KÝ ỨC VỀ THÁNG TƯ

30/04/2022 3:49:31 SA
Share Bai :

Khoảng 13h30 phút ngày 30/4/1975, khi xe tăng của cựu chiến binh Nguyễn Đức Ngạn cùng các đồng đội phối hợp với Lữ đoàn 22 tăng QĐ4 tiến vào được Dinh Độc Lập thì cờ đã được cắm, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.


Khoảng 13h30 phút ngày 30/4/1975, khi xe tăng của cựu chiến binh Nguyễn Đức Ngạn cùng các đồng đội phối hợp với Lữ đoàn 22 tăng QĐ4 tiến vào được Dinh Độc Lập

Sinh ra nơi vùng quê huyền thoại 

Đó là câu chuyện của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh(CCB) phường Tân Giang(Thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh), khóa VI, Nhiệm kỳ 2022 2027 - Nguyễn Đức Ngạn; Là một trong những CCB đã từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975. Nguyễn Đức Ngạn (SN 1957), trú tại phường Tân Giang, TP.Hà Tĩnh; Ông sinh ra và lớn lên tại xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nơi vùng quê huyền thoại của khúc ruột Miền Trung. Từ xa xưa trên địa bàn xã này có tuyến Kênh nhà Lê nối từ kinh đô Hoa Lư đến Đèo Ngang đi qua, là tuyến đường thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và được coi là tuyến đường Hồ Chí Minh trên sông, vì những đóng góp cho các cuộc chiến tranh của người Việt. Cũng theo sử sách, miền địa linh nhân kiệt Can Lộc này có 42 vị đỗ đại khoa (chiếm 1/3 số người Hà Tĩnh) được ghi danh trên bảng vàng Văn miếu Quốc Tử Giám. Từ người khai khoa Thái học sinh Đặng Bá Tĩnh cho đến Đình nguyên Thám hoa Phan Kính, Thám hoa - Danh sư Nguyễn Huy Oánh, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Tiến sĩ Dương Trí Trạch, Hà Công Trình, Hà Tôn Mục, Vũ Diệm… đều đã cống hiến cho đất nước nhiều công trạng trên nhiều lĩnh vực.


Chủ tịch Hội CCB phường Tân Giang(Thành phố Hà Tĩnh) - Nguyễn Đức Ngạn tại Đại hội Đại biểu lần thứ VI, Nhiệm kỳ 2022 - 2027

Lớn lên tiếp bước cha, anh lên đường

Tháng 10/1974, tiếp bước truyền thống vẻ vang của các lớp cha trước, lớp anh sau, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hăng hái lên đường làm nhiệm vụ; chàng thanh niên Nguyễn Đức Ngạn nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi. Ông tham gia đoàn huấn luyện đóng tại Bãi Khủa, thuộc địa bàn xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 1/1975, ông được bổ sung vào Trung đoàn 273 thuộc Sư đoàn 341, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, bộ đội bộ binh. Trung đoàn của ông được giao nhiệm vụ hành quân từ Quảng Bình vào miền Đông Nam Bộ để bổ sung lực lượng cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng miền Nam.

Trung đoàn của ông hành quân đi theo đường 9 Nam Lào qua tỉnh Atôpư (Lào) qua ngã 3 Đông Dương để tiến vào miền Tây Nam Bộ. Suốt 3 tuần ròng rã hành quân giữa những cơn mưa rừng, giữa cái nắng gió bỏng rát của đất Lào, trung đoàn của ông được giao nhiệm vụ giữ chốt tại đường 14 để chặn quân địch thua trận từ Tây Nguyên rút về Sài Gòn. Tại đây, giữa quân ta và địch đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, cũng chính nơi này, nhiều anh em chiến sĩ thuộc Trung đoàn 273 đã bỏ lại một phần xương, máu có những người mãi mãi không trở về.

“Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giữ chốt, tôi cùng anh em đồng đội tiếp tục tham gia trận đánh mở màn vào chi khu quân sự Chân Thành của địch. Đây là chi khu khét tiếng mà quân địch được trang bị vũ khí tinh nhuệ, bọn chúng đi đến đâu, dân tình khiếp đảm đến đó. Quân ta đánh phía Tây Chân Thành sau đánh sang phía Đông Chân Thành, phối hợp với lực lượng xe tăng pháo, giành chiến thắng vang dội. Giải phóng Chân Thành xong, tôi cùng anh em đồng đội tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 26/4/1975”, hồi ức ùa về qua đôi mắt sáng ngời của người cựu chiến binh.


Những tấm huân, huy chương trong chiến dịch Hồ Chí Minh đều được cựu chiến binh Ngạn giữ gìn cẩn thận.

Những ký ức tháng tư

Sau khi giành chiến thắng tại Chân Thành, trung đoàn của ông tiếp tục được lệnh hành quân từ Chân Thành sang chi khu Trảng Bom (thuộc thị trấn Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Đây được coi là 1 trong những cánh cửa thép của địch, chặn tiếp viện của ta từ miền Bắc vào miền Nam. Điểm này quan trọng đến mức quân địch đã từng đưa ra khẩu hiệu: “Mất Trảng Bom là mất tất cả”.

“19h ngày 25/4/1975, Đại đội 9 của tôi được cấp trên giao nhiệm vụ đánh vào Trảng Bom. Đây là trận đánh mở đường cho anh em đồng đội tiến lên. Khi nghe lệnh, anh em ai nấy đều bàng hoàng bởi đây là một vinh dự và cũng là nhiệm vụ sống còn. Có thể sau trận đánh này, chúng tôi mãi mãi không còn được gặp lại người thân. Tối hôm đó, tôi lục ba lô, mặc bộ quần áo mới vì sợ sẽ không còn cơ hội để được mặc nó nữa. Tôi cùng anh em đồng đội để lại những kỷ vật vào ba lô để nếu lỡ hy sinh, những kỷ vật này sẽ được mang về cho gia đình. Tôi là người được giao giữ khẩu trung liên hỏa lực của đơn vị, là người sẽ bắn phát súng đầu tiên để anh em xông lên nên cảm giác lo lắng, bồn chồn suốt đêm, không thể nào chợp mắt”, ông Ngạn xúc động.

Người cựu chiến binh tiếp lời, đến khoảng 2h ngày 26/4/1975, Đại đội của ông tiếp cận Trảng Bom. Tất cả anh em chiến sĩ được lệnh đào hầm nấp cách Trảng Bom khoảng 700m để tiếp cận quân địch. 4h cùng ngày, đào xong hầm, mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm cả vai áo, hàng trăm chiến sĩ thuộc Đại đội 9 đồng loạt vào vị trí ôm súng chờ lệnh tấn công.

“5h ngày 26/4, Tiểu đoàn 3, thuộc Trung đoàn 273 bắn pháo công kích. 15 phút sau, 3 phát pháo sáng nổ lên trời báo hiệu lệnh tổng tấn công, lính bộ binh chúng tôi ào lên, tiến thẳng, áp sát vào trung tâm chi khu quân sự Trảng Bom của địch. Lúc này, pháo kích các phía của địch bắn vào quân ta dồn dập. Chiến thuật của ta là đánh đồng loạt, hỏa lực trước bộ binh sau. Do quân địch bị thương rất nhiều vì pháo công kích của ta trước đó bắn trúng vào vị trí hầm của địch, anh em chiến sĩ chúng tôi thừa thắng xông lên, nhưng được lệnh phải bắt sống tàn quân, không được bắn chết. Tôi bắt sống được 1 tên lính địch, cùng đồng đội áp giải chúng ra đồi cao su, chiếm giữ hoàn toàn chi khu quân sự Trảng Bom. Đây là trận đánh đáng nhớ nhất trong cuộc đời người lính của tôi”, mắt ông Ngạn lại sáng lên những ký ức đầy tự hào.

Nhấp ngụm chè xanh, cựu chiến binh Ngạn tiếp lời, đến 16h cùng ngày sau khi quân ta chiếm giữ được chi khu quân sự Trảng Bom, anh em chiến sĩ được lệnh rút về hậu cứ. Tối 29/4/1975, toàn Tiểu đội 3 của ông được lệnh lên xe tăng tiến thẳng về Sài Gòn.

