Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, nhớ công lao của các thế hệ “trồng người”
Năm 1946, tại Paris, “Tổ chức liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục” đã ra đời. Năm 1949, tại Vacsava- thủ đô Ba Lan, bản hiến chương các nhà giáo gồm 15 chương đã được công bố trên trường quốc tế. Bản hiến chương đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục quốc tế, đấu tranh chống lại các tệ nạn tiêu cực của hệ thống giáo dục phong kiến và tư bản. Ngày 30-08-1957, cũng tại thủ đô Vacsava, kết thúc Hội nghị FISE có sự tham gia của 57 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã thống nhất lấy ngày 20-11 làm ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo. Ngày 28-09-1982, ngành giáo dục và Nhà nước Việt Nam đã chính thức lấy ngày 20-11 là ngày nhà giáo Việt Nam.
ảnh tư liệu
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đất nước ta đã gặp nhiều khó khăn, gian khổ, nhất là giai đoạn năm 1945. Sau khi Nhà nước Việt Nam ra đời, Đảng và Bác Hồ đã hết mực quan tâm đến giáo dục, phong trào chống giặc dốt, xóa nạn mù chữ đã lan rộng khắp cả nước. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.” Câu nói đó đã thấm sâu trong tư duy của các thế hệ “trồng người”. Chính vì thế mà sau ngày nước ta độc lập, với sự tận tụy, hi sinh của những người làm nhiệm vụ “bình dân học vụ”, chỉ một năm sau đã có 74.957 lớp học xóa nạn mù chữ và có 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ. Lúc đó, tổng dân số cả nước ước tính có 22 triệu người. Thành tích đó ngoài sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ thì không thể không kể đến công lao và sự tận tụy của những người cầm phấn, nắn nót từng nét chữ. Chính những kiến thức đầu tiên, làm quen dần với từng con chữ cho đến lúc tiếp cận với những kiến thức khoa học kĩ thuật, quân đội và Nhân dân ta đã sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài hiện đại để đánh thắng quân đội viễn chinh của thực dân Pháp, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ.
ảnh tư liệu
Trong cuộc trường chinh vĩ đại, để góp phần thống nhất Tổ quốc, suốt 20 năm, từ năm 1955-1975, có biết bao người vợ là những bông hoa rực rỡ của ngành giáo dục, dưới hầm sâu bên trang giáo án vẫn miệt mài không sợ hi sinh gian khổ để truyền thụ những kiến thức cho đời. Hay những thầy giáo, cô giáo vừa làm nhiệm vụ giảng dạy vừa trực tiếp cầm súng đánh giặc, bảo vệ non sông gấm vóc và đã anh dũng hi sinh. Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến, hàng ngàn nhà giáo đã lên đường vào Nam, vừa dạy học vừa đánh giặc để xây dựng nền giáo dục cách mạng ở miền Nam. Có 621 thầy giáo, cô giáo đã ngã xuống, máu đào của họ thấm đỏ cho hạnh phúc ngày hôm nay và lí tưởng cao đẹp của họ sáng mãi ngàn thu. Và biết bao các thầy giáo, cô giáo trong những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc đã gánh vác mọi nhiệm vụ của sự nghiệp giáo dục để đáp ứng xu thế dạy và học trong điều kiện cả nước có chiến tranh. Những lớp học sơ tán nơi núi rừng hiểm trở bằng tranh tre, nứa lá, trong lúc trên trời, tiếng máy bay gầm rú nhưng trong các lớp học vẫn vang lên tiếng giảng bài: “...Tiếng các em thánh thót quanh làng/ Ai đi Nam bộ Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai vô thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng...” Và bên cặp tài liệu giáo án của thầy giáo, cô giáo, bao giờ cũng có thêm túi cứu thương. Trên đầu của các em học sinh luôn luôn có chiếc mũ rơm để phòng mảnh bom của giặc Mỹ.
Tri ân người giáo viên nhân dân. các thế hệ giáo viên trường THPT Nguyễn Trung Thiên Hà Tĩnh tại lễ kỷ niêm 50 năm ngày thành lập trường.(Ảnh Xuân Lộc)
Trong những năm tháng ác liệt đó, Bác Hồ luôn gửi thư động viên các thế hệ thầy giáo, cô giáo, các cháu học sinh, sinh viên và lãnh đạo ngành giáo dục. Người nói: “...Bác vui lòng biết rằng mặc dù hoàn cảnh khó khăn, hiện nay miền Bắc nước ta đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, mỗi xã đều có trường cấp Một, nhiều xã đã có trường cấp Hai, các huyện đã có ít nhất một trường cấp Ba. Số người đi học đã hơn sáu triệu, trong đó có hơn một triệu cán bộ và công nông đang học bổ túc văn hóa. Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tăng gần gấp ba lần so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức...” Tất cả những nỗ lực, chịu đựng gian khổ hi sinh, những mất mát đau thương của các thế hệ thầy giáo, cô giáo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Các em học sinh vui mừng học tập tại ngôi trường Tiểu học Thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh (ảnh Xuân Lộc)
Đất nước thống nhất, ngành giáo dục lại phải đương đầu với những khó khăn, đó là: xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN. Vì vậy các thế hệ thầy giáo, cô giáo lại phải đồng cam cộng khổ, nhất là cơ sở vật chất. Một thời gian dài với đồng lương quá khiêm tốn đã tác động khó khăn đến cuộc sống của đội ngũ giáo viên, nhưng với tấm lòng thương yêu học sinh, tâm huyết với nghề, các thầy giáo, cô giáo đã vượt qua mọi khó khăn để tiếp cận với công cuộc đổi mới.
Ngày nay, các thế hệ thầy giáo, cô giáo đang làm nhiệm vụ “trồng người” trong bầu không khí hòa bình, nhưng những thách thức không nhỏ về sự phát triển công nghệ, sự tiến bộ không ngừng về khoa học kĩ thuật của nhân loại cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi người giáo viên nhân dân phải thật sự tâm huyết với nghề, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, có tình thương yêu đối với các em học sinh hơn bao giờ hết. Ngành giáo dục phải tìm ra những giải pháp thích hợp, mở ra các điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên để họ có điều kiện hăng say với nghề. Tất cả những gì nói ở phần cuối của bài viết là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp “trồng người” trong giai đoạn hiện nay. Và bài viết này cũng là những lời tri ân sâu sắc nhất nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11./.
Dương Chí Sỹ
Tin nóng
- Hải Phòng: Tổ chức các hoạt động Chào năm mới 2025 và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ
12/12/2024 8:43:02 CH
- Huyện Yên Thế, Bắc Giang thi đua xây dựng nông thôn mới
10/12/2024 3:27:15 CH
- Cà Mau tăng cường công tác thu ngân sách Nhà nước đối với các khoản thu liên quan đến đất đai
06/12/2024 3:51:55 CH
- Tập đoàn Hùng Nhơn: Sẻ chia hơi ấm với bà con tại Tây Ninh
05/12/2024 3:34:36 CH
- Herbalife Việt Nam công bố năm đối tác Casa Herbalife mới nhân dịp kỷ niệm 15 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam
04/12/2024 5:38:00 CH