Ngày môi trường thế giới 2024: phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa.
Ngày Môi Trường Thế Giới 2024, với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa,” là một lời kêu gọi hành động toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức nghiêm trọng liên quan đến sự suy thoái đất đai. Dưới sự dẫn dắt của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), ngày lễ này tập trung vào việc bảo vệ, phục hồi đất và cải thiện khả năng chống hạn hán, từ đó góp phần làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên và tăng cường an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên thế giới.
Trong suốt hơn 5 thập niên qua, ngày Môi trường thế giới đã tạo một nền tảng để hội tụ các hành động tập thể, giúp nhiều tiếng nói được lắng nghe và thúc đẩy mọi người thay đổi, dẫn tới những hiệp ước toàn cầu quan trọng trong mọi lĩnh vực từ ô nhiễm nhựa đến rác thải thực phẩm. Mỗi năm, chủ đề Ngày Môi trường thế giới đều phản ánh một điểm nhấn về những lo ngại môi trường vào thời điểm đó. Chẳng hạn như: Năm 1977, sự kiện này tập trung vào lỗ thủng tầng Ozone; Năm 1984 nêu vấn đề hoang mạc hóa; Chủ đề của năm 1989 là sự nóng lên toàn cầu; Năm 2003 là nguồn nước, trong khi giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon là chủ đề của năm 2018…
Nguồn: ảnh internet
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa, hiện nay có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh đã bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu, tương đương 44 nghìn tỷ USD. Nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Vì vậy, phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
- Tình trạng suy thoái đất tại Việt Nam:
Mức độ nghiêm trọng của thoái hóa đất. Tại Việt Nam, thoái hóa đất đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng với 36% diện tích đất tự nhiên đang chịu tác động từ các quá trình này. Tình trạng xói mòn, mặn hóa, phèn hóa và sa mạc hóa đang lan rộng, làm suy giảm độ phì nhiêu của đất và đe dọa an ninh lương thực của quốc gia. Ngoài ra, tần suất và thời gian hạn hán cũng đang tăng nhanh, gây thêm áp lực lên các vùng đất đã bị thoái hóa. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của hàng triệu nông dân, đặc biệt ở các khu vực miền Trung và Nam Bộ, nơi tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập đang trở nên thường xuyên hơn.
- Các hoạt động hưởng ứng tại Việt Nam.
Hưởng ứng Ngày Môi Trường Thế Giới 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã phát động nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; triển khai Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 5/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT- TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định…
Cụ thể, các tỉnh thành như Quảng Trị, Hà Nội và Bến Tre đã tổ chức lễ phát động với sự tham gia của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng.
Tại Quảng Trị, lễ mít tinh và phát động xây dựng mô hình "Hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2024-2030" đã được tổ chức, kêu gọi sự chung tay của toàn dân trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phục hồi đất và chống hạn hán.
Nguồn: ảnh internet.
Ở Hà Nội, Ngày Môi Trường Thế Giới là dịp để các trường học, doanh nghiệp và cộng đồng cùng nhau hành động vì một Thủ đô xanh, sạch và phát triển bền vững. Chương trình “Chung tay hành động vì Hà Nội Xanh” được tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường.
- Giải pháp phục hồi đất và ngăn chặn sa mạc hóa:
1. Tăng cường phục hồi đất: Phục hồi đất là một trong những giải pháp chính để ngăn chặn sa mạc hóa và cải thiện khả năng chống hạn hán. Việc sử dụng các phương pháp canh tác bền vững như sử dụng phân bón hữu cơ, men vi sinh, và luân canh cây trồng giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, giảm xói mòn và tăng cường khả năng giữ nước.
2. Bảo vệ và phát triển rừng: Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn quá trình sa mạc hóa bằng cách giữ nước, giảm xói mòn và duy trì độ ẩm cho đất. Việc trồng rừng mới và bảo vệ rừng hiện có cần được đẩy mạnh, đặc biệt ở những khu vực dễ bị hoang hóa.
3. Quản lý nguồn nước hiệu quả: Quản lý nguồn nước bền vững là yếu tố quan trọng trong việc đối phó với hạn hán và bảo vệ đất. Các biện pháp như xây dựng hồ chứa, hệ thống tưới tiêu hiện đại, và tái sử dụng nước thải cần được áp dụng rộng rãi để đảm bảo cung cấp nước liên tục cho nông nghiệp và duy trì độ ẩm cho đất.
4. Giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng: Giáo dục cộng đồng về các biện pháp bảo vệ đất và chống sa mạc hóa là yếu tố không thể thiếu. Các chương trình giáo dục và truyền thông về môi trường cần được thực hiện một cách rộng rãi và liên tục, nhằm thay đổi thói quen canh tác và sinh hoạt có hại cho đất.
5. Thực hiện chính sách hỗ trợ: Chính phủ cần đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho nông dân trong việc áp dụng các phương pháp canh tác bền vững. Bên cạnh đó, cần thiết lập các quy định chặt chẽ về quản lý và sử dụng đất để ngăn chặn khai thác tài nguyên đất bừa bãi.
Ngày Môi Trường Thế Giới 2024 là cơ hội để chúng ta nhìn lại và hành động vì một tương lai bền vững. Tại Việt Nam, việc phục hồi đất và chống hạn hán, sa mạc hóa không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho người dân. Hãy cùng chung tay để bảo vệ đất đai – nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Khổng Thủy
Tin nóng
- DANKO CITY - GIÁNG SINH DIỆU KỲ VỚI 300 ÔNG GIÀ NOEL
12/12/2024 10:25:23 CH
- Cam FVF - Điển hình của ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp xanh bền vững
11/12/2024 3:08:23 CH
- Masan High-Tech Materials 7 năm liên tiếp được công nhận là "Doanh nghiệp Bền vững"
02/12/2024 3:08:04 CH
- Núi Pháo nhận giấy khen vì thực hiện tốt công tác chuyển đổi số
23/11/2024 8:55:54 SA
- SeABank và Tập đoàn BRG chung tay trồng 68.000 cây phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai
20/11/2024 1:36:43 CH