“Khoảng 5h ngày 30/4/1975, khi đại đội của tôi đi qua cầu Sài Gòn, 2 bên đường cờ đỏ sao vàng rợp trời, nhân dân đứng giơ tay vẫy chào và trao tay cho anh em chiến sĩ chúng tôi những mẩu bánh mỳ, gói lương khô để tiếp tế. 13h cùng ngày, đoàn xe chúng tôi tiến gần đến cửa Dinh Độc Lập thì bất ngờ một viên đạn từ xa bắn vào quả đạn B40 treo bên nòng súng ở trên xe. Quả B40 bị mẻ, khói phun lên, lúc này anh Nguyễn Đức Côi, người ở Thái Bình đã ôm quả B40, nhảy xuống xe tăng, vượt qua biển người đến thả xuống một gốc cây. Nhưng rất may là quả B40 chỉ bị bắn trúng phần vỏ đạn chứ không trúng vào đầu đạn. Nếu nó phát nổ vào lúc ấy thì cả mấy anh em trên xe cũng không còn một ai”, giọng cựu chiến binh Ngạn trầm xuống.

"Lúc xe tăng của chúng tôi tiến vào được Dinh Độc Lập thì cờ đã được cắm, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Một biển người cờ, hoa, nhân dân đứng 2 bên đường phấn khởi vẫy chào các anh bộ đội giải phóng. Gương mặt ai cũng hiện lên nét rạng ngời, hạnh phúc, một không khí hào hùng mà cả cuộc đời tôi không bao giờ quên được…”, cựu chiến binh Ngạn hồi tưởng lại.

Phát huy bản chất truyền thống của Bộ đội cụ Hồ

Sau ngày giải phóng, cựu chiến binh Nguyễn Đức Ngạn được điều ra Bắc rồi phân về Trạm 16 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh đóng ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đến cuối năm 1975, ông được phân công làm Phó Bí thư đoàn xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, sau đó, học bổ túc văn hóa. Tốt nghiệp cấp 3, ông thi đỗ vào trường đại học Pháp lý Hà Nội và sau đó về công tác tại Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh.


Với vai trò hội viên Hội CCB phường, ông (Nguyễn Đức Ngạn-mặc quần áo xanh màu lính) luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua do Hội CCB phát động.

Nghỉ hưu theo chế độ năm 2017, ông tiếp tục tham gia công tác tại địa phương với nhiều công việc, nhiệm vụ khác nhau. Với tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của một người lính, CCB Nguyễn Đức Ngạn được người dân Khối phố 7, Phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh tin tưởng bầu làm Khối Phố Trưởng, từ tháng năm 2018. Dù ở cương vị nào, vị trí công tác nào, ông cũng luôn phát huy phẩm chất người lính, sẵn sàng phục vụ Nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

“Trong gần 4 năm công tác tại khối phố, tôi đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động hội viên, Nhân dân tham gia, đóng góp cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, bản thân tôi và gia đình cũng phải gương mẫu, chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có như vậy mới tạo được niềm tin để mọi người làm theo” - CCB Nguyễn Đức Ngạn nói. Song song đó, ông còn thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, để kịp thời tham mưu, phối hợp cùng Ban điều hành khu phố giải quyết các vấn đề phát sinh.


BCH Hội CCB phường khóa VI đã họp phiên thứ nhất, bầu ông Nguyễn Đức Ngạn, Chủ tịch Hội CCB phường khóa V tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội CCB phường khóa VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027

Năm 2021, CCB Nguyễn Đức Ngạn được cấp uỷ, chính quyền và các Hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội CCB phường Tân Giang nhiệm kỳ V và tháng 3/2022 được bầu tái cử làm Chủ tịch hội CCB phường Tân Giang nhiệm kỳ VI 2022 - 2027.

Bằng sự niềm nở, chân tình, tận tụy, tận tâm, CCB Nguyễn Đức Ngạn luôn được bà con quý mến, kính trọng. Đồng thời, với vai trò hội viên Hội CCB phường, ông luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua do Hội CCB phát động, như: “CCB gương mẫu”, “CCB thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”…

Đức Thống - Phan Nghĩa

 

 

  • Tags: