Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau nơi lưu trữ đa dạng sinh học quý ở Việt Nam

20/09/2022 9:14:07 SA
Share Bai :

Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau là một trong những điểm đến nổi tiếng mang tính địa lý, văn hóa tiêu biểu của cả nước, với những đặc điểm độc đáo của vùng sinh thái cửa sông, ven biển độc đáo.

Mũi Cà Mau còn là địa danh thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam, ai cũng muốn một lần đặt chân đến điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc. Không những thế nơi đây còn nổi bật với nhiều hệ sinh thái đặc trưng. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau tọa lạc tại xã Đất Mũi – huyện Ngọc Hiển – tỉnh Cà Mau. Trước đây, địa điểm này là khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi và được quyết định nâng cấp thành vườn quốc gia vào ngày 14/7/2003 theo số 142/2003/QĐ-TTg. Mũi Cà Mau được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển thế giới và trở thành khu Ramsar thứ 2088 của thế giới, thứ 5 của Việt Nam, thứ 2 của ĐBSCL. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau có diện tích 371.506ha với 3 vùng: vùng lõi 17.329ha, vùng đệm 43.309ha và vùng chuyển tiếp 310.868ha. Vùng lõi được chia làm 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và dãy rừng phòng hộ ven biển.Nơi đây có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển… Mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao.

Với diện tích 371.506ha, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển với giá trị đa dạng sinh học cao. Vùng Mũi Cà Mau có 4 đặc trưng sinh thái chính gồm hệ thống diễn thế nguyên sinh trên đất bãi bồi; hệ thống chuyển tiếp các hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa; là vùng bãi đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thuỷ hải sản cho cả vùng biển rộng lớn. Do những đặc trưng trên, nên nơi đây có nhiều vùng sinh quyển độc đáo. Đây là nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng với 93 loài thực vật thuộc 38 họ (trong đó chủ yếu là đước); có 28 loài thú thuộc 13 họ; 6 loài lưỡng cư thuộc 4 họ và 34 loài bò sát thuộc 14 họ. Nhiều loài bò sát ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam và Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Ngoài ra, khu vực này còn có 74 loài chim thuộc 23 họ, trong đó có 28 loài chim di trú và nhiều loài quý hiếm.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, nơi nghiên cứu về các loài chim nước ven biển của Việt Nam và vùng châu Á-Thái Bình Dương.Nơi đây có hệ sinh thái rất đa dạng, đặc trưng là hệ động thực vật rừng ngập mặn. Thực vật đặc trưng gồm: sú, vẹt, đước, mắm, tràm….Động vật khu vực này đa dạng, gồm có rùa, rắn, trăn, cua, các loại cá nước lợ, ba khía, sóc… Chức năng hoạt động chính của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là bảo vệ và bảo tồn sự đa dạng sinh thái nơi đây nhằm mục đích:

Bảo vệ tuyệt đối sự đa dạng sinh học của các loài động thực vật đang sinh sống tại nơi đây. Bao gồm các loài cây ngập mặn, các loài động vật cư trú, cung cấp thức ăn và các chất dinh dưỡng cho các loài thủy sản,….; bảo tồn các mẫu sinh thái mang chuẩn có tầm quan trọng quốc gia và cả trên thế giới suốt hàng thế kỷ. Việc bảo tồn phải dựa trên những cơ sở khoa học đã được chứng nhận, các giải pháp về kinh tế xã hội để giúp bảo vệ hệ sinh thái tại đây vẫn đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ; Nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng và các hệ sinh thái đang sinh sống tại đây. Đồng thời nắm được các phương pháp và cách thức sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này; Bảo vệ và củng cố thêm năng lực quốc phòng và bảo vệ tình hình an ninh trật tự và chính trị văn hóa tại nơi cực nam của tổ quốc.

Hệ thống rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau còn là hệ thống rừng phòng hộ giúp ngăn ngừa nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất. Hệ thống rừng ngập mặn còn giúp việc bồi đắp đất trở nên dễ dàng hơn, tạo điều kiện phát triển cho người dân sinh sống tại đây và còn bảo vệ nơi sinh sống và cư trú của các loài động thực vật khác. Bên cạnh mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau còn là nơi thích hợp để phát triển một số loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu khoa học ở khu cấm nghiêm ngặt; tham quan khu nuôi thú rừng; vui chơi, giải trí tại Khu du lịch Công viên Văn hóa Đất Mũi và khu dịch vụ tại trụ sở Vườn quốc gia.Vườn quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 8.286ha, nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An (huyện U Minh) và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời).

Vườn có 3 phân khu chính gồm khu bảo tồn hệ sinh thái rừng trên đất than bùn; phân khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập nước và phân khu dịch vụ hành chính. Vườn Quốc gia U Minh Hạ được lập trên cơ sở chuyển từ Khu bảo tồn Vồ Dơi nhằm bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên lớp đất than bùn đặc biệt mà không nơi nào trên thế giới có được. Hệ thực vật rừng có 176 loài, trong đó loài tràm (Melaleuca cajuputii) là loại cây đặc trưng nhất. Tràm chiếm đa số nên người ta đặt tên rừng tràm vì lẽ đó.

Rừng tràm U Minh Hạ hiện cũng là một điểm tham quan hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Cà Mau. Với lợi thế cây tràm giúp rừng U Minh Hạ có được đặc sản mật ong rừng tự nhiên sánh vàng, ngọt mát. Rừng đặc dụng phòng hộ ven biển (biển Tây tỉnh Cà Mau) là nơi nối dài và chuyển tiếp giữa hai hệ sinh thái ngập mặn và ngập nước ngọt theo mùa, hình thành nhiều cảnh quan đặc sắc… Rừng tương đối phong phú về hệ động thực vật. Trong đó chiếm ưu thế thuộc về loài đước đen, mắm trắng, mắm đen, mắm ổi, vẹt dù với quần thể thực vật gồm rừng tái sinh tự nhiên hỗn giao giữa cây đước, cây vẹt và rừng mắm. Rừng phòng hộ biển Tây Cà Mau có diễn thể tự nhiên của rừng ngập mặn ưu thế bởi cây mắm và cây đước, nhất là tại các cù lao cửa sông.

Tháng 5/2009, cùng với Cù Lao Chàm-Hội An (Quảng Nam), Mũi Cà Mau (Cà Mau) đã được UNESCO chính thức đưa vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây cũng là địa danh được công nhận là Khu Du lịch quốc gia. Việc Mũi Cà Mau được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập nước và bảo tồn các giá trị nhân văn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 36 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về Ban hành quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, có hiệu lực từ đầu năm 2021.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, thủy sản và phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước Quốc tế.Ủy ban Nhân dân các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau trên phạm vi địa giới hành chính của địa phương theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Mũi Cà Mau được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập nước và bảo tồn các giá trị nhân văn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, nhằm hướng đến mục tiêu điều hòa các mối quan hệ giữa con người và môi trường để đảm bảo sự cân bằng của hệ sinh thái nhân văn trong phạm vi Khu sinh quyển; phát triển kinh tế-xã hội kết hợp bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học.

Trí Đức

  • Tags: