LHH Hà Giang: Hiệu quả lớn từ một dự án nhỏ cấp nước sạch và nước uống trực tiếp

05/05/2022 1:23:03 CH
Share Bai :

Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, tại tỉnh Hà Giang, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) đã phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức lễ bàn giao 5 hệ thống cấp nước sạch, nước uống trực tiếp cho các trường học trên địa bàn trongniềm vui hân hoan của thầy trò, Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương.

Đại diện Liên hiệp hội tỉnh Hà Giang, nhà tài trợ (PHAD) và trường PTCS Yên Cường (huyện Bắc Mê)biên bản bàn giao sáng 25-3.

Mô hình 5 hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (hay còn gọi là nước uống học đường - NUHĐ) là một trong những nhiệm vụ được đề xuất trong dự án “Tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường cho trường học và người dân tỉnh Hà Giang” do Liên hiệp hội tỉnh chủ trì. Đây là môt hợp phần nằm trong Dự án tổng thể “Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường - Local Works” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Viện PHAD (giai đoạn 1 từ năm 2018-2022).

 Với phương châm “làm để học” và dựa trên nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự hưởng lợi, Dự án nhằm phát huy sáng kiến của các tổ chức địa phương trong việc tìm kiếm giải pháp, lựa chọn công nghệ đáp ứng về nước sạch cho người dân. Trong giai đoạn xây dựng mô hình, nhà tài trợ cấp khoảng 80% tổng mức kinh phí đầu tư, chủ yếu tập trung vào kỹ thuật, một phần công nghệ, đào tạo, hướng dẫn truyền thông, hướng dẫn quản lý và vận hành hệ thống. Vốn đối ứng của địa phương khoảng 20% và hướng đến tự chủ trong giai đoạn nhân rộng mô hình, nhằm phát huy kết quả bền vững của Dự án.

Mô hình được triển khai với quy mô nhỏ, bán công nghiệp, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại. Quy mô công suất (bộ xử lý nước đầu nguồn và hệ thống lọc nước tinh khiết) được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện nguồn nước đầu vào, địa hình, năng lực đầu tư và chủ yếu là phù hợp với nhu cầu sử dụng nước của mỗi đơn vị. Cụ thể là:

Tại trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Yên Cường (huyện Bắc Mê) và trường Mầm non xã Sủng Là (huyện Đồng Văn), công suất bộ xử lý nước đầu nguồn là 5m3/ngày; hệ thống máy lọc nước tinh khiết RO, quy mô bán công nghiệp, công suất 120 lít/giờ; tương tự, tại trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Bắc Mê (huyện Bắc Mê) và trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn) là: 10m3/ngày và 120 lít/giờ; tại trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang là 30m3/ngày và 300 lít/giờ, đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt và nước uống trực tiếp cho nhu cầu người dùng của mỗi trường.

Hệ thống xử lý cấp nước sạch và nước uống trực tiếp được lựa chọn công nghệ tiên tiến và hiện đại, loại bỏ kim loại nặng, khử độ cứng và làm mền nước, kết hợp với khử trùng bằng Cloramin B. Công nghệ lọc nước với màng lọc RO (Reverse Ossmosis - thẩm thấu ngược), kết hợp sử dụng lõi lọc Nano bạc và đèn UV, loại bỏ hầu hết các chất cặn bẩn, độc tố, kim loại nặng như Chì (Pb), thủy ngân (Hg),  Asen, chất phóng xạ, hóa chất nguy hại, thuốc trừ sâu, tiêu diệt  và loại bỏ toàn bộ các loại vi rút, vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh và tạo ra nước tinh khiết, vô trùng đáp ứng nước uống trực tiếp theo tiêu chuẩn QCVN 6-1:2010/BYT.

Cùng với lắp đặt hệ thống, các địa phương thành lập Ban Quản lý và ban hành Quy chế quản lý, vận hành hệ thống nhằm phát huy vai trò tự quản trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước. Ban Chủ nhiệm Dự án phối hợp với nhà thầu (Công ty Tekcom) tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nòng cốt về quản lý sử dụng, theo dõi, giám sát; đồng thời hướng dẫn giám sát, viết báo cáo giám sát vận hành và chất lượng nước đầu ra; xây dựng bộ tài liệu truyền thông và cuốn sổ tay hướng dẫn vận hành, sổ nhật ký báo cáo giám sát vận hành...

Sau 5 tháng khảo sát, thiết kế, lắp đặt và gần 3 tháng vận hành thử nghiệm, các báo cáo giám sát kỹ thuật và chất lượng nguồn nước của hệ thống cho thấy, tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật đều đảm bảo, chất lượng nguồn nước đầu ra đạt Quy chuẩn Quốc gia về nước sinh hoạt, nước uống trực tiếp, không có các chỉ tiêu dưới mức Quy chuẩn. Nguồn nước đáp ứng nhu cầu sử dụng cho trên 3.240 học sinh, cán bộ, thầy cô giáo của 5 nhà trường tham gia Dự án. Mức độ hài lòng của người sử dụng trên cả 5 hệ thống đạt từ 97 đến 99%.

Tại các buổi lễ bàn giao, Ban Chủ nhiệm đã nhận được nhiều đánh giá xác đáng về hiệu quả và tính bền vững của Dự án. Dự án tuy nhỏ, chi phí thấp (chỉ trên 702 triệu đồng cho cả 5 công trình) nhưng hiệu quả lớn, mang lại nhiều giá trị thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe cho cộng đồng.

Ông Cao Hồng Kỳ, Chủ tch Liên hiệp hội, Chủ nhiệm Dự án, giớithiệu hệ thống lọc nước tinh khiết tại trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang

Qua thực tế vận hành, các nhà trường đều có chung nhận xét: Hệ thống có nhiều tiện ích nổi trội, như dễ lắp đặt, độ bền cao, tiết kiệm điện năng và nguồn nước đầu vào, phù hợp với điều kiện ở vùng khan hiếm nước, đáp ứng mô hình tự quản là đơn vị trường học, cụm dân cư miền núi. Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, khó có thể xây dựng được các trạm nước tập trung hoặc nước uống trực tiếp đại trà cho những trường học đông học sinh, sinh viên, thì đây là một giải pháp tích cực chưa từng có tại tỉnh Hà Giang.

Kết quả Dự án đã khắc phục được tình trạng học sinh phải mang nước uống từ nhà đến trường, nhà trường không còn phải mua nước uống với giá cao mà chất lượng vẫn không đảm bảo. Hiệu quả của mô hình không chỉ giúp nhà trường chủ động nguồn nước sạch trong sinh hoạt và nước uống trực tiếp, mà còn tiết kiệm mỗi năm từ 4- 5 triệu đồng mua nước uống; riêng trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tiết kiệm trên 20 triệu đồng mỗi năm. Sức khỏe thể chất và tinh thần của thầy trò được nâng lên, hạn chế rõ rệt một số bệnh về tiêu hóa, mắt, ngoài da và những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Theo đó, công tác truyền thông về nâng cao năng lực tiếp cận sạch và vệ sinh môi trường, bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, dân cư.

Theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ quá trình triển khai xây dựng mô hình trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Chinh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn phát biểu trong buổi lễ bàn giao tại trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Sà Phìn và trường Mầm non xã Sủng Là (sáng 23/3) đã nhấn mạnh: Hệ thống cấp nước sạch và NUHĐ tại hai trường của huyện là những nơi rất khan hiếm về nguồn nước, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa nên thường xảy ra thiếu nước trong những tháng mùa khô (kéo dài tới 6, 7 tháng/năm). Đến nay, mô hình đã đưa vào sử dụng với nhiều ưu điểm vượt trội, công nghệ lọc hiện đại, nguồn nước uống đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, là một kết quả vượt qua sự mong đợi của chính quyền và người dân địa phương. Chúng tôi coi đây là mô hình hữu ích, có hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội, đồng thời sẽ chú trong nhân rộng trong các trường học và cụm dân cư của huyện.  

Cùng những đánh giá trên, bà Củng Thị Mẩy, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê phát biểu trong buổi lễ bàn giao hệ thống cấp nước sạch và NUHĐ tại trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Yên Cường và trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Bắc Mê (sáng 25/3) đã bày tỏ sự cảm kích, phấn khởi của lãnh đạo và nhân dân, nhất là của giáo viên, học sinh hai nhà trường được thụ hưởng kết quả Dự án; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với các đơn vị khoa học, các cơ quan chuyên môn của tỉnh và Trung ương huy động nguồn lực nhân rộng mô hình, đáp ứng nhu cầu còn rất lớn về nước sạch và NUHĐ của các trường học và cụm dân cư, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển bền vững của Dự án trên địa bàn huyện.

Nhà giáo Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng và Công nghệ Hà Giang cũng cho biết: Việc đưa mô hình nước uống trực tiếp trong nhà trường đã giúp nhà trường tháo gỡ được rất nhiều khó khăn so với trước đây phải lo nước uống hàng ngày cho khoảng trên dưới 1.500 cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên. Đến nay, nhà trường đã chủ động cung cấp đủ nước uống trực tiếp cho người sử dụng trong trường, tiết kiệm cho nhà trưởng khoảng 20 triệu đồng mỗi năm do không phải mua nước đóng bình và sửa chữa máy lọc nước, chưa kể tiết kiệm các chi phí khác như vật tư thay thế, điện năng...

Đại diện Liên hiệp hội tỉnh Hà Giang, nhà tài trợ (PHAD) và trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn)) ký biên bản tại lễ bàn giao 

Trong chuỗi hoạt động bàn giao các hệ thống cấp nước sạch, NUHĐ cho các đơn vị thụ hưởng, một Hội thảo khoa học vận động chính sách: Nhân rộng mô hình “Nhà tiêu sinh học” và “Hệ thống cấp nước sạch, nước uống học đường” trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tổ chức sáng 24/3. Tại Hội thảo, ông Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh những ưu điểm, tiện ích, phù hợp với nhu cầu sử dụng và năng lực quản lý, vận hành của địa phương; đồng thời chỉ đạo cụ thể Liên hiệp hội và các sở, ngành của tỉnh tiếp tục đánh giá, tổng hợp kết quả, xây dựng thành chương trình, kế hoạch trình UBND tỉnh xem xét, quyết định ban hành một số chính sách cụ thể làm cơ sở hỗ trợ nhân rộng mô hình trong các trường học, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích, hiệu quả của các mô hình, gắn với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của nước sạch, VSMT trong đời sống, sinh hoạt, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ an ninh nguồn nước; phát huy tính chủ động, sáng tạo, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp trong việc xây dựng hệ thống cấp nước sạch và NUHD tại các trường học và cụm dân cư.

Những kết quả đạt được nêu trên từ một Dự án nhỏ nhưng kết quả đạt được là rất lớn. Hiệu quả kinh tế - xã hội là rất rõ rệt

Ông Nguyễn Trung Chiến, Giám đốc kỹ thuật (bên phải) giới thiệu về nước uống trực tiếp tại trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn).

Nguyễn Thành Vinh

  • Tags: