi thải xả ra môi trường.
Các giải pháp sinh học
Bên cạnh việc xây dựng các hệ thống đê, kè, mương,… Để kiểm soát tình trạng thiên tai, lũ lụt,… Chúng ta cần sử dụng một số nguyên liệu có khả năng khử độc, khử khuẩn có nguồn gốc tử thiên nhiên để làm sạch môi trường như: vôi, than hoạt tính,…
Đồng thời, tích cực phát động những hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường theo định kỳ và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ngay từ trên ghế nhà trường.
Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, đã nêu bật tầm quan trọng của cộng đồng trước vấn đề hành động bảo vệ môi trường biển, đồng thời đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương. “Chỉ khi rõ người, rõ việc và trách nhiệm ở tất cả các cấp, mới mong môi trường biển được cải thiện”, ông Tạ Ðình Thi, Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam chỉ ra. |
Thanh Huyền
Tin nóng
- Tập đoàn Nam Việt chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La
03/12/2024 7:48:07 CH
- Đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để thực hiện mở rộng Cảng Hàng không Cà Mau
03/12/2024 1:11:18 CH
- Triển khai chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái - Tiếp nối trang sử vàng” trên địa bàn tỉnh Cà Mau
02/12/2024 10:40:15 CH
- Khi ước mơ được tỏa sáng bằng những kết nối phi thường
02/12/2024 2:23:23 CH
- Ông Nguyễn Thanh Nhã làm Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh
02/12/2024 12:44:50 CH