Ngày Môi trường Thế giới năm 2024: tăng cường hành động phục hồi đất đai, chống hạn hán và sa mạc hóa!

06/07/2024 8:43:45 CH
Share Bai :

 

         Ở những năm thập niên 60, các vấn đề về môi trường không được quan tâm dẫn đến hiện tượng suy thoái, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Khi ý thức được những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống, con người đã bắt đầu có chuỗi hành động thiết thực. Cụ thể, trong hai ngày 5 – 6/6/1972, Hội nghị của Liên hợp quốc đã diễn ra tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển). Đại diện 113 quốc gia đã cùng bàn luận về Con người & Môi trường. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNEP) chọn ngày 5/6 hàng năm là ngày Môi trường Thế giới, có tên tiếng Anh là World Environment Day ( viết tắt: WED).

           Mỗi năm sẽ có mỗi thông điệp chính thức khác nhau về ngày Môi trường Thế giới do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc quyết định và được thông tin đến các quốc gia và người dân trên toàn thế giới. Thông điệp ấy sẽ bao gồm định hướng về các vấn đề môi trường và bảo vệ không gian xanh, nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường toàn cầu và khuyến khích hành động để bảo vệ môi trường Trái đất. Được đưa ra để tất cả các quốc gia đều đồng lòng ký kết thực hiện.

Nguồn: ảnh internet.

          Năm 2024, kỉ niệm 51 năm ngày Môi trường Thế giới, ban tổ chức đã lựa chọn chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”(Land restoration, desertification and drought resilience) nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho con người. Sự kiện này mang thông điệp “đất là sự sống, đó là mặt đất nơi chúng ta đứng và đất nuôi sống chúng ta. Nhưng đất đai của chúng ta đang xuống cấp do hoạt động tiêu thụ, sản xuất nông nghiệp không bền vững và các vấn đề ô nhiễm. Suy thoái đất đã ảnh hưởng tiêu cực đến 3,2 tỷ người. Dù vậy, đất vẫn tha thứ cho chúng ta. Chúng ta có thể khôi phục nó bằng cách trồng cây và trồng đa dạng hơn. Chúng ta có thể tránh sử dụng các chất ô nhiễm và hồi sinh nguồn nước.”

          Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các mục tiêu Phát triển Bền vững.

          Bởi hiện nay, thế giới đang đối mặt với sự gia tăng đáng lo ngại của 3 cuộc khủng hoảng cấp hành tinh: khủng hoảng biến đổi khí hậu, khủng hoảng về thiên nhiên và mất đa dạng sinh học cũng như khủng hoảng ô nhiễm và lãng phí. Việc phục hồi đất có thể đảo ngược tình trạng suy thoái đất, hạn hán và sa mạc hóa. Phục hồi đất làm tăng hấp thụ carbon và làm chậm biến đổi khí hậu. Chỉ khôi phục 15% đất đai và ngừng chuyển đổi thêm có thể tránh được tới 60% nguy cơ tuyệt chủng.

Nguồn: ảnh internet.

          Sự góp mặt tham gia từ năm 1982, Việt Nam là quốc gia tích cực tham gia ngày hội lớn này cùng với thế giới. Nước ta đã có nhiều hoạt động ý nghĩa để dân tộc Việt Nam tham gia hưởng ứng, chung tay bảo vệ môi trường sống của con người và các loài sinh vật.

          Hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT- TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định…

          Căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, cần chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và sinh thái của từng vùng. Tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc. Tăng cường bổ sung nguồn kinh phí, nguồn nhân lực, các phương tiện dự báo thời tiết, khí tượng thuỷ văn của Trung ương và địa phương trong việc chống sa mạc hóa và hạn hán.

          Các địa phương tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và tạo điều kiện cho người dân tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc; tăng cường bổ sung kinh phí, nhân lực, các phương tiện dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn của Trung ương và địa phương trong việc chống sa mạc hóa và hạn hán....

          Nhân ngày Môi trường thế giới 5/6 mỗi chúng ta luôn có ý thức và có những hành động cụ thể và thường xuyên từ những việc làm nhỏ nhất để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta. Có thể nói đây chính là ngày quan trọng có thể truyền tải thông điệp ý nghĩa về môi trường tới các em nhỏ - những thế hệ làm chủ Trái Đất của tương lai. Để từ đó, các em sẽ có thể hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và cùng nhau chung tay, góp sức bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Phong Vân